03/02/2025 10:25
Cuộc họp thảo luận về việc thành lập Chi bộ An Trường. Ảnh: Tư liệu
Trong những mùa Xuân vẻ vang ấy, mùa Xuân năm Canh Ngọ (1930) là một cột mốc quan trọng, mở ra một chặng đường đấu tranh oanh liệt, một giai đoạn lịch sử vinh quang của đất nước và dân tộc, với sự kiện ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Còn nhớ, chỉ trong khoảng chưa đầy 05 năm, kể từ sau khi tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội được thành lập và nhanh chóng xây dựng được nhiều tổ chức cơ sở khắp các tỉnh, thành, tạo dựng được thanh thế gây ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng Việt Nam nhưng do thiếu sự lãnh đạo thống nhất, dẫn tới nguy cơ phân liệt với 03 tổ chức Cộng sản khác nhau ở 03 miền. Trước tình hình đó, được sự ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản, trong những ngày ra tết Nguyên đán Canh Ngọ, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), thống nhất 03 tổ chức Cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, thì cuối tháng 02/1930, Xứ ủy Nam kỳ cũng được tổ chức, do đồng chí Phan Đăng Lưu làm Bí thư. Ngay lập tức, Xứ ủy phân công cán bộ về các tỉnh có phong trào quần chúng cách mạng tương đối phát triển, có các tổ chức cơ sở và Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đang hoạt động vững vàng để tiến hành thành lập các Chi bộ Đảng.
Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, từ đầu thập niên 1920, đã hình thành và đưa vào hoạt động các tổ chức cách mạng theo xu hướng vô sản, với tên gọi Công Nông hội đỏ (sau chuyển dần thành Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội), tại Cầu Ngang, Càng Long và tỉnh lỵ. Ngay trong mùa Xuân 1930, theo sự phân công của Xứ ủy Nam kỳ, đồng chí Ung Văn Khiêm về Càng Long và đồng chí Dương Quang Đông về Cầu Ngang, tỉnh lỵ tập hợp các thành viên tích cực trong tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, kết nạp vào Đảng và thành lập 03 Chi bộ đầu tiên tại Mỹ Long (Cầu Ngang), An Trường (Càng Long) và tỉnh lỵ Trà Vinh.
Chi bộ Mỹ Long lúc đầu có các đảng viên Dương Quang Đông, Hồ Văn Biện, Trương Văn Kỉnh (do đồng chí Dương Quang Đông làm Bí thư); Chi bộ An Trường có các đảng viên Nguyễn Phát Đạt, Đoàn Văn Quý, Dương Quang Lộc, Dương Háo Học, Mai Đăng Khóa (do đồng chí Nguyễn Phát Đạt làm Bí thư); Chi bộ tỉnh lỵ có các đảng viên Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Văn Lẹ, Nanh (do đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng làm Bí thư). Từ 03 Chi bộ và hơn 10 đảng viên đầu tiên, chỉ vài tháng sau, Trà Vinh phát triển được thêm hàng chục đảng viên, thành lập thêm 06 Chi bộ mới ở Tân An - Huyền Hội (Chi bộ ghép hai xã), Bình Phú, Mỹ Cẩm, Phương Thạnh, Cầu Xây, Mỹ Hòa.
Từ phong trào cách mạng phát triển vững mạnh tại các địa phương, tháng 5/1930, Quận ủy (sau này gọi là Huyện ủy) Cầu Ngang được thành lập, do đồng chí Dương Quang Đông làm Bí thư. Ngay sau đó, Quận ủy Càng Long ra đời, do đồng chí Dương Háo Học làm Bí thư. Lúc này, tỉnh Trà Vinh có 05 quận là Châu Thành, Càng Long, Tiểu Cần, Trà Cú và Cầu Ngang. Quận Cầu Kè còn thuộc tỉnh Cần Thơ, riêng các địa phương ven Sông Hậu như Tiểu Cần, Trà Cú… phong trào có chậm hơn, mãi đến thập niên 1940 mới hình thành và phát triển.
Mùa thu năm 1930, tại ngôi nhà số 09 đường Công xi Rượu nếp (nay là đường Lê Lợi), Tỉnh ủy Trà Vinh được thành lập. Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên là đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng (tức Vinh) làm Bí thư cùng các đồng chí Nanh (Phó Bí thư), Dương Quang Đông (Ủy viên Thường vụ, phụ trách huyện Cầu Ngang), Nguyễn Văn Lẹ (Ủy viên Thường vụ, phụ trách tỉnh lỵ), Dương Háo Học (Tỉnh ủy viên, Bí thư Quận ủy Càng Long).
Như vậy, thật tự hào, Trà Vinh là một trong không nhiều tỉnh, thành phố ở Trà Vinh thành lập được các Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ngay trong mùa Xuân 1930, không lâu sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam và Xứ ủy Nam kỳ của Đảng được thành lập. Cũng thật tự hào, trong số hơn 10 đảng viên đầu tiên của 03 Chi bộ đầu tiên ấy, hầu hết đều là những đảng viên trung kiên, giàu năng lực và bản lĩnh, trải qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, thực tiễn tù đày của địch đã trưởng thành thành những cán bộ lãnh đạo xuất sắc ở các cấp, có nhiều công lao cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc ở địa phương, của tỉnh Trà Vinh cũng như cả nước. Lịch sử đã trân trọng ghi nhận các vị tiền bối cách mạng này như những người con ưu tú của quê hương và là những cán bộ, đảng viên kiệt xuất của Đảng bộ Trà Vinh.
Nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông (bên phải). Ảnh: Tư liệu
Tiêu biểu nhất trong số những đảng viên mùa Xuân 1930 của Đảng bộ Trà Vinh là nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông (1902 - 2003). Ông là người con ưu tú của quê hương Mỹ Hòa (Cầu Ngang) có cuộc đời hoạt động cách mạng hơn 80 năm, từ Cầu Ngang, Trà Vinh lên Sài Gòn, rồi trải rộng khắp các tỉnh Nam Bộ, sang tận Campuchia, Thái Lan, Mã Lai… với nhiều cương vị quan trọng như Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, Quyền Bí thư Xứ ủy Nam kỳ (thời tiền khởi nghĩa), người trực tiếp mở đường “Xuyên Tây” tuyển mộ thanh niên Việt kiều và sưu tầm vũ khí phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ, Phó Ban Kinh tài Xứ ủy Nam Bộ và cũng là người trực tiếp phụ trách công tác tổ chức các chuyến tàu của các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ ra Bắc, góp phần hình thành con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến 21 năm sau này.
Riêng đối với tỉnh Trà Vinh, nhà cách mạng Dương Quang Đông là một trong những nhân vật có công lớn trong việc ươm mầm những hạt giống cách mạng ban đầu vào thập niên 1920, 1930 và mỗi khi Đảng bộ lâm vào giai đoạn khó khăn, tổn thất trước sự khủng bố của kẻ thù trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, theo sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam kỳ, ông là người góp bàn tay quan trọng củng cố, gầy dựng lại cơ ngơi cách mạng tỉnh nhà. Ghi nhận công lao to lớn đó, Đảng và Nhà nước đã tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vụ trang nhân dân cho nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông và ông cũng là người Trà Vinh duy nhất, cho tới nay, nhận Huân chương cao quý nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam - Huân chương Sao Vàng.
Nhà cách mạng Huỳnh Ngọc Trảng (bí danh là Vinh, sinh năm 1905), vốn xuất thân từ giới Nho học tỉnh Bắc Ninh, tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ở Kỳ bộ Bắc kỳ từ rất sớm và triệt để “vô sản hóa” với nghề thợ may. Được tổ chức phân công vào Nam, ông tham gia phong trào cách mạng tỉnh Trà Vinh, trở thành đảng viên đầu tiên, Bí thư đầu tiên của Chi bộ tỉnh lỵ. Mùa thu 1930, Tỉnh ủy Trà Vinh được thành lập, là người giàu năng lực công tác thực tiễn lẫn lý luận và cũng là người duy nhất thuộc giai cấp công nhân, đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng được Xứ ủy Nam kỳ cử làm Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Trà Vinh. Sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Ngọc Trảng bị thực dân Pháp bắt, kết án và trục xuất trở về miền Bắc.
Đồng chí Trương Văn Kỉnh (1892 - 1958), vốn quê Mỹ Hòa (Cầu Ngang), là người cùng chí hướng, là bạn thân của nhà cách mạng Dương Quang Đông. Ông tham gia cách mạng ngay từ thời Công hội đỏ, sang Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và là 01 trong 03 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Mỹ Long. Giai đoạn tiền khởi nghĩa, đồng chí Trương Văn Kỉnh tham gia Tỉnh ủy, rồi đảm trách cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh (1943 - 1945). Năm 1946, Trương Văn Kỉnh cùng Dương Quang Đông lãnh đạo, chỉ huy đoàn cán bộ “Xuyên Tây”, rồi trở thành Chính trị viên Chi đội 20 bộ đội hải ngoại (gồm phần lớn thanh niên Việt kiều Thái Lan, Campuchia tình nguyện) về nước tham gia kháng chiến tại chiến trường các tỉnh Nam Bộ. Chi đội này về sau phát triển thành Liên Trung đoàn 109-111, bộ đội chủ lực khu Tây Nam Bộ.
Đồng chí Nanh là Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh đầu tiên nhưng đến nay có rất ít tư liệu về ông. Theo nhà cách mạng Dương Quang Đông, đồng chí Nanh cũng là người Bắc, nhân viên Nhà dây thép (Bưu điện) Trà Vinh, tham gia cách mạng từ phong trào Công hội đỏ sang Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, rồi mùa Xuân năm Canh Ngọ trở thành 01 trong 03 đảng viên đầu tiên của Chi bộ tỉnh lỵ.
Trong những đảng mùa Xuân 1930 của Đảng bộ Trà Vinh còn có những nhân vật lịch sử nổi tiếng như Hồ Văn Biện (1891 - 1991), nhiều năm là Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh huyện Cầu Ngang; Nguyễn Văn Lẹ, người An Trường nhưng tham gia cách mạng tại tỉnh lỵ Trà Vinh, rồi trở thành nhân vật lãnh đạo chủ chốt trong cuộc biểu tình ngày 01/8/1930 của Nhân dân huyện Càng Long; Dương Háo Học (1904 - 1943) quê Tân An (Càng Long), tham gia cách mạng từ thập niên 1920, trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Chi bộ An Trường, rồi Tỉnh ủy viên, Bí thư đầu tiên của Huyện ủy Càng Long. Ông hy sinh trong nhà tù thực dân Pháp năm 1943…
Ngày nay, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Trà Vinh và các huyện, thị xã, thành phố trân trọng đặt tên những nhà cách mạng tiêu biểu này cho những con đường, tuyến phố, những ngôi trường tại thành phố Trà Vinh, các thị xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tên tuổi các cụ sẽ mãi mãi là niềm tự hào, là ánh đuốc soi đường cho các thế hệ trẻ hôm nay trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam văn minh, giàu đẹp.
TRẦN DŨNG
Tài liệu tham khảo: 1. Lịch sử tỉnh Trà Vinh, Tập 1 (1732-1945). Ban Tư tưởng Tỉnh ủy Trà Vinh, 1995. 2. Tỉnh ủy Trà Vinh, hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng - 70 năm thắng lợi vẻ vang. Ban Tư tưởng Tỉnh ủy Trà Vinh, 2002. 3. Nhân vật chí tỉnh Trà Vinh. Sở VHTT Trà Vinh, 2000. 4. Nhân vật chí tỉnh Trà Vinh, Tập 2. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh, 2021. 5. Dương Quang Đông - Người Cộng sản kiên trung, tận tụy, suốt đời vì dân, vì Đảng. Thành ủy TPHCM, 2018. 6. Lịch sử huyện Cầu Ngang, thành phố Trà Vinh, huyện Càng Long… |
Đồng chí Trần Thị Kim Chung, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cho biết: với chức năng chăm lo, đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và người lao động (NLĐ), những năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh chủ động tranh thủ cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo, tạo điều kiện giúp công đoàn thực hiện nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), nhất là đoàn viên, CNVCLĐ hoàn cảnh khó khăn… các hoạt động tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, làm ấm lòng đoàn viên, NLĐ.