14/06/2024 05:10
Ánh lửa đẹp nhân lên niềm tin
Tôi luôn có một cảm giác rất hứng khởi mỗi lần được trò chuyện về nghề với nhà báo Hồ Quang Lợi. Một là bởi ông luôn có cách lôi cuốn người nghe bằng những câu chuyện trong nước và quốc tế đầy trí tuệ, sâu sắc; hai là những bài viết của ông, theo một cách nào đó, luôn được kể đầy sôi nổi, mê hoặc trong bút pháp của một bậc tiền bối giàu kinh nghiệm. Thêm nữa, ông lúc nào cũng sẵn sàng lắng nghe, truyền lửa và kỳ vọng vào lớp trẻ…
“Người trên đường đời”, dường như là một “tông màu” hoàn toàn mới nhưng không kém phần thú vị của nhà báo Hồ Quang Lợi. Cuốn sách là tổng hợp những bài viết từ năm 1994 đến năm 2024, xây dựng thành 4 chủ đề lớn theo 4 chương: Người giữa phong ba, Phẩm cách, Chở bao nhiêu đạo…, Ánh sáng của lương tri với 50 bài viết dài hơn 500 trang…
“Khác với 9 cuốn sách in trước đây (chưa kể sách in chung), cuốn sách được dành để viết về những con người đã tạo những dấu ấn rất sâu sắc trong cuộc đời cầm bút gần 45 năm của tôi, trong đó có nhiều người là lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và của các nước trên thế giới - với vai trò, sứ mệnh, hoàn cảnh đặc biệt và đóng góp to lớn của mình - đã tác động mạnh mẽ tới dòng chảy của lịch sử Việt Nam trong suốt thế kỷ qua. Những nhân vật trong cuốn sách còn là những con người mà các bước đường đầy gian truân, thử thách và cống hiến của họ là những ánh lửa đẹp nhân lên niềm tin về những giá trị đích thực trong cuộc sống…” - nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ.
Điều khá bất ngờ là, “Ánh lửa đẹp nhân lên niềm tin” mà nhà báo Hồ Quang Lợi nhắc đến được bắt đầu từ những con người bình thường nhưng cuộc đời, số phận và đóng góp của họ thì rất đáng trân trọng và đầy xúc động.
Chương đầu tiên được đặt là Người giữa phong ba. Đó là 32 liệt sĩ thanh niên xung phong, công nhân tại “tọa độ lửa” Hoàng Mai đã hy sinh do một quả tên lửa từ máy bay Mỹ phóng xuống làm sập cửa hang, đó là 10 cô gái hi sinh trên mâm pháo ở Lam Hạ, là bác Nguyễn Văn Giản - người đánh tàu Maddox 50 năm trước, là ông Kim Ngọc - nguyên Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc - người “khai sơn phá thạch” hay một Hồ Minh Hoàng - doanh nhân trẻ trung đầy năng lượng, táo bạo với khát vọng và ý chí mở đường.
Đặc biệt, trong chương này, nhà báo Hồ Quang Lợi cũng dành những trang viết đầy xúc động về người em trai ruột của ông, liệt sĩ Hồ Quang Lộc… Đến với chương 2 mang tên “Phẩm cách” - Đó là câu chuyện của hầu hết là các nhà lãnh đạo nổi tiếng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp; các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị… Tất cả những gương mặt nổi bật ấy đều được kể lại bằng những câu chuyện gắn liền với các chuyến tác nghiệp, những cuộc gặp gỡ, làm việc… mà tác giả có cơ duyên gắn bó.
Chương ba với cái tên đầy sức gợi: “Chở bao nhiêu đạo…”. Đó là câu chuyện của các nhà hoạt động trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng, báo chí truyền thông. Họ là những con người thuộc về cộng đồng, những người cầm bút của chúng ta. Mỗi người một góc độ, như nhà sử học rất nổi tiếng Phan Huy Lê, nhà văn hóa lớn Vũ Khiêu rồi đến các nhà báo, các Tổng Biên tập như là Trần Công Mân, Phan Quang, Hữu Thọ, đến các văn nghệ sĩ nổi tiếng như là Trịnh Công Sơn, Hồng Đăng…
Còn chương thứ 4 - “Ánh sáng của lương tri” là một chương cực kì đặc sắc, theo cách nói của tác giả Hồ Quang Lợi. Ông chia sẻ rằng, chương này ông dành viết về những người nước ngoài mà ông đã có may mắn được gặp, được hiểu biết về họ, như: Honecker, D. Peterson, Fred Hollow, Francois Mitterand, Bill Clinton, Bob Kerry, Raymond Aubrac, Bill Gates…, người khép lại chương này và cũng là người kết thúc cuốn sách này là V. Putin – con người đang ở trên sóng gió của thời cuộc hôm nay. Đó là những con người có tác động đến lịch sử đất nước mình, trong đó có nhiều câu chuyện đầy cảm động, không cầm được nước mắt.
Con người hòa với thời cuộc…
Đó là cảm nhận của tôi khi lật giở những trang viết đầy sinh động của nhà báo Hồ Quang Lợi. Sự khéo léo và có nghề của ông đã được bảo chứng qua rất nhiều bài viết, nhiều cuốn sách nhưng không thể phủ nhận rằng, “Người trên đường đời” vẫn khiến tôi háo hức và bất ngờ. Con người giữa thời cuộc và bước ra từ trang sách của ông không chỉ là con người ấy, tính cách ấy mà còn gắn với thời cuộc lúc ấy.
Cuốn sách hấp dẫn là bởi ông không ca ngợi họ một cách đơn thuần, họ thông minh thế nào, họ giỏi như thế nào mà qua những hành động của họ để thấy được cả lịch sử dân tộc, đất nước mình ở thời điểm lịch sử cam go nhất, khắc nghiệt nhất. Nhà báo Hồ Quang Lợi xúc động tâm sự: “Chúng ta có được như ngày nay vì đất nước này có những con người như thế, vì đất nước này có những người bạn quốc tế như thế. Lịch sử có tính lâu dài cũng như các vấn đề nóng của thời cuộc, đời sống đất nước và quốc tế… thì đều góp mặt ở trong cuốn sách này”.
Về bút pháp, một trong những khác biệt so với nhiều cuốn sách khác của nhà báo Hồ Quang Lợi, đó là ông không đơn thuần chỉ dùng văn chính luận, mà viết về con người nên cảm xúc thấm đẫm ở trong từng con chữ, gắn với cảm xúc, tâm hồn của mình… Những thân phận đầy xúc động được cảm nhận trực tiếp giữa con người với con người, giữa trái tim với trái tim, giữa trí tuệ với trí tuệ… đã làm nên một cuốn sách nhiều giá trị.
Điều đặc biệt là, với sự tài tình của ngòi bút, ông không chỉ giúp công chúng nhìn thấy con người ấy cùng “thế giới” xung quanh họ mà còn thấy những thông điệp mà họ gửi gắm. Chẳng hạn như, có những câu chuyện tưởng “bên lề” khi ông viết về nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhưng lại mang nhiều bài học thấm thía mà ông răn dạy người làm báo: “Người làm báo phải khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, vì lợi ích của đất nước, hạnh phúc của Nhân dân. Đó là những nguyên tắc hành nghề, những cam kết thiêng liêng đã được nêu rõ trong 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam mà Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Đó là ngọn lửa trong tim những người làm báo Việt Nam chân chính”.
Hay khi viết về Thiếu tướng Trần Công Mân - nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, người thủ trưởng mà ông coi là Thầy, tác giả có những câu văn khắc họa nhân cách của ông thật đắt giá: “Cái khó nhất của nghề báo là phải biết trước, phải nói trước thiên hạ, nhưng lại phải nói đúng, đầy tinh thần trách nhiệm để định hướng dư luận xã hội. “Có gì mới không?”, trong tôi lại vang lên câu hỏi quen thuộc đó của Tổng Biên tập Trần Công Mân. Cực nhọc, cam go cũng vì cái mới, vinh quang cũng nhờ cái mới! Trong giới hạn mỏng manh, điểm chạm nhạy cảm đó là ẩn chứa những đặc thù của lao động báo chí. Nhìn ở phương diện nào, cả những người viết báo cũng như người quản lý, chỉ đạo báo chí, vị tướng làm báo Trần Công Mân luôn là tấm gương tiêu biểu” (Cuộc dấn thân vì cái Mới và Chân lý)…
Có thể nói rằng, cuốn sách “Người trên đường đời” viết về những con người cụ thể, những con người xưa và nay, đã từng sống cùng, đã gặp và số phận của họ phần nào tác động sâu sắc đến cuộc đời, sự nghiệp, ngòi bút của ông.
“Thực ra tôi cũng chẳng cần chọn lọc gì đâu vì tất cả những gương mặt đó đã ở trong tim tôi, họ đã từng sống, từng làm việc, từng gắn bó với tôi, có người gắn bó vì nghề nghiệp, có người gắn bó vì tình nghĩa. Họ sống trong tâm trí của tôi, lắng đọng trong tim tôi…” - nhà báo Hồ Quang Lợi tâm sự.
Theo hoinhabao.vn
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng thống Cộng hòa Bulgaria Rumen Radev và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Bulgaria tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24 - 28/11/2024. Nhân dịp này hai bên đã ra Tuyên bố chung. Trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung này.