11/04/2024 09:53
Đợt tiến công thứ 2 vào cứ điểm này là đợt dài ngày, gay go, ác liệt nhất. Ngày 11/4/1954, bắt đầu đợt 2 trận đánh tiêu diệt cứ điểm đồi C1, Đại đội 811 (Tiểu đoàn 888, Trung đoàn 176, Đại đoàn 316) được giao nhiệm vụ lên phòng ngự, chiến đấu trên cứ điểm này; Trung đoàn 98 đánh đợt 1 (từ 30/3 đến 10/4) được lệnh rút quân về tuyến sau.
Trong đợt tấn công thứ 2, quân đội ta áp dụng thành công chiến thuật "đánh dúi", đào chiến hào, bí mật áp sát vào tận sâu trong đồn địch đến quân Pháp có cảm giác bộ đội ta như "từ dưới đất chui lên" ngay giữa đồn địch. Trong ảnh: Cuộc chiến dấu các liệt diễn ra trên khu vực đồi C. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Sự tương quan giữa ta và địch trên đồi C1
Đồi C1 nằm trong hệ thống các điểm cao phòng ngự đồi phía Đông Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp; là bức bình phong bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh, do Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn 1, Bán lữ đoàn 13 lê dương (13DBLE) đóng giữ.
Cứ điểm được xây dựng trên Điểm cao 493, cấu trúc tương đối kiên cố, có hệ thống hàng rào, vật cản dày đặc, phức tạp, mặt hướng đông dày tới 100 m; hệ thống lô cốt, chiến hào nhiều tầng, hình thành điểm tựa vòng tròn. Hầm chỉ huy bố trí ở lô cốt Cột Cờ, đỉnh cao nhất của cứ điểm. Ngoài ra, do đây là hướng phòng ngự chủ yếu của địch nên khi tác chiến xảy ra sẽ được sự chi viện về hoả lực cũng như lực lượng rất lớn của các cứ điểm lân cận và của trung tâm tập đoàn cứ điểm.
Trận đánh tiêu diệt đồi C1 do Trung đoàn trưởng Vũ Lăng (E98, Đại đoàn 316) là Tổng chỉ huy và kéo dài tới 32 ngày, được chia làm hai đợt, đợt 1 từ 30/3 đến 10/4/1954 do Trung đoàn 98 đảm nhiệm; đợt 2 từ 11/4 đến 30/4/1954 do Đại đội 811 (Tiểu đoàn 888, Trung đoàn 176, Đại đoàn 316) đảm nhiệm.
Bị tấn công, địch ở các vị trí khu đồi C chạy toán loạn, chiến sĩ xung kích của ta ở dưới các giao thông hào dùng súng trường bắn tỉa địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN
So sánh sự tương quan giữa ta và địch trên đồi C1 thì địch có lợi thế hơn ta rất nhiều:
Về lực lượng: Địch có 2 đại đội thiện chiến mới được tăng cường từ Hà Nội lên, nên rất sung sức; ngoài ra chúng còn được sự chi viện đắc lực của 2 tiểu đoàn dù ở đồi C2 và đồi Mâm Xôi liền kề. Trong khi đó: Ta chỉ có 1 đại đội (C811), sức khỏe của bộ đội đã giảm sút do đã chiến đấu liên tục ở Điện Biên Phủ từ cuối tháng 10/1953.
Về trận địa: Địch chiếm giữ 2/3 quả đồi về phía Nam, rộng hơn và ở thế trên cao; trận địa ta chỉ ở 1/3 quả đồi về phía Bắc và hẹp hơn trận địa địch.
Về vũ khí: Địch mạnh hơn ta rất nhiều, chúng có cả súng phun lửa, một loại vũ khí lợi hại, lần đầu tiên sử dụng ở Việt Nam và duy nhất ở trận C1 Điện Biên Phủ. Địch lại có sự chi viện của pháo binh ở Hồng Cúm, của các khẩu trọng liên 4 nòng ở đồi C2 liền kề và ở đầu cầu Mường Thanh chỉ cách trận địa ta vài trăm mét. Ngoài ra máy bay địch thường xuyên ném bom, kể cả bom na-pan xuống trận địa của Đại đội 811.
Đại đội 811 được lệnh lên phòng ngự trên đồi C1, Trung đoàn 98 rút quân về tuyến sau
Nếu sự có mặt của bộ đội ta trên đồi C1 là không thể chấp nhận đối với quân địch thì ta cũng cần duy trì điểm cao này để làm một bàn đạp cho đợt tiến công cuối cùng. Ngày 11/4/1954, chỉ diễn ra những cuộc chiến đấu lẻ tẻ. Cả quân địch và quân ta đều phải dồn mọi nỗ lực vào việc củng cố chỗ đứng chân trên trái đồi, bom đạn đã hủy diệt toàn bộ các công sự chiến đấu cũng như chỗ ẩn náu. Địch phải đưa đại đội thứ ba của tiểu đoàn lê dương dù 2 vừa chân ướt chân ráo tới Mường Thanh, thay thế cho lực lượng chiến đấu suốt đêm hôm trước đã quá rệu rã.
Mờ sáng ngày 11/4/1954, trận địa của đôi bên đều yên tĩnh. Địch đang sửa soạn đánh xuống, còn ta thì đang trong thế bất lợi, kiên quyết gấp rút chuẩn bị phản xung phong chiếm lại. Trong một căn hầm ở sườn phải đồi C1, tiểu đoàn trưởng Hoàng Vượng đang cùng cán bộ bàn bạc hạ quyết tâm chiếm lại Cột Cờ.
Chiến hào vào gần còn mang cho quân Pháp nhiều tai họa khác. Hàng rào dây kẽm gai và bãi mìn của cứ điểm lúc này lại trở thành những vật chướng ngại bảo vệ an toàn cho quân đội ta. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Theo kế hoạch của Bộ Chỉ huy chiến dịch, Trung đoàn 98 được lệnh rút quân về tuyến sau củng cố chuẩn bị cho cuộc tổng công kích sắp tới. Chiều 11/4/1954, trong khi đang phối hợp với Đại đoàn 304 chiến đấu ở Hồng Cúm, Tiểu đoàn 888 (Đại đoàn 316) được lệnh hành quân về tăng cường cho Trung đoàn 98. Do yêu cầu tác chiến, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng quyết định chỉ đưa Đại đội 811 của Tiểu đoàn 888 lên phòng ngự, chiến đấu trên đồi C1. Đại đội 811 đã phòng ngự tại đồi C1 hai mươi ngày liền, cho đến khi ta hoàn toàn tiêu diệt cứ điểm này vào cuối tháng tư.
Chiều ngày 11/4/1954, đại đội 811 xây dựng những đường hào, ụ súng, hầm ngủ rồi lấy dây thép gai và mìn của địch để xác định ranh giới giữa ta và địch.
Trận đánh ngày 10 và 11/4/1954 là cuộc phản kích lớn cuối cùng của Bigeard (Bi-gia) lên những trái đồi phía đông. Địch buộc phải luân phiên đưa từng đại đội lên phòng ngự ở phần đồi phía trong. Ta và địch đã quá hiểu nhau, chấp nhận tạm thời giữ nguyên trạng. Thỉnh thoảng có những trái lựu đạn, những loạt liên thanh qua lại, những luồng súng phun lửa, những cuộc đột kích chớp nhoáng.
Trong suốt 20 ngày đêm từ ngày 11 đến 30/4/1954, cả ta và địch trên cứ điểm C1 tổ chức nhiều đợt tấn công giành giật nhau từng tấc đất, từng ụ súng, từng đoạn chiến hào nhưng không phân thắng bại.
[Nguồn: TTXVN; sách: Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010, tr. 1043; Chiến thắng Điện Biên phủ-ký sự tập 2, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội 2024, tr.146,147]
Theo baotintuc.vn
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cơ bản thống nhất nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, tiến độ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung gợi ý, định hướng để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đề xuất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.