12/04/2025 11:06
Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn trên xa lộ Biên Hòa.
Lực lượng vũ trang Quân khu 9 nổ súng tiến công, đánh thiệt hại nặng chi khu Ba Càng, chi khu Bình Minh, phân chi khu Đông Thành, diệt và bức rút 13 đồn, giải phóng một đoạn bờ Nam sông Hậu. Bộ đội địa phương Vĩnh Long tiêu diệt hậu cứ tiểu đoàn bảo an và phân chi khu Mỹ Thuận, bức rút 12 đồn bót. Quân giải phóng sử dụng pháo 105mm thu được của địch bắn vào chi khu Bình Minh, trường huấn luyện Cái Vồn, sân bay Trà Nóc, tiểu khu Phong Dinh, Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Cần Thơ, Sở chỉ huy Quân khu 4 - Quân đoàn 4, nhà riêng Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật Nguyễn Khoa Nam.
Cùng với hoạt động của Binh đoàn cánh Tây Nam và lực lượng vũ trang Quân khu 8 trên đường số 4, các cuộc tiến công của Quân khu 9 trên mặt trận Cần Thơ và Vĩnh Trà đã góp phần giữ chân quân địch tại chỗ, từng bước cô lập đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Sài Gòn.
Cùng ngày, Thường vụ Thành ủy Sài Gòn-Gia Định ra Nghị quyết chuẩn bị ráo riết cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định.
Chiều 12/4/1975, trong buổi họp giữa Bộ Tư lệnh Chiến dịch cùng một số cán bộ cao cấp ở Sở Chỉ huy, có ý kiến đề nghị lấy tên Bác đặt tên cho chiến dịch giải phóng thành phố Sài Gòn. Đó là sự thể hiện lòng kính yêu vô hạn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đối với Bác, niềm tin và ý chí quyết thắng của quân dân cả nước và cũng là cách biểu thị tấm lòng của Bác đối với đồng bào miền Nam ruột thịt, những người lúc nào cũng “ở trong tim” của Người. Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhất trí gửi một bức điện lên Bộ Chính trị xin được đặt tên chiến dịch tổng công kích và nổi dậy giải phóng Sài Gòn, chiến dịch quy mô lớn nhất, có ý nghĩa lịch sử sâu xa nhất trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc là Chiến dịch Hồ Chí Minh... Đến 19h ngày 14/4/1975, Bức điện số 37/TK của Bộ Chính trị gửi đến mặt trận, toàn văn như sau: "Đồng ý Chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh".
Trong một diễn biến khác, để quyết tâm giữ Xuân Lộc, ngày 12/4/1975, địch vội vã đổ Lữ đoàn 1 dù từ Sài Gòn xuống ngã ba Tân Phong, các ngày sau đó bố trí lại đội hình trong thị xã và điều là đoàn 3 thủy quân lục chiến, Chiến đoàn 318 biệt động đến Trảng Bom, Chiến đoàn 322 biệt động ở Bầu Cá, Chiến đoàn 315 ở Bầu Hàn, điểm cao 122, Trung đoàn 8 thuộc đoàn 5 từ Lai Khê sang Bầu Cá.
Ngày 09/4/1975, các đơn vị bộ binh và xe tăng thần tốc tiến về giải phóng Xuân Lộc, “cánh cửa thép”- căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông Bắc. Ngày 21/4, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy, cửa ngõ vào Sài Gòn từ hướng Đông Bắc đã được mở.
Như vậy địch đã tập trung ở khu vực này 50% lực lượng bộ binh, 60% pháo binh và hầu hết xe tăng, xe thiết giáp của Quân đoàn 1 cùng lực lượng tổng dự bị tương đương 1 sư đoàn. Không quân ở các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất được huy động trung bình 80 lần chiếc/ngày để chi viện trực tiếp cho các mũi phản kích. Địch còn sử dụng cả bom CBU, loại bom có sức hủy diệt lớn, thế giới cấm sử dụng để ngăn chặn ta tiến công.
Cuộc chiến đấu ở Xuân Lộc diễn ra hết sức quyết liệt. Qua 3 ngày chiến đấu, tuy ta đã chiếm được một số mục tiêu, diệt một bộ phận sinh lực địch và giữ được một số bàn đạp quan trọng, nhưng ta chưa diệt gọn được 1 tiểu đoàn nào của chúng.
Xuất phát từ nhận định cơ bản: Xuân Lộc chỉ có giá trị khi được nối với Biên Hòa, Bộ Tư lệnh chiến dịch chủ trương lập thế trận mới, cô lập và cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt đường số 1 chặn đánh địch từ Trảng Bom lên, đánh chiếm Tân Phong, cắt đường số 2 đi Bà Rịa. Thực hiện chủ trương trên, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định tạm dừng tiến công vào thị xã, chỉ để lại một bộ phận nhỏ lực lượng giữ những khu vực đã chiếm và kiềm chế nghi binh địch, còn đại bộ phận lực lượng chuyển ra ngoài, tổ chức rút kinh nghiệm, thay đổi cách đánh để giải phóng Xuân Lộc.
---------------------------------------
[Nguồn: TTXVN; Báo Quân đội nhân dân 1995; Thời khắc lịch sử chiến dịch Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2005; Đại thắng Mùa Xuân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2024]
Với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và bế mạc chiều 12/4.