23/01/2023 16:27
Một góc đô thị Tiểu Cần.
Huyện Tiểu Cần nằm phía Tây của tỉnh Trà Vinh, cách trung tâm tỉnh lỵ 24km theo Quốc lộ 60 thuộc tả ngạn Sông Hậu, có tổng diện tích tự nhiên 227,2km², dân số 108.808 người (đồng bào Khmer chiếm hơn 30% dân số toàn huyện). Huyện Tiểu Cần có 11 đơn vị hành chính gồm 02 thị trấn và 09 xã. Phía Bắc giáp huyện Càng Long; phía Nam giáp huyện Trà Cú và Sông Hậu; phía Đông giáp huyện Châu Thành; phía Tây giáp huyện Cầu Kè và Sông Hậu.
Tháng 8/2017, Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành Nghị quyết số 15/NQ-TU về xây dựng thị trấn Tiểu Cần đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2020, định hướng phát triển huyện Tiểu Cần thành thị xã trực thuộc tỉnh sau năm 2020, khẳng định vai trò trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của thị trấn Tiểu Cần đối với huyện Tiểu Cần, đồng thời đề ra phương hướng đầu tư xây dựng phát triển Tiểu Cần trở thành đô thị loại IV, hướng tới xây dựng huyện Tiểu Cần trở thành thị xã trực thuộc tỉnh.
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo đưa Tiểu Cần phát triển trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 07 về xây dựng huyện Tiểu Cần đạt chuẩn đô thị loại IV và trở thành thị xã trực thuộc tỉnh năm 2025, là đầu mối liên vùng phía Tây - Tây Bắc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo bền vững, vừa cải tạo, vừa nâng cấp chỉnh trang đô thị; có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, cân đối đồng bộ giữa các khu vực. Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa khu vực nội thị với ngoại thị; giữa phát triển đô thị với XDNTM nâng cao, kiểu mẫu, NTM trong quá trình đô thị hóa; định hướng phát triển thành đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, tỉnh đang quyết tâm hoàn thành Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tạo cơ sở pháp lý tiền đề để thực hiện phát triển đô thị và nâng cấp hành chính đô thị cho huyện Tiểu Cần thành thị xã trực thuộc tỉnh.
Cuối năm 2018, huyện Tiểu Cần là đơn vị hành chính đầu tiên của tỉnh Trà Vinh được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới tại Quyết định số 312/QĐ-TTg, ngày 22/3/2019. Huyện có 02 thị trấn: thị trấn Tiểu Cần và thị trấn Cầu Quan. Trong đó, thị trấn Tiểu Cần đã được lập quy hoạch chung đô thị với quy mô là 4.196,94ha được UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt theo Quyết định số 2691/QĐ-UBND, ngày 26/12/2019 và được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV theo Quyết định số 1298/QĐ-BXD, ngày 02/10/2020.
Về kinh tế, phát triển công nghiệp sản xuất may mặc với hàng chục ngàn công nhân; thương mại dịch vụ được đầu tư tại khu vực trung tâm như: siêu thị, điện máy, hợp tác xã… tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 03 năm gần nhất đạt trên 08%. Về hạ tầng xã hội, huyện đã đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa khu vực với quy mô 270 giường; xây dựng hệ thống trường học khang trang, đặc biệt là Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Tiểu Cần, nơi tập trung học tập, sinh hoạt của con em đồng bào Khmer khu vực cụm phía Tây; xây mới Trung tâm Văn hóa Thể dục thể thao cấp huyện. Về hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông đối ngoại được nâng cấp như Quốc lộ 54 và Quốc lộ 60, đặc biệt tuyến tránh Quốc lộ 60 được xây dựng rộng 36m, từ đó thúc đẩy các hoạt động thương mại dịch vụ, văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú.
Tuyến đường tránh Quốc lộ 60, đoạn qua thị trấn Tiểu Cần.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần cho biết: thời gian qua, địa phương đã đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng khung đô thị (mở rộng Quốc lộ 60 từ cầu Bà Lãnh đến ngã tư Phú Cần); công trình hạ tầng xã hội (nâng cấp cải tạo Bệnh viện Đa khoa Tiểu Cần quy mô 270 giường, Cụm Công nghiệp Phú Cần…) và công trình hạ tầng kỹ thuật: xây dựng đường nhựa được 67,53km, tổng kinh phí 336,147 tỷ đồng; đường bê-tông, đường đal 16,069km, kinh phí 20,482 tỷ đồng; duy tu sửa chữa 44,5km đường đal, kinh phí 12,484 tỷ đồng; sửa chữa 20 cây cầu nông thôn tổng chiều dài 387m, kinh phí 3,653 tỷ đồng. Các công trình trên, Nhân dân hiến đất xây dựng với diện tích 419.638m², tương đương 23,055 tỷ đồng, có 25 tuyến đường trục xã, liên xã dài 90,9km được nhựa hóa, 61 tuyến đường trục ấp, liên ấp dài 142,67km, 55 tuyến đường trục chính nội đồng dài 120,8km, trong đó có 90,73km được nhựa hóa, nạo vét 116 tuyến kênh cấp II, dài 173,440km, khối lượng 1.580.435,8m³. Thực hiện nạo vét 573 tuyến kênh cấp III phục vụ sản xuất, dài 418,346km, khối lượng 1.175.919,99m³…
Đến nay, Tiểu Cần đạt 03/05 tiêu chí (45/63 tiêu chuẩn) đô thị loại IV theo quy định tại Điều 7 của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đạt 04/05 tiêu chuẩn của đơn vị hành chính thị xã thuộc tỉnh, theo Điều 5, Nghị quyết số 1211/2016/ UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hùng, để đạt mục tiêu xây dựng huyện Tiểu Cần đạt tiêu chí đô thị loại IV và trở thành thị xã trực thuộc tỉnh trước năm 2025, Đảng bộ và Nhân dân huyện Tiểu Cần tập trung quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng huyện Tiểu Cần đạt chuẩn đô thị loại IV và trở thành thị xã trực thuộc tỉnh năm 2025; tăng cường công tác tuyên truyền trong nội bộ và Nhân dân nhằm tạo đồng thuận cao. Tập trung thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu ngành nghề, gắn với đổi mới mô hình sản xuất.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý, xây dựng cảnh quan đô thị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết khu vực nội thị, hoàn thành quy chế quy hoạch kiến trúc đô thị, quy hoạch các khu dân cư mới dọc các trục đường chính mở rộng.
Sau khi huyện Tiểu Cần trở thành thị xã phải đảm bảo quy định tiêu chuẩn về xã, phường tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Xác định rõ vùng chủ đạo về phát triển nông nghiệp, vùng đột phá về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Quy hoạch, nâng cấp mạng lưới cơ sở giáo dục đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, tập trung xây dựng nâng chất trường đạt chuẩn quốc gia và đạt tiêu chí về cơ sở giáo dục. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế, giáo dục đáp ứng số lượng và chất lượng, nhất là đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý có trình độ chuyên môn cao.
Thực hiện tốt chương trình quốc gia về y tế; thường xuyên tuyên truyền, phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chỉ tiêu giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt chính sách đối với người có công, chính sách dân tộc tôn giáo.
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.