09/06/2023 15:59
Đồng chí Ngô Chí Cường phát biểu thảo luận.
Tại phiên họp, đồng chí Ngô Chí Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh đã tham gia thảo luận với nhiều nội dung quan trọng.
Thống nhất với nội dung báo cáo của Chính phủ về tiếp thu, giải trình ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; cơ bản đồng tình với nhiều nội dung của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất, sau khi được tiếp thu, chỉnh sửa hoàn chỉnh và đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp này. Đồng chí Ngô Chí Cường đánh giá cao sự quyết tâm của Chính phủ trong chỉ đạo thực hiện từ khâu biên soạn, lấy ý kiến đóng góp cho đến việc tiếp thu, chỉnh sửa nội dung Dự thảo Luật, nhất là phương thức lấy ý kiến Nhân dân, các nhà khoa học, nhà quản lý... một cách nghiêm túc, đồng bộ, công khai, minh bạch, bảo đảm thực chất và hiệu quả.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình lấy ý kiến tại kỳ họp Quốc hội lần này đã thể hiện rõ các quan điểm, các định hướng lớn trong đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai của Đảng và Nhà nước về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân; hoàn toàn phù hợp với quan điểm, định hướng được nêu trong Nghị quyết số 18 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Bên cạnh đó, nội dung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình kỳ họp này cũng đã cơ bản giải quyết được các tồn tại, vướng mắc hiện nay, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Điều quan trọng nhất là đối với các quy định về thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất... đã được tiếp thu và quy định chặt chẽ hơn, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư...; việc bồi thường thiệt hại về tài sản trong sản xuất, kinh doanh, chi phí đầu tư vào đất cũng được quan tâm, các chính sách liên quan được quy định chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi cho người có đất bị thu hồi được ổn định cuộc sống. Từ đó, tạo ra tâm lý cho người dân, doanh nghiệp an tâm khi bị thu hồi đất, góp phần ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội.
Để góp phần hoàn thiện nội dung Dự án Luật, đồng chí Ngô Chí Cường đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm thêm một số nội dung:
Một là, tại điều 5, Dự thảo Luật quy đinh về "Người sử dụng đất".
Theo đồng chí Ngô Chí Cường, quy định về người sử dụng đất ở Điều 5 là chưa thống nhất với các Điều khoản khác của Dự thảo Luật. Cụ thể: tại Điều 5 dự thảo Luật quy định, "Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định mà chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất; thuê lại đất theo quy định của Luật này, bao gồm 06 nhóm đối tượng: (1) Tổ chức trong nước; (2) Cá nhân là người Việt Nam trong nước; (3) Cộng đồng dân cư; (4) Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; (5) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài; (6) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài".
Trong 06 nhóm đối tượng nêu trên không có nhóm đối tượng là "Hộ gia đình". Theo đồng chí Ngô Chí Cường, nếu quy định như dự thảo Luật thì "hộ gia đình" không thuộc đối tượng là "người sử dụng đất". Trong khi, cụm từ "Hộ gia đình" xuất hiện 131 lần trong 46/263 Điều của dự thảo Luật. Thậm chí chủ thể "Hộ gia đình" còn tiếp tục là đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như quy định tại Điều 137 của dự thảo Luật về "Cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất". Và như thế, đối tượng "Hộ gia đình" được xem là người sử dụng đất. Như vậy, nội dung Điều 137 đã không đồng nhất với nội dung Điều 5 của dự thảo Luật...
Hai là, về Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 28.
Cụ thể, tại điểm b, khoản 2 Điều 28 dự thảo Luật quy định “Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này”.
Theo đồng chí Ngô Chí Cường, nội hàm "quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định"... là chưa rõ nghĩa và dễ bị các thành viên trong nhóm người sử dụng đất lợi dụng để tách thửa hoặc gây áp lực cho cơ quan thực thi pháp luật về đất đai, yêu cầu được tách thửa... trong khi các phần được phân chia đó không đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định,
Do vậy, ngoài việc thực hiện thủ tục tách thửa, đề nghị Luật cần có quy định ràng buộc cụ thể trong trường hợp này để dễ thực hiện và không bị lợi dụng.
Ba là, cần nghiên cứu làm rõ hơn nội dung của “Mục 2 - Quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước sử dụng đất”, từ Điều 33 đến Điều 37 của dự thảo Luật. Trong các điều khoản này, cần Luật hóa các quy định về những nội dung quan trọng phát sinh từ thực tiễn thời gian qua và đã được đưa vào nghị định thi hành như Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2013... Việc Luật hóa này là để thống nhất thực hiện. Vì những nội dung quan trọng đã được đúc kết từ thực tiễn, không nên quy định bằng các văn bản dưới Luật như Nghị định hay Thông tư...
Đồng chí Ngô Chí Cường dẫn ra bất cập từ thực tiễn, theo quy định hiện hành tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, ngày 06/01/2017 thì cá nhân khi thành lập doanh nghiệp và đưa đất nông nghiệp hay đất phi nông nghiệp vào doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất kinh doanh trên phần đất đó thì phải chuyển mục đích sử dụng đất và sử dụng phần đất đó với hình thức thuê đất của nhà nước Điều này đã làm cho cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng đất ổn định không muốn thành lập doanh nghiệp, vì họ cho rằng “Trước khi thành lập doanh nghiệp thì diện tích đất đó là của họ có quyền sử dụng đất dài hạn; nhưng khi lên doanh nghiệp, thì họ phải giao phần đất đó lại cho nhà nước… sau đó họ phải thuê đất của nhà nước để sản xuất kinh doanh, nhưng phần đất họ thuê lại… chính là phần đất của họ có quyền sử dụng đất dài hạn trước đây”.
Bất cập này là rào cản tâm lý, làm cho người dân không muốn thành lập doanh nghiệp... Do vậy, nội dung bất cập này cần nghiên cứu, làm rõ để đưa vào các nội dung từ Điều 33 đến Điều 37 của dự thảo Luật.
Bốn là, về xác định giá đất. Đồng chí Ngô Chí Cường đề nghị cần nghiên cứu thật kỹ "Phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường" được quy định tại Điều 158 dự thảo Luật, để xác định được mức giá hợp lý nhất khi Nhà nước thu hồi đất, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư và Nhà nước hướng đến mục tiêu cuối cùng là "an dân, phát triển đất nước".
Thực tế hiện nay, có nhiều trường hợp cá nhân, doanh nghiệp thực hiện việc đầu cơ đất đai, họ mua rất nhiều diện tích đất ở một địa điểm để “đón luồng” đầu tư các dự án, công trình, nhất là các công trình giao thông, bệnh viện, trường học… theo quy hoạch của Nhà nước. Một thời gian sau đó, khi nhà nước triển khai thực hiện quy hoạch thì đất ở những vị trí đó có giá tăng cao, trong đó có tác động rất lớn từ các cá nhân, doanh nghiệp đầu cơ, họ lách luật “thổi giá” bằng cách tiếp tục mua một vài thửa đất có diện tích nhỏ trong khu vực đó nhưng với giá cao, giá này được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực và nộp thuế đúng quy định. Đây là thông tin đầu vào quan trong để định giá đất theo nguyên tắc thị trường theo hướng có lợi cho các cá nhân doanh nghiệp đầu cơ đất. Tạo ra sự bất hợp lý và không công bằng giữa các nhóm đối tượng bị thu hồi đất, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước khi bồi thường, thu hồi đất để thi công các công trình nêu trên.
Ngoài ra, đồng chí Ngô Chí Cường cũng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, rà soát, chỉnh sửa những nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp khi bị thu hồi toàn bộ diện tích đất, đảm bảo họ có cuộc sống ổn định, có điều kiện sản xuất, kinh doanh bằng hoặc tốt hơn nơi cũ theo quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. |
Báo Trà Vinh Online
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.