11/02/2024 07:45
Giấy khen của người viết bài này do đồng chí Chín Nhỏ (Bùi Quang Huy), TM Ban TTVHGD tỉnh Trà Vinh (thay mặt Ban Thông tin Văn hóa Giáo dục tỉnh Trà Vinh) ký tặng ngày 30/11/1971. Mẫu giấy khen do Tiểu ban văn nghệ thiết kế và khắc gỗ, Nhà in Anh Dũng in ấn trong vùng căn cứ kháng chiến.
Ngày 16/4/1951, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra Nghị quyết số 09-NQ/TW “về thành lập các ban và tiểu ban giúp việc” , trong đó có Ban Tuyên huấn, do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa II) giữ chức Trưởng Ban. Ban Tuyên huấn Trung ương có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc Ban Bí thư về công tác tư tưởng và tuyên truyền. Hệ thống Ban Tuyên huấn sau đó được thành lập trên phạm vi cả nước từ Trung ương đến cấp ủy cấp xã.
Tỉnh Trà Vinh lúc này đang tiến hành hợp nhất với tỉnh Vĩnh Long thành tỉnh Vĩnh Trà (tháng 6/1951). Sau khi Tỉnh ủy Vĩnh Trà thành lập, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Vĩnh Trà cũng được thành lập do đồng chí Phạm Thái Bường (1915 - 1974), Bí thư Tỉnh ủy phụ trách. Ở cấp huyện tại Trà Vinh, đồng chí Bí thư (hoặc Phó Bí thư Huyện ủy) được phân công phụ trách công tác tuyên huấn với vai trò kiêm Trưởng Ban. Ở cấp xã, đồng chí Bí thư Chi bộ xã được phân công phụ trách công tác tuyên huấn với vai trò kiêm Trưởng Ban.
Từ năm 1951 - 1954, Tỉnh ủy lãnh đạo cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong tỉnh chiến đấu ngoan cường, vượt qua rất nhiều hiểm nghèo, đảm bảo phối hợp tác chiến, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp ở Trà Vinh cùng cả nước đến ngày thắng lợi. Từ năm 1954 – 1975, Tỉnh ủy lãnh đạo đồng bào các dân tộc trong tỉnh đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ; làm nên chiến công Đồng Khởi vang dội vào tháng 9/1960; làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy; giành thắng lợi to lớn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968; phá tan mọi ý đồ thực hiện các kế hoạch “Quốc sách ấp chiến lược”, “bình định cấp tốc”, “bình định có trọng điểm” của Mỹ - ngụy trên đất Trà Vinh; xây dựng thế trận “lòng dân”, thế trận chiến tranh nhân dân địa phương, đánh giặc toàn diện, đánh giặc liên tục, giành chiến thắng giòn giã, góp phần cùng toàn miền Nam giành thắng lợi trong tiến công chiến lược năm 1972; đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Pa-ri; cùng cả nước làm nên Đại thắng Mùa Xuân 1975 vang dội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc Việt Nam. Trong thàng công và thắng lợi chung của tỉnh, đã có những đóng góp, hy sinh của các lực lượng ngành tuyên giáo tỉnh nhà.
Qua 24 năm - 24 mùa Xuân (1951 - 1975) làm tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về công tác tư tưởng, giáo dục và tuyên truyền trong lửa đạn chiến tranh, Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh có gần 500 người làm việc trong 07 tiểu ban/bộ phận trực thuộc sau đây: 01. Văn phòng Ban Tuyên huấn tỉnh (bao gồm tổ văn thư, tổ tiếp liệu, tổ giao liên, tổ căn cứ, đội bảo vệ vũ trang) - Mật danh B1. 02. Tiểu ban Tuyên truyền (bao gồm đội chiếu phim, đội tuyên truyền xung phong, đội triển lãm) - Mật danh B3. 03. Tiểu ban Văn nghệ (bao gồm Đoàn văn công Ánh Hồng, Đoàn văn công Khmer Ánh Bình Minh và Tập san Văn nghệ Lửa Hồng) - Mật danh B4. 04. Tiểu ban Giáo dục (bao gồm Trường sư phạm, Trưởng bổ túc văn hóa) - Mật danh B5. 05. Nhà in Anh Dũng (Mật danh B7) . 06. Tiểu ban Huấn học (bao gồm Trường Đảng tỉnh) - Mật danh B8. 07. Tiểu ban Thông tấn báo chí (bao gồm Chi nhánh Phân xã Thông tấn xã giải phóng tỉnh Trà Vinh, Đài Minh Ngữ, báo Anh Dũng chữ Việt, báo Anh Dũng chữ Khmer) - Mật danh B9. |
Các bộ phận trực thuộc có nhiệm vụ lãnh đạo nghiệp vụ công tác chuyên môn, kỹ thuật, nghệ thuật chuyên ngành và thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên truyền theo sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn tỉnh.
Gánh vác vai trò lãnh đạo Ban Tuyên huấn tỉnh 24 mùa Xuân trong lửa đạn ác liệt của chiến tranh, lãnh đạo Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh có 10 đồng chí được Tỉnh ủy phân công kiêm nhiệm, đề bạt giữ chức vụ Trưởng Ban, 04 đồng chí giữ chức vụ Phó Trưởng Ban, 13 đồng chí giữ chức vụ Ủy viên Ban(*).
24 mùa Xuân, vừa tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành Đảng bộ các cấp trong tỉnh về công tác tư tưởng, giáo dục và tuyên truyền trong lửa đạn ác liệt của chiến tranh, vừa cầm súng cùng quân, dân địa phương cơ quan đóng quân, anh dũng chiến đấu đánh địch càn quét bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ cơ quan..., ngành Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh có 189 đồng chí anh dũng hy sinh, được công nhận liệt sĩ (thông tin chưa đầy đủ).
Phần lớn các liệt sĩ đều hy sinh ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi, nhiều đồng chí thoát ly gia đình đi kháng chiến rồi hy sinh, chưa một lần quay lại thăm gia đình, có đồng chí hy sinh khi mới vừa “hứa hôn” hoặc khi mới vừa kết hôn với đồng nghiệp trong cơ quan, trong đó có 80 liệt sĩ là cán bộ, nhân viên, chiến sĩ cơ quan Ban Tuyên huấn tỉnh, 28 liệt sĩ là cán bộ, nhân viên ngành Tuyên huấn huyện Trà Cú, 21 liệt sĩ là cán bộ, nhân viên ngành Tuyên huấn huyện Cầu Ngang, 19 liệt sĩ là cán bộ, nhân viên ngành Tuyên huấn huyện Tiểu Cần, 17 liệt sĩ là cán bộ nhân viên ngành Tuyên huấn huyện Duyên Hải, 14 liệt sĩ là cán bộ, nhân viên ngành Tuyên huấn huyện Châu Thành, 12 liệt sĩ là cán bộ, nhân viên ngành Tuyên huấn huyện Càng Long. Liệt sĩ Lâm Tấn Vững, Bí thư Huyện ủy, kiêm Trưởng Ban Tuyên huấn huyện Trà Cú, có thành tích xuất sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ huy, chiến đấu, giữ vững khí tiết cách mạng trong tù đày, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đoàn văn công Ánh Hồng, có 12 liệt sĩ. Đoàn văn công Khmer Ánh Bình Minh có 07 liệt sĩ. Nhà in Anh Dũng có 08 liệt sĩ. Năm 1970, có 11 cán bộ, chiến sĩ ngành Tuyên huấn tỉnh hy sinh. Nghĩa trang liệt sĩ huyện Càng Long có 37 ngôi mộ liệt sĩ là cán bộ, nhân viên, chiến sĩ cơ quan Ban Tuyên huấn tỉnh. Trong trận càn quét vào cồn Bần Chát, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè ngày 18/8/1965, bộ binh địch đã khui hầm bí mật giết chết 02 diễn viên đoàn văn công Ánh Hồng trong tay không có vũ khí. Trong trận càn quét vào ấp Số 9, xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long ngày 11/01/1970, pháo binh địch từ Chi khu quân sự Càng Long bắn vào phá hủy 02 căn hầm bí mật của Ban Tuyên huấn tỉnh, giết chết 04 cán bộ, chiến sĩ gồm 01 đồng chí Phó Tiểu ban Thông tấn báo chí, 01 đồng chí Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền, 02 chiến sĩ bảo vệ Văn phòng Ban Tuyên huấn tỉnh.
24 mùa Xuân sống và làm việc dưới mưa bom, bảo đạn, chấp nhận biết bao gian khổ, hy sinh, những người làm công tác tuyên huấn tỉnh Trà Vinh vẫn lạc quan, yêu đời và lãng mạn. 24 mùa Xuân trong bảo đạn mưa bom, cơ quan Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh có 19 đôi nam nữ là cán bộ, công nhân viên cùng cơ quan kết hôn với nhau xây dựng gia đình nhỏ hạnh phúc trong nội bộ đại gia đình Ban Tuyên huấn tỉnh. Ngày 01/6/1967, tại căn cứ Ban Tuyên huấn tỉnh ở ấp Rạch Cát, xã Đại Phước, huyện Càng Long, Ban Tuyên huấn tỉnh tổ chức lễ cưới tập thể cho 03 đôi nam nữ cán bộ, nhân viên của Ban. Đây được cho là đám cưới tập thể lớn nhất trong căn cứ kháng chiến tỉnh Trà Vinh lúc đó.
Ba thời điểm đáng ghi nhớ của ngành Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh qua 24 mùa Xuân kháng chiến, có thể kể:
- Báo Anh Dũng chữ Việt, Tập san văn nghệ Lửa Hồng và Đoàn văn công Ánh Hồng ra đời trong vùng căn cứ kháng chiến huyện Duyên Hải (1960 - 1964).
- Báo Anh Dũng phiên bản chữ Khmer và Đoàn văn công Khmer Ánh Bình Minh ra đời trong vùng căn cứ kháng chiến huyện Cầu Kè (1963 - 1964).
- Địa bàn huyện Càng Long là nơi có cán bộ, chiến sĩ ngành Tuyên huấn tỉnh hy sinh nhiều nhất (37 đồng chí).
Người viết bài này có thời gian 1969 - 1975, làm việc tại Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh với nhiệm vụ phóng viên báo chí. Chiến tranh kết thúc ngót nửa thế kỷ. Gần năm mươi năm qua, tôi đã nhiều lần trở lại những vùng đất mà bảy năm tham gia kháng chiến chống Mỹ tôi đã đi qua. Thấm thía với những gian khổ, hy sinh, mình đã cùng đồng đội, đồng bào nếm trải, ngỡ ngàng gặp những người đã từng cầm súng sẵn sàng tiêu diệt mình khi họ đứng bên kia chiến tuyến… tôi nhận ra điều vô lý của chiến tranh. Dẫu biết rằng, trong các mối quan hệ xã hội, sự đồng thuận nào cũng đều phải trải qua giai đoạn mâu thuẫn, tranh chấp… Tuy nhiên, để xảy ra chiến tranh, hai bên bắn giết, tàn sát lẫn nhau, để rồi khi cả hai phía đều phải nén nỗi đau để làm hòa, đồng thuận, lúc đó người ta mới nhận ra rằng, chiến tranh là điều cực kỳ vô lý.
Sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, tất cả cán bộ, nhân viên ngành Tuyên huấn tỉnh, huyện, xã, ở Trà Vinh giai đoạn 1951 - 1975 được Nhà nước ghi nhận công lao, tặng, truy tặng Huân, Huy chương Kháng chiến các hạng.
Bài, ảnh: TRẦN ĐIỀN
(*) 10 đồng chí Trưởng Ban, kiêm Trưởng Ban: Phạm Thái Bường, Vũ Đình Liệu, Trần Văn Long (Mười Dài), Tăng Hồng Phúc (Sáu Đức), Phạm Văn Kiết (Năm Vận), Nguyễn Văn Nhung (Ba Sa), Nguyễn Đáng (Năm Trung), Hồ Nam (Năm Đạt), Nguyễn Tấn Liềng (Bảy Sách), Nguyễn Kim Quang (Hai Sáng).
04 đồng chí Phó Trưởng Ban: Lê Thanh Nhàn (Ba Râu), Thạch Voi, Bùi Duy Quang (Tư Đế), Bùi Quang Huy (Chín Nhỏ).
13 đồng chí Ủy viên Ban: Lý Trung Tuấn (Tám Chi), Châu Văn Lộc (Sáu Hòa), Huỳnh Văn Sai (Sáu Phải), Đặng Văn Sáu (Sáu Tiều), Nguyễn Hồng Bích (Sáu Quả), Liêu Tử Phong (Phong Ba), Nguyễn Văn Thới (Việt Quốc), Lê Văn Cơ (Tư Rẫy), Lâm Ngọc Quang (Năm Lang), Nguyễn Chiến Thắng (Sao Vàng), Điền Gộng (Tư Kôl), Phạm Văn Ni (Ba Lên) và Nguyễn Bá Hiều.
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.