25/05/2022 12:05
Trong phiên họp sáng nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14, ngày 21/6/2017.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu tại phiên thảo luận sáng ngày 25/5.
Về báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, ngày 21/6/2017 và đề xuất việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42, Đại biểu Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh thống nhất cao với Báo cáo của Ủy Ban Kinh tế - Quốc hội về Đánh giá việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 và thẩm tra Tờ trình với nội dung nêu trên. Trong đó, thể hiện rõ 2 nội dung mà Chính phủ đề xuất Quốc hội: (1) Thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến ngày 31/12/2023; đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; (2) Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất nội dung cần luật hóa quy định về xử lý nợ xấu cùng với việc rà soát, hoàn thiện Luật Các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan đến xử lý nợ xấu và TSBĐ, trình Quốc hội chậm nhất vào kỳ họp đầu năm 2023.
Tại buổi thảo luận, đại biểu Trần Quốc Tuấn đã đề xuất kiến nghị một số nội dung về tính hiệu quả của Nghị quyết số 42, đây là nghị quyết có nội dung hoàn toàn đúng đắn và kip thời đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào kết quả cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Chỉ hơn 4 năm toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 70% tổng số nợ xấu. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu từ 10,08% xuống còn dưới 3% tổng dư nợ cho vay…
Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 42, nhằm góp phần ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng cả nước, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước và các tổ chức liên quan sớm nghiên cứu tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 thời gian qua cần quan tâm thêm 04 nội dung sau đây:
Một là, cần tăng cường khả năng dự báo, nhất là dự báo về tình hình sản xuất kinh doanh trong nước, khi chịu sự tác động bởi các sự kiện trong khu vực và quốc tế. Những nội dung dự báo phải gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đề ra. Từ đó, có giải pháp cơ cấu lại nguồn vốn, phân bổ hợp lý các nguồn vốn, xác định rõ nhóm chủ thể vay vốn nhất là các khoản vay thuộc lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao; nhằm đảm bảo kiểm soát tốt hoạt động của các tổ chức tín dụng, góp phần giữ tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3% tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.
Hai là, cần phân tích, đánh giá làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc tăng tỷ lệ nợ xấu cao hơn 3% đối với các lĩnh vực cho vay, đầu tư. Điển hình như lĩnh vực bất động sản (tỷ lệ nợ xấu đến 18.4%); cho vay tiêu dùng (tỷ lệ nợ xấu 25,8%); đầu tư giao thông theo hình thức BOT, BT (tỷ lệ nợ xấu là 3,92%)... trên cơ sở đó sẽ điều chỉnh bằng các quy định pháp luật liên quan.
Ba là, cần có sự thống nhất, quy định rõ ràng, cụ thể về thẩm định giá đối với các khoản nợ khi được xác định là nợ xấu; không nên áp dụng chung hình thức và nội dung thẩm định giá giữa các khoản nợ xấu giống như thẩm định giá đối với các loại tài sản khác. Bởi đây là trường hợp đặc biệt hơn.
Bốn là, về lâu dài, chính phủ cần chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giao dịch ngân hàng. Trong đó, quan tâm xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chung, thống nhất trong cả nước một đầu mối cơ quan… Có chức năng quản lý về thông tin các tài sản thế chấp, tài sản đảm bảo, đáp ứng cả 2 tiêu chí, (1) vừa bảo vệ bí mật thông tin người có quyền sở hữu tài sản đó, (2) vừa hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng khi cần thiết có thể truy xuất, tra cứu được thông tin đối với các tài sản liên quan khi xử lý nợ xấu. Cơ sở dữ liệu này sẽ giúp các tổ chức tín dụng phòng ngừa các vụ việc khi chỉ có 01 tài sản, nhưng người vay thế chấp ở 02 ngân hàng khác nhau...
Báo Trà Vinh Online
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.