02/09/2021 12:40
Để nâng cao vị thế quốc tế của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và chuẩn bị thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam như một bên tham gia hòa đàm, tháng 02/1969, một phái đoàn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam- do Phó Chủ tịch Mặt trận Phùng Văn Cung dẫn đầu - chính thức ra thăm miền Bắc theo lời mời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thành phần phái đoàn ấy, có một đại biểu nữ đến từ chiến trường Nam Bộ và cũng là người Trà Vinh duy nhất - cô Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi). Sau chuyến vượt rừng từ Chiến khu D lên Nam Vang, phái đoàn đáp máy bay ra Hà Nội ngày 26/02/1969.
Thời gian này, sức khỏe Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yếu đi nhiều. Nhiều đại biểu trong phái đoàn miền Nam cứ nghĩ khó có thể được gặp Bác. Thế nhưng khi vừa đặt chân ra Thủ đô chưa được bao lâu, còn đang sắp xếp chuyện ăn nghỉ tại Ban Thống nhất (một cơ quan của Trung ương Đảng và Chính phủ chuyên trách các vấn đề miền Nam) thì phái đoàn được tin vui lớn: Sẽ được Bác Hồ tiếp vào ngày 05/3/1969. Bác đã rất nóng lòng chờ đón những người con thân yêu của miền Nam, vượt qua muôn trùng gian khổ của cuộc chiến tranh ác liệt để đến được giữa lòng hậu phương miền Bắc. Sau ngày giải phóng, trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, dù nhiều thập kỷ thời gian đã trôi qua nhưng cô Ba Thi vẫn nhớ như in những giây phút hạnh phúc hiếm hoi được ở bên cạnh Bác. Trong lần đi tư liệu chuẩn bị thực hiện tập sách Nhân vật chí Trà Vinh, chúng tôi được cô kể cho nghe kỷ niệm xúc động ấy:
“Ngày 26/02/1969, phái đoàn miền Nam chúng tôi được tin ngày 05/3/1969 đến Phủ Chủ tịch gặp Bác. Thật bất ngờ, vui mừng, lo lắng hòa quyện vào nhau. Vui vì sẽ được gặp Bác, đó là niềm khát vọng lớn lao của mỗi người Nam Bộ nơi tuyến đầu. Còn bất ngờ và lo lắng vì biết lúc này Bác không được khỏe. Sự xúc động trong phút giây gặp gỡ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe Bác. Sau này, anh Lê Toàn Thư, cán bộ Ban Thống nhất - cho chúng tôi biết: mặc dù nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị khuyên ngăn, Bác vẫn kiên quyết chỉ thị cho phép phái đoàn gặp Bác ngay. Bác nói: “Tôi đối với miền Nam thế nào, miền Nam đối với tôi như thế nào mà phái đoàn miền Nam ra tôi lại không tiếp được. Chiến sĩ và đồng bào miền Nam mà nghĩ tôi yếu đến vậy, chắc phải chùng tay chiến đấu đôi phút!”.
Chiều ngày 05/3/1969, chúng tôi đến Phủ Chủ tịch. Ngoài trời mưa phùn rắc nhè nhẹ. Tôi thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, tay chống gậy, một mình ra đón chúng tôi tận cổng vào Phủ. Không thể diễn tả được hết tâm trạng của chúng tôi lúc bấy giờ. Anh Phùng Văn Cung và các đồng chí trong đoàn cùng đến bên Bác, ôm chặt lấy Bác. Còn tôi, đứng cách xa, cắn chặt chéo khăn để khỏi bật khóc nhưng sao nước mắt cứ tuôn trào. Nhớ lời các anh dặn, tôi cố nén xúc động để khỏi ảnh hưởng sức khỏe Bác nhưng Bác lại đưa tay chỉ vào tôi và nói: “Cháu gái, đừng khóc! Khóc miệng méo xệch, truyền hình quay phim xấu lắm!”.
Bác bảo mọi người ngồi quây quần bên Bác, trò chuyện cho vui.
Thay mặt phái đoàn, anh Phùng Văn Cung đứng lên báo cáo tình hình miền Nam khoảng 10 phút. Sau đó, Bác gọi ngay tôi đến ngồi bên Bác báo cáo về phụ nữ miền Nam đánh giặc giỏi, đấu tranh chính trị cũng giỏi. Tôi thưa với Bác: lúc cháu đi, quân dân miền Nam dặn cháu ra thưa với Bác nhiều điều nhưng khi gặp Bác, mừng quá, cháu quên hết. Nhưng cháu chỉ nhớ có một điều là vâng lời Bác, quân dân miền Nam đánh Mỹ bao nhiêu năm cũng không sợ, chỉ sợ Bác trăm tuổi. Do đó, miền Nam quyết tâm đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, đón Bác vào thăm!
Bác cảm động và nói đại ý: năm nay Bác 79 tuổi. Bác dặn miền Nam đánh Mỹ 05 năm, 10 năm, 20 năm chứ có dặn đánh 21 năm đâu mà sợ Bác trăm tuổi. Khi ấy, dù chỉ còn một năm, Bác cũng sẽ vào thăm các cụ, các cô, các chú, các cháu miền Nam. Bác vừa nói vừa cười làm cho mọi người cùng cười vui vẻ. Các anh hùng dũng sĩ miền Nam đến quây quần bên Bác trong không khí ấm cúng. Sau đó, các anh trong Bộ Chính trị, các bác sĩ chăm sóc sức khỏe sợ Bác mệt, mời bác vào nghỉ. Bác đứng dậy làm hai câu thơ:
Bước đầu muôn dặm một nhà,
Bắc Nam sum họp thật là vui thay”.
Trong tình cảm thiêng liêng của Bác, phái đoàn sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về Nam, đã mang theo lời dạy và cũng là tâm nguyện thống nhất đất nước của Người, cùng quân dân miền Nam chiến đấu ròng rã thêm sáu năm trời, với bao mất mát hy sinh, để giành chiến thắng cuối cùng trong Chiến dịch mang tên Người, Mùa Xuân 1975.
Bìa một quyển sách về Anh hùng lao động Nguyễn Thị Ráo (cô Ba Thi). |
Cô Ba Thi - người Trà Vinh duy nhất tham gia phái đoàn Mặt trận ra thăm miền Bắc tháng 02/1969, cũng là người Trà Vinh cuối cùng vinh dự được gặp, tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh là cô Ba Thi, tên thật là Nguyễn Thị Ráo, sinh năm 1922, tại xã Nhị Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Sinh ra trong một gia đình, một vùng quê giàu truyền thống đấu tranh nên cô tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cô đảm nhiệm cương vị Đoàn trưởng Phụ nữ Cứu quốc huyện Càng Long. Sau đó, là đoàn phó, rồi đoàn trưởng Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Trà Vinh. Năm 1953, khi tham dự lớp Trường Chinh khóa III tại miền Đông Nam Bộ, cô gặp và kết hôn cùng ông Nguyễn Trọng Tuyển, khi ấy là Tỉnh ủy viên phụ trách công tác Tuyên huấn tỉnh Gia Định. Từ đây, cô có bí danh Ba Thi (Thi - Tuyển). Theo yêu cầu của tình hình và cũng để đôi vợ chồng trẻ có điều kiện gần nhau, sau khi mãn khóa học, cô được Xứ ủy điều về công tác tại Hội Phụ nữ Cứu quốc Gia Định - Ninh (hai tỉnh Gia Định và Tây Ninh nhập lại). Trong sáu năm chính trị, cô lần lượt giữ cương vị Bí thư Quận ủy Quận 3, rồi Trưởng Ban Tuyên huấn liên quận phía đông thành phố (bao gồm Quận Ba, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Hòa, Quận Nhì). Năm 1959, người chồng thân yêu là Nguyễn Trọng Tuyển - Bí thư Tỉnh ủy Gia Định hy sinh (nay có tên đường ở Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), cố Ba Thi kiên cường vượt lên nỗi đau mất mát, nuôi dạy con thơ dại và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cách mạng giao cho.
Sau Đồng khởi, cô Ba Thi là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1969, khi ra thăm miền bắc, cô là Thường vụ Trung ương Hội Phụ nữ Giải phóng.
Sau năm 1985, Công ty Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh và Giám đốc Nguyễn Thị Ráo đầu tư dây chuyền sản xuất mì ăn liền với nhãn hiệu Colusa, rồi sau đó là nhà máy sản xuất Bánh ngọt Đồng Khánh. Những mặt hàng này nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, để lại dấu ấn đẹp trong lòng người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh cũng là cả nước trong giai đoạn tiền đổi mới và bước đầu đổi mới nền kinh tế đất nước. Tuần báo Asia Week đã bình chọn Giám đốc Nguyễn Thị Ráo là nhà kinh doanh thành đạt nhất châu Á với doanh số hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm.
Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhiều cán bộ chiến sĩ gốc người Trà Vinh đã lập nên nhiều chiến công hiển hách nên khi tập kết ra Bắc giữ những cương vị công tác quan trọng, được đôi lần gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh (điển hình như Tiến sĩ Phạm Văn Bạch - Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Nguyễn Duy Khâm- Ủy viên Ban Thống nhất, Lâm Phái - Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội…), thậm chí trở thành người giúp việc thân cận bên Bác (như Cao Phát Thành - Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao, Phạm Trung Tương - phiên dịch Pháp văn cho Bác…). Tuy nhiên, với chuyến ra thăm miền Bắc và được gặp gỡ Người vào tháng 3/1969, cô Ba Thi trở thành người Trà Vinh cuối cùng được gặp và tiếp chuyện, chỉ không đầy 6 tháng trước khi Người từ trần (02/9/1969).
Kỷ niệm và vinh dự ấy mãi mãi không phai mờ trong lòng người nữ Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Ráo.
TRẦN DŨNG
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.