22/11/2024 13:58
Quang cảnh cuộc họp.
Tham dự buổi làm việc, có đồng chí Châu Văn Hòa, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Thường trực các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy trực thuộc Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; Trưởng Ban Tuyên giáo các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy.
Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Dương Hiền Hải Đăng cho biết: Hiện, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có 29 xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận xã An toàn khu và 01 vùng An toàn khu huyện Càng Long trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Cụ thể, huyện Càng Long có 07 xã (Đức Mỹ, An Trường, An Trường A, Đại Phúc, Đại Phước, Nhị Long và Nhị Long Phú); huyện Cầu Kè có 06 xã (Ninh Thới, An Phú Tân, Tam Ngãi, Thông Hòa, Phong Thạnh và Thạnh Phú); huyện Tiểu Cần có 05 xã (Tập Ngãi, Ngãi Hùng, Hùng Hòa, Tân Hùng và Tân Hòa); huyện Cầu Ngang có 02 xã (Mỹ Long Bắc và Mỹ Long Nam); huyện Trà Cú có 07 xã (An Quảng Hữu, Lưu Nghiệp Anh, Định An, Hàm Tân, Phước Hưng, Tân Sơn và Tập Sơn); huyện Duyên Hải có 01 xã (Long Vĩnh); thị xã Duyên Hải có 01 xã (Trường Long Hòa).
Riêng đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Trà Vinh và huyện Châu Thành không có xã An toàn khu vì qua rà soát không có xã đạt đủ 3/5 tiêu chí xã An toàn khu.
Đồng chí Dương Hiền Hải Đăng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ báo cáo kết quả rà soát xã An toàn khu đợt IV/2024 trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh về việc tiếp tục rà soát xã An toàn khu, ngày 31/01/2024, Sở Nội vụ có Công văn số 196/SNV-XDCQCTTN gửi Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc rà soát, báo cáo danh sách các xã đạt 3/5 tiêu chí xã An toàn khu theo quy định tại Quyết định số 897/QĐ-TTg, ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, quy trình thủ tục công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu.
Đồng chí Huỳnh Công Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Càng Long chia sẻ những kinh nghiệm trong thu thập tư liệu, xây dựng hồ sơ khoa học xã An toàn khu, vùng An toàn khu trên địa bàn huyện Càng Long.
Đồng chí Nguyễn Văn Triều, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Càng Long đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng bằng khen cho cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho địa phương để được công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu.
Qua kết quả rà soát đợt IV/2024 và tổng hợp từ báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố, hiện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có 10 xã của 04 đơn vị hành chính cấp huyện hội đủ 3/5 tiêu chí để lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận xã An toàn khu đợt IV theo Quyết định số 897/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: (1) Huyền Hội, (2) Tân An, (3) Phương Thạnh, (4) Mỹ Cẩm, (5) Bình Phú thuộc huyện Càng Long; (6) Châu Điền, (7) Phong Phú, (8) Hòa Tân thuộc huyện Cầu Kè; (9) Đôn Xuân thuộc huyện Duyên Hải; (10) Dân Thành thuộc thị xã Duyên Hải. Hiện các xã đã và đang tiến hành các trình tự, thủ tục về công tác tài chính, công tác đấu thầu… lập hồ sơ khoa học xã An toàn khu theo quy định.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Khải, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cầu Kè báo cáo tình hình rà soát các tiêu chí xã An toàn khu trên địa bàn huyện Cầu Kè.
Tại cuộc họp, đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm và có những đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND những vấn đề có liên quan đến xã An toàn khu, vùng An toàn khu.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Minh Đằng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục triển khai quán triệt và tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Quyết định số 897/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí, quy trình, thủ tục công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu, nhằm nâng cao nhận thức và ý nghĩa của xã An toàn khu, vùng An toàn khu cách mạng. Xác định trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và của mỗi cán bộ, đảng viên đối với Nhân dân, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với đồng bào đã có công lao to lớn trong sự nghiệp cách mạng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Minh Đằng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Các cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ các nội dung 5 tiêu chí xã An toàn khu và 2 tiêu chí vùng An toàn khu cách mạng để xây dựng báo cáo đầy đủ nội dung và có tính thuyết phục để được công nhận.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (Phòng Nghiên cứu lịch sử) hỗ trợ tài liệu lịch sử, nhân vật chí, lịch sử các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, khu, quân khu (đồng chí Nguyễn Đáng, Phạm Thái Bường, Trần Văn Long, các đồng chí lãnh đạo MTTQ của khu, quân khu, Trung ương Đảng hoạt động trên địa bàn). Đồng thời, phân công cán bộ, chuyên viên tập trung nghiên cứu xây dựng báo cáo tóm tắt các sự kiện, các nhân vật liên quan đến các tiêu chí trong Quyết định số 897/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ, giúp đỡ cho các địa phương có tư liệu xây dựng báo cáo đề nghị xã An toàn khu cách mạng.
Các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt các xã trên cơ sở lịch sử đảng bộ địa phương (xã), lịch sử đảng bộ huyện, thị xã, thành phố, lịch sử đảng bộ tỉnh (giai đoạn 1930 - 1975), nhân vật chí, những nhân chứng lịch sử và các tài liệu lưu giữ nghiên cứu thật kỹ xem những nội dung có liên quan đến các tiêu chí thì chọn lọc, tổng hợp.
Những xã nào trước đây đã được công nhận xã An toàn khu, nay tách ra thành 02 đơn vị hành chính thì đề nghị công nhận xã An toàn khu cả 02 đơn vị.
Ban Tuyên giáo và Phòng Nội vụ các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các xã tích cực, khẩn trương thực hiện. Quyết định thành lập tổ, nhóm, phân công giao việc rõ người, rõ trách nhiệm, thời gian hoàn thành.
Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương lựa chọn, hợp đồng những công ty tư vấn đủ năng lực, có kinh nghiệm trong biên tập, báo cáo, xây dựng hồ sơ trình Trung ương công nhận đạt yêu cầu. Thường xuyên theo dõi, góp ý, tổng hợp báo cáo chung, đề nghị Chính phủ công nhận.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Minh Đằng chỉ đạo, thời gian nghiên cứu tổng hợp các sự kiện, thu thập dữ liệu để hợp đồng xây dựng báo cáo đến hết ngày 31/12/2024, thời gian hoàn thành hồ sơ khoa học đề nghị công nhận xã An toàn khu cuối quý I/2025. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc báo cáo Thường trực Tỉnh ủy (qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy).
Ý nghĩa xã An toàn khu, vùng An toàn khu Ghi nhận công lao đóng góp và tri ân đồng bào các dân tộc đã có công nuôi dưỡng, đùm bọc cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ (nơi có điều kiện về địa hình, địa thế chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội, dân cư và đảm bảo an toàn cho các hoạt động lãnh đạo cách mạng của Đảng). Nơi ở, làm việc và hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào cách mạng trong kháng chiến của các đồng chí cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cấp khu, quân khu, Trung ương. Nơi diễn ra các sự kiện đặc biệt quan trọng, có các quyết sách chiến lược của Đảng mang tính chất bước ngoặt trong các giai đoạn của 02 cuộc kháng chiến. Nơi đóng trụ sở của các đơn vị, tổ chức từ cấp quân khu, khu; nơi đóng quân đào tạo, huấn luyện, tập kết, trung chuyển của các lực lượng vũ trang, nơi có kho cất trữ lương thực, thực phẩm, vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng… Nơi có cơ sở phong trào cách mạng vững mạnh, các trận đánh lớn của lực lượng vũ trang địa phương với bộ đội chủ lực giành thắng lợi lớn tạo cục diện lợi thế cho cách mạng. Từ đó, giáo dục sâu rộng trong Nhân dân, nhất là thể hệ trẻ về truyền thống quê hương cách mạng của các xã An toàn khu, vùng An toàn khu. Huy động các nguồn lực xã hội hóa nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch về cội nguồn lịch sử, tạo điều kiện thu hút đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội. Bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn, giáo dục và phát triển các giá trị lịch sử cách mạng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ. Các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với xã An toàn khu, Vùng an toàn khu (1) Chính sách bảo trợ thẻ Bảo hiểm y tế toàn dân; (2) Chính sách hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng vùng An toàn khu, các thiết chế văn hóa xã An toàn khu cách mạng. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu bổ sung các chính sách cho các xã An toàn khu, vùng An toàn khu cho phù hợp. |
Tin, ảnh: KIM LOAN
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.