24/04/2024 14:01
Sân bay Mường Thanh bị quân ta pháo kích trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trận phản kích ngày 24/4 hết sức ác liệt nhằm đánh lùi quân ta ra khỏi sân bay
Tiếp tục thực hiện chủ trương vào gần địch hơn nữa trận địa tấn công và bao vây, trận địa ta ngày càng tiến sát gần địch; hỏa lực các cỡ của ta luôn uy hiếp quân địch.
Sách Ký sự lịch sử tập 2 “Trận đánh ba mươi năm”, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, xuất bản năm 1985, ghi rõ: “Quân ta một mặt đã tấn công tiêu diệt từng cứ điểm của địch, đánh lui những cuộc phản kích của chúng; mặt khác, đẩy mạnh cuộc thi đua bắn tỉa quân địch. Các chiến sĩ thiện xạ bắn súng trường, bắn súng máy, bắn súng cối, các chiến sĩ pháo binh ra sức bắn tỉa quân địch, làm cho địch ngày càng bị tiêu hao, thương vong chồng chất, tinh thần sút kém, luôn luôn lo sợ và căng thẳng, không dám đi lại, hễ lộ ra khỏi trận địa tên nào là bị quân ta bắn chết. Các đội dũng sĩ của ta đột nhập sâu vào trong lòng địch, đánh phá kho tàng, tiêu hao sinh lực của chúng”.
Quân ta lợi dụng các hào chiến đấu đã đào sát đến vị trí của địch, áp dụng chiến thuật đánh lấn dần. “Địch hoảng sợ rút dần về phía trong. Qua mấy ngày liền bị đánh lấn, bắn tỉa, tinh thần kẻ dịch sa sút trông thấy. Đêm 22/4, chỉ sau một giờ tiến công, ta lấy xong đồn, bắt 117 tù binh. Sau khi hỏi cung tù binh, biết điện đài địch bị bắn tan ngay từ phút đầu, bộ đội ta cho bắn đại liên ra bốn phía chếch lên cao. Nghe tiếng súng, De Castries (Đờ Cát) tưởng là quân của hắn còn kháng cự trong cứ điềm nên không cho thi pháo vào. Quân ta đàng hoàng củng cố lại công sự và chiến trường”.(1)
Giao thông hào của quân ta cắt đôi sân bay Mường Thanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến sĩ xung kích tiêu diệt địch.
Vòng vây của quân ta ngày càng thắt chặt hơn, cuộc chiến đấu càng trở nên gay go.
Quân địch liên tiếp tổ chức nhiều cuộc phản kích dữ dội, có cơ giới và không quân yểm hộ, nhằm đánh lùi trận địa của ta. Trận phản kích ngày 24/4 vào cứ điểm 206 hết sức ác liệt, với mục đích đánh lùi quân ta ra khỏi sân bay.
“Không quân địch trút xuống tới 600 trái bom. Khi quân dù tiến ra tập kết ở vị trí 208 thì bị lựu pháo của ta bắn chặn, bị tiêu diệt một số. Chúng vẫn tiến thành hai cánh ra sân bay. Khi gặp trận địa của đại đội 213, chúng ào sang, lọt vào trận địa của quân ta. Tiểu đoàn trưởng Quốc Trị lệnh cho bộ đội lui về phía sau và yêu cầu lựu pháo bắn thẳng vào trận địa của ta. Khoảng cách quá gần có 50 mét, không an toàn cho đồng đội; pháo binh do dự, bộ binh vẫn khẩn khoản yêu cầu. Trung đoàn trưởng lựu pháo Hữu Mỹ phải gọi điện xin chỉ thị của bộ tư lệnh đại đoàn pháo binh. Được phép, đại đội lựu pháo 802 sau khi kiềm tra phần tử bắn thật chính xác mới nã đạn dồn dập giữa tiếng hoan hô của bộ binh không ngớt vang lên trong máy điện thoại… Các khẩu cối của ta đã chuẩn bị sẵn sàng “cả cái”. Đại đội 213 anh dũng xông lên khôi phục trận địa, truy kích bọn dịch chạy dài về phía cứ điềm 208. Xe tăng địch kéo ra cứu nguy bị pháo ta chặn lại. Bigeard (Bigia), được De Castries giao cho tổ chức cuộc phản kích, liều mạng nhảy lên xe gíp phóng ra vị trí 208 đôn đốc quân lính. Nhưng cũng không còn có cách nào khác ngoài việc chửi bởi om sòm và ra lệnh cho bọn lính dù rút lui”.(2)
Pháo cao xạ phát huy sức mạnh tại Điện Biên Phủ, khiến quân Pháp hoang mang, lúng túng.
Kết quả là địch đã bị tiêu diệt một bộ phận, trận địa của ta vẫn được giữ vững, sân bay vẫn bị quân ta kiểm soát.
Dốc toàn lực chi viện cho Điện Biên Phủ
Nhận rõ khó khăn của bộ đội và hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, nhân dân ta đứng lên "dốc toàn lực" chi viện cho Điện Biên Phủ. "Một đợt thi đua nước rút đã được phát động trên mọi tuyến đường để động viên mọi người dốc toàn lực bảo đảm cho bộ đội chiến thắng quân thù.
Không ai tiếc sức mình, ai cũng làm hết sức mình, thậm chí trên sức mình. Ai cũng hiểu rằng lúc này bộ đội đang rất cần gạo, cần đạn nên thi nhau tăng gánh nặng, tăng chuyến và tăng tốc độ. Giữa rừng khuya vang lên tiếng hò kiêu hãnh của dân công: “Thằng Tây mày có máy bay/Dân công dưới đất quyết thắng chúng mày trên không...”.
Hầu hết, anh, chị em dân công đã xung phong gánh gấp đôi. Chị Mùi, dân công vận tải trạm 22 Yên Bái đã thường vác tới 100 ki-lô-gam gạo. Anh, chị em bốc vác ở các kho cũng thi đua vác khỏe, bốc tăng chuyến. Nhiều đồng chí giữ kho đã cân một đêm từ 30 đến 50 ô tô gạo...
Công binh dùng mảng vượt sông Nậm Na đưa hàng về Điện Biên Phủ.
Trên tuyến Nậm Na, các cô gái vạn chài sông Thao ngày đêm vẫn làm chủ trên 100 chiếc thác hung dữ. Ngày 24/4, các cô đã đưa được về đến Lai Châu 1.300 tấn gạo trong số 1.700 tấn theo kế hoạch đã định, vượt mức thời gian quy định. Đại tướng Tổng Tư lệnh đã gửi điện tới nhiệt liệt khen ngợi. Càng phấn khởi, chị em càng nỗ lực chở nhanh, chở nhiều, đưa gạo về mặt trận để bộ đội ta đủ sức đánh lâu dài. Trước đây, một chiếc mảng chỉ chở nhiều nhất là 3 tạ, nay các chị đã nâng mức lên chở 3 tạ rưỡi, có mảng chở đến 4 tạ. Trước đây mỗi đêm chỉ xuôi được một chuyến, nay bất chấp cả máy bay giặc, các chị cho xuôi mảng cả ngày lẫn đêm, nâng lên 2 chuyến một ngày để hoàn thành vượt mức kế hoạch vận chuyển.
21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng các loại ô tô, tàu, thuyền, lừa, ngựa…ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược lên mặt trận Điện Biên Phủ.
Anh chị em xe thồ cũng không chịu kém các chị dân công. Anh Vân, anh Chi thuộc Đại đội xe thồ thị trấn Cầu Bố (Thanh Hóa) thường xuyên giữ mức 320 ki-lô-gam, còn anh Cao Văn Tỵ lại đã nâng kỷ lục của anh lên tới 325 ki-lô-gam... Trong “binh đoàn ngựa sắt” ấy, có nhiều cán bộ, nhân viên thuộc các cơ quan trung ương đã xung phong đi vận tải. Lúc đầu còn bỡ ngỡ, bây giờ họ cũng đã trở thành những chiến sĩ trong “binh chủng tay ngai” thực sự. Họ cũng thồ tới 2 tạ rưỡi và cũng hò hát: “Mau lên hỡi bạn xe thồ/ Đường lên mặt trận vui mô cho bằng/ Qua rừng qua núi băng băng/ Xe thồ đè bẹp xe tăng quân thù...” (3).
(1), (2): Sách Ký sự lịch sử tập 2 “Trận đánh ba mươi năm” Nxb Quân đội nhhân dân, Hà Nội, 1985, tr. 426, 427
(3): Sách Ký sự - Tập 2 "Chiến thắng Điện Biên Phủ" Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tr.190, 191]
Theo baotintuc.vn
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.