15/12/2023 09:10
Quân ta truy bắt giặc trong chiến trận La Bang 16/12/1948.
Những ai yêu mến những bài ca cách mạng hùng tráng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đều biết đến bài ca Tiểu đoàn 307. Bài hát Tiểu đoàn 307 của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí được phổ nhạc từ bài thơ Cửu Long Giang của nhà thơ Nguyễn Bính, với ca từ chắc nhịp, dễ nhớ, dễ hát:
Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang, Cửu Long Giang sông trào nước xoáy
Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn, tiếng tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy
Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng
Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi…
Bài ca nhắc đến những chiến công vang lừng của Tiểu đoàn 307 trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp như trận Tháp Mười, trận Mộc Hóa, trận La Bang, trong đó trận La Bang diễn ra trên địa bàn tỉnh Trà Vinh vào ngày 15/12/1948, cách nay vừa tròn 75 năm.
Kỷ niệm 75 năm ngày chiến thắng La Bang, chúng ta cùng ôn lại chiến thắng lịch sử này.
Tiểu đoàn 307 được thành lập ngày 01/5/1948 tại vùng căn cứ Đồng Tháp Mười gồm lực lượng của Khu 8 và một bộ phận quan trọng của Trung đoàn 99 Bến Tre hợp thành, với tên "Tiểu đoàn liên quân lưu động". Tiểu đoàn làm lễ xuất quân ngày 05/7/1948 tại căn cứ Giồng Luông, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Sau đó, vì thấy tên gọi "Tiểu đoàn Liên quân lưu động" dài, dễ lộ bí mật, cấp trên cho đơn vị đổi tên thành Tiểu đoàn 307.
Ngay sau lễ xuất quân, tiểu đoàn hành quân về Mỹ Tho và đánh trận đầu tiên, diệt đồn Mộc Hóa (tỉnh Tân An, nay thuộc tỉnh Long An), bắt đầu ngày 16/8/1948, đánh quân tiếp viện ngày 17/8/1948 diệt trên 300 tên địch, thu hơn 300 súng các loại trong đó có ba khẩu cối 60 ly, một số đại liên và trung liên. Trận Mộc Hóa là chiến công đầu của Tiểu đoàn 307, đồng thời là trận đầu tiên vận dụng thành công cách đánh vây đồn diệt viện trên chiến trường Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp.
Tiếp sau Mộc Hóa là một loạt trận đánh vận động phục kích tiêu diệt lớn ở La Bang (Trà Vinh), chùa Ô Môi (Đồng Tháp) và hàng chục trận ở các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Long Châu Hà...
La Bang là một ấp thuộc làng Đôn Châu, quận Trà Cú (nay là huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), hơn 80% dân số là đồng bào Khmer. La Bang có một chùa Khmer lớn - chùa La Bang (Sla Pang). Địch có âm mưu rất thâm độc, bỏ đồn cũ mà lấy chùa làm đồn. Chúng cho rằng Việt Minh không dám đánh đồn, vì tránh đánh vào chùa.
Chùa biến thành đồn, có hàng tre gai, địch đắp thêm ụ, làm thêm hàng rào kiên cố, có một trung đội thân binh đầy đủ vũ trang, đóng giữ hàng ngoài là trung đội bảo an. Chúng cho lực lượng tề ngụy đưa vợ con, thân nhân vào ở trong cứ điểm; chung quanh đồn, chúng bố trí cho đồng bào người Khmer bị chúng cưỡng bức đến trú ngụ, ăn ở để làm hàng rào người. Hàng ngày, chúng cho quân từ đồn này đi tuần tra và cướp bóc ở khu vực lân cận như Long Hiệp (Trà Cú), Long Sơn, Ngũ Lạc (Cầu Ngang), làm cho sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân, hoạt động của cơ sở cách mạng gặp nhiều khó khăn. Để đánh được đồn La Bang, ta gặp nhiều vấn đề trở ngại, trong đó có việc bảo toàn sinh mạng cho đồng bào Khmer đang sinh sống xung quanh đồn. Cần phải nhổ bỏ đồn La Bang, nhưng lực lượng địa phương lại không đủ sức.
Ta chủ trương: Các đồng chí lãnh đạo địa phương (xã, huyện, tỉnh) tiến hành công tác vận động các vị sư ở các chùa xung quanh trở thành những cơ sở bí mật để ta có thể ém quân, giấu vũ khí. Các vị sư giải thích cho đồng bào thấy rõ âm mưu thâm độc của thực dân Pháp, vận động đồng bào phải đoàn kết với đồng bào người Kinh, đồng bào người Hoa. Phân công các đội vũ trang tuyên truyền Khmer đi tuyên truyền ở các phum, sóc, vạch rõ âm mưu thâm độc của thực dân Pháp, gây mâu thuẫn giữa người Khmer và người Kinh, vận động đồng bào ủng hộ chủ trương đánh đồn La Bang, chấp thuận rời nơi ở xung quanh chùa La Bang trở về nơi cũ làm ăn, sinh sống.
Bộ Tư lệnh Quân khu 8 cùng với Tỉnh ủy Trà Vinh họp bàn kế hoạch diệt đồn La Bang, đồng thời đánh địch chi viện (công đồn đả viện). Phương án tác chiến như sau:
Đánh đồn La Bang do Tiểu đoàn 301 thuộc Trung đoàn 111 (Trà Vinh). Tiểu đoàn này có hai Đại đội 991 và 993 từ đội Liên quân Khmer - Việt được phiên chế lại. Đại đội 993 được Quân khu tăng cường cho 1 khẩu đại bác 25 ly.
Đánh viện mặt chính: Đồn La Bang bị đánh, địch sẽ từ Sóc Trăng đưa quân sang cứu viện bằng đường sông vào kênh Láng Sắt, đổ bộ lên cầu sắt, hoặc bến đò Cái Cối lên Ngã Ba, rẽ qua Giồng Lốt vào Tham Đua. Phục kích tại đây có hai đại đội của Trung đoàn 209 (Sa Đéc).
Một mặt trận phục kích khác, đón địch từ Trà Vinh đến chi viện cho đồn La Bang, ta bố trí Tiểu đoàn 307 ở Bến Trại (ấp La Bang, xã Ngũ Lạc).
Dân quân du kích, tự vệ chiến đấu của huyện Trà Cú có nhiệm vụ trinh sát, liên lạc, dẫn đường, tải thương, thu dọn chiến trường,…
Mọi việc in ấn tài liệu tuyên truyền, lo hậu cần, tải thương, chính sách thương binh,… do cấp ủy địa phương chịu trách nhiệm.
Ban Chỉ huy trận đánh gồm: (1) đồng chí Nguyễn Văn Quạn, Phó Tư lệnh Khu 8; (2) đồng chí Đỗ Huy Rừa, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 307; (3) đồng chí Trần Văn Long, Bí thư Huyện ủy Trà Cú.
Đúng 03 giờ ngày 15/12/1948, ta nổ súng tấn công. Lính đồn chống trả quyết liệt, có thương vong cho cả hai bên, nhưng rồi chúng thấy bộ đội Việt Minh có súng lớn, nên hoảng sợ, hiểu rằng nếu cố thủ sẽ bị tiêu diệt. Từ đó, số còn lại bí mật chạy bằng đường tắt qua các sóc về Cầu Ngang.
Thấy binh lính trong đồn bỏ chạy, Đại đội 991 liền chuyển sang truy kích bọn chạy trốn.
Đại đội 993 chủ công, quay ra tước vũ khí, bọn bảo an người Khmer đang lẫn trốn, thu được 18 súng các loại.
Tại mặt trận phục kích ngã ba Tham Đua, sáng ngày 16/12/1948, Pháp cho quân từ Sóc Trăng sang ứng cứu đồn La Bang. 09 giờ sáng, khi quân địch lọt vào trận địa phục kích của ta, quân ta nổ súng dồn dập. Bị đánh bất ngờ, quân địch sợ hải bỏ chạy tán loạn, ta diệt một số, bắt sống viên trung úy Mathieu, thu một số súng. Số còn lại chạy thục mạng về kênh Láng Sắt.
Tại mặt trận phục kích chính ở Bến Trại, ngày 16/12/1948, 01 Đại đội Âu - Phi được lệnh cấp tốc từ Trà Vinh theo lộ 36 Trà Vinh - Cầu Ngang đi ứng cứu La Bang.
Khi chúng lọt vào trận phục kích của ta, Tiểu đoàn 307 liền nổ súng tấn công, diệt gọn cả đại đội, thu nhiều súng, có 1 đại liên; bắt sống hàng chục tên, trong đó có viên Trung úy Stéfatagi bị thương, Đại úy bác sĩ Bastien Claude. Viên Thiếu tá chỉ huy chết tại trận.
Phái ta, Đại đội trưởng Nguyễn Duy Hai cùng một số chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Trận đánh thắng lợi, xã Đôn Châu được giải phóng, tạo điều kiện phát triển cơ sở cách mạng vùng đồng bào Khmer, làm thất bại âm mưu chia rẽ người Khmer và người Kinh của địch.
Ngay sau trận đánh kết thúc, Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh chỉ đạo cho cấp ủy và chính quyền ở các địa phương thuộc địa bàn diễn ra trận đánh khẩn trương giúp dân ổn định đời sống và sản xuất. Tại đồn La Bang, ta san phẳng nền đồn, tổ chức thiết kế, thi công xây dựng lại chùa La Bang sang điểm mới. Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Trà Cú chủ trì công trình xây dựng này, các vị sư Khmer tham gia thiết kế thi công. Ngân sách tỉnh chi cho công trình 10.000 đồng tiền Đông Dương, số còn lại do các đoàn thể và đồng bào địa phương đóng góp. Hội Itxarắc ủng hộ làm nòng cốt trong việc vận động đóng góp… Chiến thắng La Bang có tiếng vang lớn, đã đi vào văn học - nghệ thuật trong kháng chiến.
Trận đánh La Bang là một trong những trận đánh lớn, tiêu biểu của chiến trường miền Tây Nam Bộ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, các lực lượng vũ trang tỉnh Trà Vinh cùng chủ lực Quân khu 8 đã góp phần làm nên chiến thắng, có tác động mạnh mẽ đến phong trào kháng chiến ở Trà Vinh trong năm 1948 và những năm tiếp theo.
Chiến thắng La Bang, là một minh chứng hùng hồn cho sự lớn mạnh của lực lượng kháng chiến Trà Vinh và miền Tây Nam Bộ; đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang miền Tây cả về chiến lược và chiến thuật; là thắng lợi chung về đường lối và phương châm du kích, về khả năng tác chiến chỉ huy chiến thuật đánh địch bằng lối đánh mới kết hợp giữa “công đồn và đả viện”, làm nức lòng quân dân ta, từ đó mở ra hàng loạt chiến công vang dội khác.
Chiến thắng La Bang, là chiến thắng của sự kết hợp chặt chẽ giữa Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và lực lượng vũ trang địa phương với quân chủ lực cấp trên; là chiến thắng của việc sử dụng quân sự kết hợp với công tác tuyên truyền địch vận, dân vận ở nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống.
Chiến thắng La Bang minh chứng cho tinh thần yêu nước của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và các vị sư người Khmer, luôn tin tưởng và ủng hộ lực lượng kháng chiến. Đồng thời, minh chứng cho tình đoàn kết chiến đấu của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh, mặc dù kẻ địch dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc để gây chia chia rẻ.
Chiến thắng La Bang là niềm tự hào của Đảng bộ và quân dân Trà Vinh, khẳng định sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Bộ Tư lệnh Khu 8 và Tỉnh ủy Trà Vinh. Chiến thắng trận La Bang, cùng với chiến dịch Cầu Kè, chiến dịch Trà Vinh đã đi vào lịch sử hào hùng của tỉnh Đảng bộ, Nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Trà Vinh thời kỳ 09 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thể hiện sự tiếp nối và phát triển nghệ thuật quân sự của cha ông trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tìm hiểu về chiến thắng La Bang là tìm hiểu về lịch sử, để Đảng bộ và Nhân dân Trà Vinh luôn ghi nhớ công lao, sự nghiệp và tấm gương hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và mọi người dân tích cực tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa, “quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công, nhất là người ở vùng sâu, vùng xa, người gặp khó khăn trong cuộc sống,... ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe, nhà ở, giáo dục - đào tạo, việc làm, sản xuất và tạo thuận lợi cho người có công và thân nhân tiếp cận các dịch vụ xã hội. Bảo đảm người có công và gia đình người có công phải có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú”, như Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 (khóa XIII) đề ra, xem đây là bổn phận và trách nhiệm thường xuyên. Đối với các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau phải tiếp tục giữ gìn truyền thống cách mạng hào hùng của các thế hệ cha, anh đi trước, học tập những tấm gương yêu nước, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và phát triển tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh theo mục tiêu xây dựng Trà Vinh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025, là tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030. |
TRẦN BÌNH TRỌNG
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.