12/07/2024 14:57
Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị Geneva về Đông Dương, ngày 8/5/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
- Ngày 4/8: Liên Xô gửi công hàm cho các nước lớn gợi ý triệu tập một hội nghị gồm 5 nước: Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ để nghiên cứu các biện pháp giảm căng thẳng ở Đông Dương.
- Ngày 20/11: Thực hiện Kế hoạch Navarre, Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ để giữ Tây Bắc và bảo vệ Lào.
- Ngày 26/11: Trả lời phỏng vấn báo Expressen (Thụy Điển), Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố hoan nghênh thương lượng hòa bình giải quyết cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
- Ngày 06/12: Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối Kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
NĂM 1954
- Ngày 03/4: Hội đàm cấp cao Liên Xô (Khrushchev), Trung Quốc (Chu Ân Lai) và Việt Nam (Phạm Văn Đồng) tại Moscow để chuẩn bị cho Hội nghị Geneva; lập trường của Liên Xô, Trung Quốc thiên về giải pháp hòa bình trên cơ sở chia cắt Việt Nam.
- Ngày 03/5: Liên Xô truyền đạt lời mời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) tham dự Hội nghị Geneva về Đông Dương.
- Ngày 04/5: Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam DCCH tham dự Hội nghị Geneva về Đông Dương do Phó Thủ tướng kiêm Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn đến Geneva.
- Ngày 07/5: Tập đoàn cứ điểm của Pháp ở Điện Biên Phủ đầu hàng.
Chiều 07/5/1954, lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. (Ảnh: TTXVN)
- Ngày 08/5: Hội nghị Geneva về Đông Dương khai mạc với sự tham dự của đại diện 9 bên: Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam DCCH, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia. Đại diện Pathét Lào và Khmer Issarak có mặt tại Geneva nhưng không được tham dự Hội nghị.
- Ngày 10/5: Tại phiên họp toàn thể thứ hai, Trưởng đoàn Việt Nam DCCH Phạm Văn Đồng trình bày 8 điểm về một giải pháp toàn diện cho vấn đề Đông Dương.
- Ngày 14/5: Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố “nhân dân Việt Nam vẫn chủ trương giải quyết vấn đề Việt Nam bằng cách hòa bình”.
- Ngày 25/5: Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng đưa ra hai nguyên tắc cho vấn đề đình chiến.
Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Phó Thủ tướng kiêm Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, tại phiên khai mạc Hội nghị Geneva về Đông Dương, sáng 8/5/1954, với tư thế của một dân tộc chiến thắng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
- Ngày 02/6: Pháp cầu cứu Mỹ can thiệp vào Đông Dương.
- Ngày 03/6: Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng cuộc chiến tranh ở Đông Dương đã vượt qua thời điểm có thể đảo ngược.
- Ngày 10/6: Hai đoàn đại biểu quân sự Việt Nam DCCH và Pháp họp bí mật ở Geneva. Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đưa ra các đề nghị về đường phân giới tạm thời và việc tập kết quân đội hai bên.
- Ngày 18/6: Pháp chấp nhận Bảo Đại cử Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam thay Bửu Lộc.
- Từ ngày 20/6 đến ngày 10/7: Các trưởng đoàn về nước, Hội nghị tiếp tục họp hẹp song song với Hội nghị quân sự về Việt Nam, Lào (từ ngày 24/6 và Campuchia từ ngày 7/7).
- Ngày 23/6: Ông Chu Ân Lai gặp ông Phạm Văn Đồng, khuyên Việt Nam không nên gây khó khăn trong việc xác định giới tuyến phân vùng.
- Ngày 24/6: Thủ tướng Pháp Mendes France chỉ thị cho Đoàn ở Geneva; định giới tuyến ở Việt Nam càng lùi về phía Bắc càng tốt, trì hoãn tối đa thời hạn tổng tuyển cử, kéo dài thời gian quân Pháp rút khỏi miền Bắc Việt Nam.
Hội nghị Geneva về Đông Dương đã trải qua 75 ngày thương lượng căng thẳng với 31 phiên họp. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
- Từ ngày 24/6 đến ngày 29/6: Thủ tướng Anh Churchill và Bộ trưởng Ngoại giao A. Eden thăm Mỹ. Mỹ đồng ý giải pháp chia cắt Việt Nam nhưng với điều kiện Anh và Pháp phải chấp nhận yêu cầu Bảy điểm của Mỹ.
- Ngày 25/6: Ông J. Chauvel trao ông Phạm Văn Đồng đề nghị mới của Pháp: từ bỏ kế hoạch “da báo” và thông qua giải pháp phân định giới tuyến, mang tính tạm thời, tại vĩ tuyến 18.
- Ngày 26/6: Ông Tạ Quang Bửu gặp ông Delteil trách Pháp không cử người gặp Việt Nam DCCH như Pháp đã gặp Trung Quốc, sau đó nêu vĩ tuyến 13 về phân giới.
- Từ ngày 3/7 đến ngày 5/7: Chủ tịch Hồ Chí Minh hội kiến với Thủ tướng Chu Ân Lai tại Liễu Châu (Trung Quốc) bàn về vấn đề phân vùng giới tuyến, thời hạn tổng tuyển cử và tương lai chính trị của Lào và Campuchia.
- Ngày 4/7: Hội nghị quân sự Trung Giã khai mạc. Đoàn Việt Nam DCCH do Thiếu tướng Văn Tiến Dũng làm Trưởng đoàn, phía Pháp do Đại tá Lennuyeux làm Trưởng đoàn.
Ngày 20/7/1954, Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
- Ngày 21/7: Hiệp định Geneva về Đông Dương được ký kết, nhưng để giúp Thủ tướng Pháp Mendes France giữ đúng lời hứa, tất cả các văn bản được ký kết đều ghi ngày 20/7/1954.
- Ngày 22/7: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Geneva thành công”, nhấn mạnh: “Hội nghị Geneva đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to… ta đã thu được thắng lợi lớn… Từ nay, chúng ta phải ra sức đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc…”.
- Ngày 25/7: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ toàn quốc, khẳng định: “Đạt được Hiệp định nói trên là một thắng lợi vĩ đại của nhân dân và quân đội ta… cũng là thắng lợi của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, của nhân dân các nước bạn… của nhân dân Pháp… là thất bại của chủ nghĩa thực dân xâm lược… thất bại của đế quốc Mỹ…”.
Theo nhandan.vn
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng thống Cộng hòa Bulgaria Rumen Radev và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Bulgaria tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24 - 28/11/2024. Nhân dịp này hai bên đã ra Tuyên bố chung. Trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung này.