21/12/2023 16:28
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Phát biểu tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, diễn ra tại Hà Nội sáng 21/12, thay mặt Thường trực Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang gửi tới giới báo chí lời chào trân trọng, tình cảm ấm áp, nghĩa tình trong ngày đông giá rét tại Hà Nội.
Theo Phó Thủ tướng, năm 2023 sắp đi qua với nhiều khó khăn, thách thức từ cả bên ngoài lẫn bên trong, tuy nhiên trên rất nhiều phương tiện truyền thông, báo chí trong và ngoài nước, Việt Nam đã để lại nhiều "dấu ấn quan trọng, khó quên". Những thành tích đạt được cũng rất đáng khích lệ, dù chưa được như mong muốn, nhưng cũng đủ làm ấm lòng tất cả mọi người để có thể bước tiếp những chặng đường đầy gian nan trong năm 2024.
Trong lĩnh vực báo chí, Phó Thủ tướng cảm nhận có sự tốt hơn năm trước rất nhiều; việc thực hiện nhiệm vụ chính trị "nhanh hơn", "kịp thời hơn", "sâu sắc hơn"; khả năng cạnh tranh của báo chí cũng có tiến bộ đáng kể; phương pháp quản lý mỗi ngày một chủ động hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.
Phó Thủ tướng cho biết, ông cũng bất ngờ bởi vì có những hội nghị ông dự, chỉ khoảng chừng 15 phút sau là có thông tin trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, và các phương tiện truyền thông lớn khác. Đặc biệt, có những bài viết, những phóng sự rất xúc động, chạm đến trái tim nhiều người.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, như vẫn còn đâu đó những kiểu giật tít và những bài báo thực sự không có trách nhiệm; vai trò của cơ quan chủ quản rất mờ nhạt, thậm chí buông lỏng; chuyển đổi số còn rất chậm, thể hiện ở số lượng cơ quan báo chí được đánh giá ở mức kém lên đến 63%; công tác phối hợp cung cấp thông tin còn hạn chế; các quy định về tài chính chưa thúc đẩy các cơ quan báo chí phát triển.
Phó Thủ tướng nhận định năm 2024 còn rất nhiều khó khăn, thách thức với nhiều diễn biến khó đoán định, trong đó biến đổi khí hậu nhanh và bất ngờ cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, điển hình là sự ra đời của ChatGPT, công nghệ AI… đang ảnh hưởng rất lớn đến người làm báo nói riêng, và tổng thể xã hội nói chung.
Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng mong muốn các cơ quan báo chí, các nhà báo đồng hành tốt hơn nữa, kịp thời hơn để chia sẻ những khó khăn của số đông mọi người trong xã hội; có trách nhiệm hơn trong việc định hướng dư luận vì gắn liền với đó là niềm tin, sức mạnh tinh thần.
Các cơ quan báo chí tiếp tục phải sắp xếp cơ quan, đơn vị để đạt được mục tiêu của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí vào năm 2025; từng cơ quan báo chí cố gắng sắp xếp, tổ chức cho mạnh hơn, gọn hơn, chuyên nghiệp hơn để sản phẩm của mình hấp dẫn hơn, Phó Thủ tướng phát biểu.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong muốn các cơ quan báo chí, các nhà báo đồng hành tốt hơn nữa, kịp thời hơn để chia sẻ những khó khăn của số đông người dân trong xã hội; có trách nhiệm hơn trong việc định hướng dư luận vì gắn liền với đó là niềm tin, sức mạnh tinh thần.
Phó Thủ tướng cho rằng các cơ quan báo chí không có cách nào khác ngoài tăng cường khả năng cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội, như TikTok, Facebok… bởi nếu không tăng sức cạnh tranh, không nâng sức hấp dẫn thì doanh thu quảng cáo sẽ sụt giảm, ảnh hưởng đến chi phí hoạt động, đời sống người làm báo và nhiều vấn đề khác.
Về chuyển đổi số, Phó Thủ tướng cho biết ông cảm thấy bất ngờ khi có tới 63% cơ quan báo chí xếp loại yếu, nhấn mạnh kết quả đó không nằm ở phần cứng mà nằm ở ý chí của người đứng đầu.
Đối với nhà báo, Phó Thủ tướng mong muốn đầu tiên phải là người tử tế bởi nếu không sản phẩm của các nhà báo chắc chắn cũng không thể tử tế được; đồng thời phải luôn học hỏi theo nghĩa rộng, từ những lớp tập huấn, chương trình công tác, và đặc biệt là học từ đồng nghiệp trong và ngoài nước để ản lĩnh hơn, trách nhiệm hơn, và tích cực hơn.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chủ quản phải trách nhiệm hơn, sâu sắc hơn, tăng cường kiểm tra, giám sát nhiều hơn, chứ không chỉ là cái danh, không chỉ là công tác cán bộ; nơi nào có mâu thuẫn sâu sắc giữa cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí thì cơ quan báo chí nơi đó khó có thể vững vàng vượt qua thử thách trong quá trình cạnh tranh.
Về tài chính cho báo chí, Phó Thủ tướng chia sẻ nguyên tắc cần có sự hài hoà giữa ngân sách Nhà nước và nguồn lực do chính các cơ quan báo chí tự lo liệu được, trong đó ngân sách Nhà nước tập trung hỗ trợ một phần cho nơi nào còn khó khăn, chủ yếu là cho hoạt động đổi mới và đào tạo.
Nêu ví dụ, Đài truyền hình Vĩnh Long từng đóng góp 1.200 tỷ đồng cho ngân sách của địa phương, chiếm gần 25% tổng thu ngân sách cả địa phương, Phó Thủ tướng mong muốn các cơ quan báo chí suy nghĩ theo hướng tích cực hơn, bởi cùng một mặt bằng cơ chế, vẫn có những đơn vị vượt lên làm được những điều tưởng như là không thể.
Liên quan đến lĩnh vực tài chính, từng cơ quan báo chí cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích sự cạnh tranh tích cực trong từng nhà báo, từng bộ phận với nhau, Phó Thủ tướng gợi mở và cho biết nhiều đơn vị làm rất tốt điều này, mang lại kết quả đáng khích lệ.
Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan quản lý báo chí, trực tiếp là Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm đến công tác tài chính khi chủ trì soạn thảo Luật Báo chí sửa đổi, các nghị định, thông tư, đặc biệt là tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách về tự chủ tài chính, cơ chế đặt hàng, thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí.
Nhân dịp năm mới sắp cận kề, Phó Thủ tướng chúc lãnh đạo các cơ quan báo chí, các nhà báo năm mới thật mạnh khoẻ, hạnh phúc, tràn đầy niềm tin, tràn đầy năng lượng để cùng nắm tay nhau bước tiếp trên con đường phía trước được dự báo còn nhiều khó khăn.
Theo baochinhphu.vn
Sáng 27/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân, với 449/449 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,74% tổng số đại biểu Quốc hội.