26/04/2024 08:24
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta đã bắn rơi và phá hủy 177 máy bay các loại của địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Cũng trong ngày này, Hội nghị Geneve (Giơnevơ) bàn về một giải pháp chính trị ở Triều Tiên khai mạc tại thành phố Geneve (Thụy Sĩ). Lúc này, địa danh Điện Biên Phủ với khói lửa ác liệt đang là tâm điểm chú ý của cả thế giới.
Cắt đứt cầu hàng không, chặn đường tiếp tế và tiếp viện của địch
“Từ ngày 25/3/1954, máy bay địch không thể lên xuống sân bay Mường Thanh được nữa, quân đồn trú của địch ở Điện Biên Phủ có hơn một vạn tên. Mỗi ngày chúng cần 120 tấn đồ tiếp tế, gồm: súng đạn, lương thực và thuốc men. Đường tiếp tế duy nhất của địch là thả dù. Tướng Navarre (Nava) phải huy động hai phần ba máy bay chiến đấu và máy bay vận tải của Pháp ở Đông Dương, với số hàng tiếp tế lên tới 10.000 tấn/1 tháng và cầu cứu sự viện trợ của đế quốc Mỹ.
Đế quốc Mỹ giúp sức Pháp bằng cách tổ chức cầu hàng không bằng máy bay vận tải hạng trung Páckét (C119), gồm 29 chiếc do Tướng Mỹ Cơlairơ Sennô chỉ huy. Đội máy bay vận tải này của đế quốc Mỹ chỉ bay được 540 chuyến, chở 3.200 tấn hàng lên Điện Biên Phủ. Dù thả bằng máy bay không thu lại được. Đế quốc Mỹ lại giúp thực dân Pháp bằng cách gửi dù bằng lụa nhân tạo do Nhật Bản sản xuất sang và giúp thực dân Pháp xây dựng một xưởng chế tạo dù. Cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ không ngờ rằng việc tiếp tế cho Điện Biên Phủ lại khó khăn như vậy.
Nắm được yếu điểm của địch, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã giao nhiệm vụ cho bộ đội phòng không “bên cạnh nhiệm vụ yểm hộ bộ binh, pháo binh tiến công, có nhiệm vụ bao vây đường không, thu hẹp vùng trời của địch, tích cực khống chế, tiến tới cắt đứt cầu hàng không tiếp tế và tăng viện của chúng”. (1)
“Từ giữa tháng 4/1954, các khẩu pháo cao xạ của bộ đội ta đã giăng lưới lửa trên khắp bầu trời Điện Biên. Hễ có một chiếc máy bay nào của địch xuất hiện là lập tức bị lưới lửa bủa vây. Hoảng sợ, các phi công người Mỹ lái máy bay vận tải C119 tiếp tế cho Điện Biên Phủ đòi phải được bảo vệ. Thế là mỗi khi có máy bay vận tải do người Mỹ lái đến, phải có bốn hoặc sáu máy bay khu trục yểm trợ quay cuồng khắp bầu trời, liều mạng bổ nhào xuống những khẩu cao xạ 37mm của bộ đội ta” (2).
“Ngày 19/4/1954, Đại đội 677, Tiểu đoàn súng máy phòng không 536 (Đại đoàn 316) đã bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay vận tải hai thân C119 do phi công Mỹ lái. Vòng vây lưới lửa trên bầu trời Điện Biên Phủ bị quân ta ngày càng thít chặt, máy bay địch không dám bay thấp để thả dù, chúng phải bay ở độ cao 3.000 mét. Dù của địch thả xuống không chính xác, bay sang trận địa ta rất nhiều. Bộ đội ta dùng hỏa lực không cho địch nhặt dù để triệt đường tiếp tế, đồng thời tích cực tranh đoạt nguồn tiếp tế của chúng, lấy lương thực, đạn dược của địch bổ sung một phần cho quân ta. Riêng số đạn pháo 105mm quân ta thu được 5.000 quả, bằng một phần tư số đạn tiêu thụ ở Điện Biên Phủ. Đêm ngày 22/4/1954, Đại đoàn 308 thu được 1.000 viên đạn cối 81mm do Mỹ sản xuất. Có đêm bộ đội ta còn thu được hơn 100 tấn hàng các loại do địch thả dù. Cặp lon thiếu tướng và 200 chai rượu cônhắc do Tướng Navarre (Nava) gửi lên mừng Tướng De Castries (Đờ Cát) được thăng thiếu tướng cũng rơi vào tay quân ta. Thư và quà của vợ De Castries (Đờ Cát) gửi cho chồng cũng rơi vào tay các chiến sĩ Đại đội 834, Trung đoàn 367”. (3)
Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng của địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN
“Vòng vây của ta dần thu hẹp, việc tiếp tế và tiếp viện của địch trở nên cực kỳ khó khăn. Những phi công Mỹ làm công việc này được đánh giá là dũng cảm, nhưng cũng không đáp ứng được yêu cầu đề ra, khi phải bay thấp thả dù trong một không phận nhỏ hẹp có súng cao xạ và súng phòng không chờ sẵn”.(4)
“Những ngày cuối tháng 4/1954, không quân Pháp chỉ còn một đường bay tương đối an toàn là từ phía Nam theo sông Nậm Rốm lên, thả dù tiếp tế cho phân khu Trung tâm. Để cắt đường bay này của địch, Đại đội pháo cao xạ 816 được lệnh cơ động từ Mường Thanh xuống đánh địch ở Hồng Cúm.
Ngày 26/4/1954, 50 chiếc máy bay của địch trúng đạn và ba chiếc bị quân ta bắn hạ tại chỗ trên chiến trường Điện Biên Phủ, trong đó có một máy bay B26 và hai chiếc Hencát của hạm đội 11, do phi công Mỹ lái. Cũng đêm hôm đó, Hà Nội hứa tăng viện cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ 80 người, nhưng chỉ thả dù được 36 người; hứa thả 150 tấn hàng tiếp tế, nhưng chỉ thả được 91 tấn, với 34 phần trăm rơi vào tay bộ đội ta.
Tên phi công đầu tiên bị quân ta bắt sống ở Điện Biên Phủ là Trung úy Rôbe Đanien lái chiếc máy bay Biacát bay từ phía Nam, theo sông Nậm Rốm lên thả dù tiếp tế cho khu trung tâm. Chiếc máy bay này đã bị Đại đội 816 bắn rơi ngày 26/4/1954. Đại đội 816 được thưởng Huân chương Quân công hạng Ba. Phong trào bắn rơi tại chỗ máy bay địch, bắt sống giặc lái phát triển trong các đơn vị phòng không.
Cùng trong ngày 26/4/1954, tại trận địa Pa Luông, Đại đội 829, Tiểu đoàn 394, bắn rơi một máy bay B26. Tại trận địa Khe Chốt, Đại đội 817 bắn rơi một máy bay B26, bắt sống 2 phi công. Đây là một trong những ngày chiến thắng giòn giã nhất của bộ đội Phòng không ở mặt trận Điện Biên Phủ. Hoạt động của không quân địch không những không nghiền nát được quân ta mà cũng không thể nới rộng được vòng vây của quân ta xung quanh tập đoàn cứ điểm, không duy trì được cẩu hàng không tiếp tế cho quân địch ở Điện Biên Phủ”.(5)
Kết thúc chiến dịch, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng của địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN
* Cùng trong ngày 26/4/1954, Tướng Canđira trở lại Sài Gòn. Tướng Canđira đã đề cập tới việc dùng 80 máy bay ném bom chung quanh thung lũng Điện Biên Phủ và khu vực hậu cần Tuần Giáo, với những phi hành đoàn Mỹ - Pháp kết hợp. Cuộc hành binh được thực hiện trong 62 giờ và một sĩ quan cao cấp đã từ Sài Gòn bay tới căn cứ Clark Field (Clác Phin) để chuẩn bị. Về thực chất đây vẫn là "Kế hoạch Diều hâu”, mang tên Vautour (Vôtua), do đế quốc Mỹ đề ra để trợ giúp quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Người Pháp lại hy vọng”.(6)
Khai mạc Hội nghị Geneve bàn về một giải pháp chính trị ở Triều Tiên
Toàn cảnh Hội nghị Geneva về Đông Dương tại Thụy Sĩ (1954). Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Ngày 26/4/1954, Hội nghị Geneve (Giơnevơ) bàn về một giải pháp chính trị ở Triều Tiên khai mạc tại thành phố Genève (Thụy Sĩ). Lúc này, địa danh Điện Biên Phủ với khói lửa ác liệt đang là tâm điểm chú ý của cả thế giới. Đây cũng là thời điểm quân và dân ta chuẩn bị kết thúc thắng lợi Đợt 2 của Chiến dịch Điện Biên Phủ; trong khi quân Pháp ở Tập đoàn cứ điểm đang lâm vào tình thế nguy khốn. Tuy nhiên cho đến lúc này, các nước phương Tây vẫn chưa chấp nhận sự tham gia Hội nghị của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
“Ngày 26/4/1954, các đoàn đại biểu đã có mặt tại thành phố Genève. Hội nghị Geneve bàn về chiến tranh ở Triều Tiên và Đông Dương. Trên bán đảo Triều Tiên đã có ngừng bắn, nhưng vẫn chưa đạt được một hiệp định hòa bình. Vấn đề này sẽ không dễ giải quyết. Sự chú ý của các cường quốc tập trung vào tình hình chiến tranh nóng bỏng tại Đông Dương.
Đồng chí Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn đàm phán của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở Hội nghị Fontainebleau (Phôngtennơblô) 9 năm trước đây, với tư cách là Phó Thủ tướng Chính phủ, chuẩn bị lên đường sang thành phố Genève.
Cuối tháng 4/1954, tại căn nhà nhỏ giữa núi rừng Việt Bắc, Bác Hồ tiếp chuyện nhà báo Úc Burchett (Bớcsét). Nhà báo Burchett hỏi thăm về Điện Biên Phủ. Bác lật ngửa chiếc mũ đặt trên bàn tre, đưa mấy ngón tay vòng quanh vành mũ, nói: "Đây là rừng núi, nơi có lực lượng của chúng tôi". Rồi Bác nắm tay lại đấm vào lòng mũ và nói tiếp: "Còn đây là quân Pháp. Họ không thể thoát khỏi chỗ này!".”(7)
Chiến thắng Điện Biên Phủ có giá trị vô cùng to lớn đối với cách mạng ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân, nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đất nước Lào và Campuchia. Bởi vậy, Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ đơn thuần là thắng lợi của quân và dân Việt Nam, mà còn ảnh hưởng, có giá trị vô cùng to lớn đối với cuộc kháng chiến chung của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Đó là nhận định của Thủ tướng Lào Souphanouvong đăng trên Báo Quân đội nhân dân, xuất bản ngày 26/4/1954 và nội dung trích trong bức điện của Mặt trận dân tộc thống nhất Khơme gửi các cán bộ và chiến sĩ Việt Nam tại mặt trận Điện Biên Phủ, tháng 4/1954.
Trong bài phát biểu đăng trên Báo Quân đội nhân dân, Thủ tướng Souphanouvong thay mặt toàn thể quân đội và nhân dân đất nước Lào xin gửi lời chào mừng và nhiệt liệt hoan nghênh chiến thắng của quân và dân Việt Nam tại mặt trận Điện Biên Phủ. Quân đội Lào vô cùng phấn khởi và tin tưởng ở thắng lợi của các bạn, coi đó là thắng lợi của bản thân mình.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân ta tiêu diệt. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Thủ tướng Souphanouvong nhấn mạnh “Chiến thắng Điện Biên Phủ có ảnh hưởng và có giá trị vô cùng to lớn đối với cuộc kháng chiến chung của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia và đối với phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới hiện nay”. Theo đồng chí Souphanouvong, Chiến thắng Điện Biên Phủ tạo thêm nhiều thuận lợi để quân và dân Lào phát triển những thắng lợi của mình, củng cố khu giải phóng, đẩy mạnh chiến tranh du kích, toàn bộ tiến lên. Không những thế, Điện Biên Phủ được giải phóng sẽ mở thông hoàn toàn biên giới giữa Thượng Lào với Bắc Bộ Việt Nam, làm cho tình đoàn kết Việt - Lào ngày càng được thắt chặt thân thiết hơn nữa.
Thủ tướng Souphanouvong tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với tinh thần chiến đấu dũng cảm vô song, quân và dân Việt Nam nhất định toàn thắng, sẽ làm tròn nhiệm vụ tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.
Thủ tướng Souphanouvong khẳng định, nhân dân và đất nước Lào theo dõi từng ngày từng giờ các trận chiến đấu anh dũng của các bạn, nguyện nỗ lực học tập các bạn. Xin hứa với các bạn sẽ phối hợp chặt chẽ với các bạn trong cuộc chiến đấu này bằng cách nỗ lực tăng cường hoạt động mọi mặt, phát triển chiến tranh du kích mạnh mẽ, tích cực xây dựng lực lượng vũ trang, nỗ lực đào tạo cán bộ.
Trong khi đó, với nhân dân Campuchia, Mặt trận dân tộc thống nhất Khơme đã có điện gửi các cán bộ và chiến sĩ Việt Nam tại mặt trận Điện Biên Phủ, tháng 4/1954. Bức điện nhấn mạnh: “Nhân dân Khơme rất phấn khởi khi biết tin thắng lợi liên tiếp của các anh em tại mặt trận Điện Biên Phủ. Nhân dân Khơme luôn theo dõi từng giờ từng phút với lòng tin tưởng chắc chắn vào thắng lợi cuối cùng của các anh em".
Bức điện khẳng định: “Thắng lợi của các anh em ở mặt trận Điện Biên Phủ chẳng những đã tiêu diệt sinh lực địch mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến chiến trường Khơme chúng tôi nữa…”. Trước tinh thần dũng cảm, hy sinh, phấn đấu của các anh em, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Khơme tin chắc rằng quân và dân Việt Nam sẽ giành được nhiều thắng lợi lớn hơn nữa ở mặt trận Điện Biên Phủ.
Nguồn: TTXVN
(1); (3) Điện Biên Phủ: Bản hùng ca còn mãi, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tr. 82, 83; 83, 84;
(2) Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954: Dưới góc nhìn của người nước ngoài, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tr. 140;
(4); (6); (7) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2018, tr. 1076; 1074; 1077;
(5) Chuyện kể Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tập 1, tr. 175, 176].
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.