11/06/2023 20:34
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Tham dự Diễn đàn có ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn; Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường; Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT); Lãnh đạo các tỉnh khu vực ĐBSCL; đại biểu đại diện các Bộ, ngành, ngân hàng và đông đảo các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.
Phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng ĐBSCL
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết, ĐBSCL là khu vực có vị thế hết sức quan trọng và có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế toàn diện. Chính vì vậy, quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 của khu vực là mức tăng trưởng bình quân phải đạt khoảng 6,5 - 7% /năm. Đây là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới nhằm khai thác và phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nhanh và bền vững của các địa phương trong Vùng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, để thực hiện mục tiêu trên, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật là điều kiện thiết yếu và cấp bách. Trong đó, việc củng cố, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật góp phần kích thích đầu tư, tạo thuận lợi cho việc xây dựng, mở rộng các đô thị, khu công nghiệp.
Từ đó thúc đẩy thị trường phát triển, làm gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế, tạo động lực cho quá trình phân bố lại dân cư, lao động.
Thực tế, những năm gần đây, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng ĐBSCL được quan tâm, đẩy mạnh, đã đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, hạ tầng kỹ thuật Vùng ĐBSCL vẫn chưa đạt được yêu cầu phát triển như mong muốn và nhìn chung vẫn còn là một điểm nghẽn cho sự phát triển của toàn Vùng.
Cụ thể, tỷ lệ đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông nội vùng và liên vùng theo quy hoạch còn thấp; tỷ lệ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa của Vùng vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình toàn quốc; tình hình BĐKH đang diễn ra ngày càng phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán diễn ra ngày một thường xuyên, kéo theo tình trạng nhiễm mặn, sụt lún nền đất... gây ảnh hưởng ngày một lớn, tác động tiêu cực đến đến cuộc sống người dân.
Do đó, nhận thức đúng vai trò, vị trí của Vùng ĐBSCL trong yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, cũng như vai trò quan trọng của phát triển kết cấu hạ tầng cũng như ảnh hưởng do tồn tại, hạn chế của hệ thống kết cấu này đối với sự phát triển của Vùng, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo, định hướng về chiến lược vĩ mô, các chủ trương, chính sách trọng tâm cho phát triển ĐBSCL.
Cụ thể, Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 78/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng; Quyết định số 287/QĐ-TTg, ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Diễn đàn Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng - phát triển kinh tế Vùng ĐBSCL do Báo Xây dựng tổ chức ngày hôm nay kỳ vọng sẽ là cơ hội nhằm tập hợp những phân tích, báo cáo, nhận định chuyên sâu, đa chiều, đánh giá khách quan về toàn cảnh bức tranh tình hình phát triển hạ tầng kỹ thuật và kinh tế khu vực ĐBSCL; nêu lên thực trạng, những thách thức cũng như cơ hội khu vực này để góp phần tìm ra giải pháp, tạo động lực phát triển bền vững kinh tế vùng và kết nối giữa khu vực với toàn bộ các tỉnh phía Nam”- Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.
Đồng thời, Thứ trưởng khẳng định, các ý kiến trao đổi, thảo luận, tham luận tại Diễn đàn ngày hôm nay sẽ góp phần quan trọng để Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách cho phát triển Vùng ĐBSCL cũng như cải thiện và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách Vùng hiện có trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại Diễn đàn
Cũng tại Diễn đàn, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, Vùng ĐBSCL chiếm 12,8% diện tích cả nước, dân số chiếm 18% cả nước, sản lượng lúa chiếm trên 50% cả nước, GDP chiếm khoảng 12% cả nước.
Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Vùng ĐBSCL có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển nhanh và bền vững phù hợp với vai trò, vị trí chiến lược của vùng; trở thành vùng phát triển hiện đại, sinh thái, văn minh và bền vững là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước”.
Từ mục tiêu, quan điểm nêu trên đã được Nghị quyết số 78/NQ-CP, ngày 18/6/2022 của Chính phủ, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp; mỗi Đảng bộ, Chính quyền từng địa phương trong Vùng đều ban hành Kế hoạch/Chương trình hành động thực hiện các nội dung Trung ương, Chính phủ đã giao.
Cụ thể, thành phố Cần Thơ đặt các mục tiêu đến năm 2030: Tăng trưởng GRDP đạt mức 7 - 7,5%/năm giai đoạn 2025 - 2030. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9 - 11,5%/năm. Phấn đấu tổng thu ngân sách hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu dự toán Trung ương giao. Tốc độ đổi mới công nghệ máy móc, thiết bị đạt trên 15%/năm. Đến năm 2030, GRDP/người đạt 9.400 - 11.000USD. Cơ cấu kinh tế: dịch vụ chiếm 56,5 - 56,7%, công nghiệp và xây dựng chiếm 34,0 - 34,3%...
Tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á. Để thực hiện được mục tiêu, ưu tiên hàng đầu là phối hợp các cơ quan Trung ương đầu tư xây dựng hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối vùng, qua địa bàn TP Cần Thơ như: cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (hoàn thành đưa vào khai thác năm 2023); cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau (triển khai đầu tư giai đoạn 2022 - 2025); cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (triển khai đầu tư giai đoạn 2022 - 2027)...
Đồng thời, hoàn thành và triển khai hiệu quả Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp, phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng ĐBSCL với vai trò trung tâm vùng. Xây dựng cơ sở dữ liệu về Quy hoạch phát triển đô thị của thành phố Cần Thơ để cập nhật vào hệ thống dữ liệu quốc gia; ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý và công nghệ số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ để thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển ĐBSCL cần có sự quan tâm, phối hợp của các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Xây dựng; Bộ KH&ĐT...
“Việc tìm ra những giải pháp khả thi, tạo động lực phát triển bền vững cho thành phố Cần Thơ nói riêng và cả vùng ĐBSCL nói chung, kết nối khu vực với các tỉnh phía Nam luôn là một đòi hỏi cần thiết và cấp bách, cần có sự hỗ trợ của Trung ương và sự phối hợp hỗ trợ của các địa phương. Qua Diễn đàn ý nghĩa này, sẽ có nhiều thông tin bổ ích về phân tích, dự báo, nhận định đa chiều, đánh giá khách quan toàn diện về toàn cảnh bức tranh kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, để từ đó có những giải pháp thiết thực, phù hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai” - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chia sẻ.
Tập trung đầu tư hạ tầng, hoàn thiện liên kết Vùng
Tại Diễn đàn dưới sự điều phối của TS Võ Trí Thành, các đại biểu, chuyên gia tập trung chia sẻ, thảo luận các nội dung chính: Thực trạng phát triển hạ tầng, kỹ thuật và kinh tế Vùng ĐBSCL; ĐBSCL tiềm năng, cơ hội; Thách thức phát triển; Động lực mới phát triển kinh tế ĐBSCL.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Kinh tế Quốc hội.
Nêu quan điểm tại Diễn đàn, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, Quốc hội đã có Nghị quyết 45 cho khu vực ĐBSCL. Do đó, việc nâng cao hiệu quả và kết nối vùng rất cần sự chia sẻ của các địa phương trong Vùng.
Ông Hiếu nhìn nhận, hiện nay nhiều tỉnh chưa xong quy hoạch tỉnh, đây cũng là cơ hội để các tỉnh ngồi lại và chia sẻ chi tiết quy hoạch để kết nối xây dựng Quy hoạch vùng và có cam kết theo trục để cùng phối hợp chi tiết hóa. Vì vậy, cần có sự kết hợp để huy động sự kết hợp thúc đẩy triển khai nhanh cơ chế đặc thù, hỗ trợ ngân sách của các địa phương để phát triển hạ tầng.
Tham luận về các giải pháp phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị Vùng ĐBSCL tại Diễn đàn, ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội Vùng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế năng động và hiệu quả trong cả nước.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, mặc dù đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực, nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật Vùng ĐBSCL nói chung còn yếu, thiếu đồng bộ và thiếu tính liên kết. Các dự án công trình đầu mối hạ tầng khung của vùng chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến hiệu quả tính liên kết vùng chưa đáp ứng được yêu cầu...
Do đó, để phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị Vùng ĐBSCL hiệu quả hơn, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Quang cảnh Diễn đàn.
Các bộ, ngành và địa phương cần tổ chức quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trong Vùng ĐBSCL, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong đó, chú ý nâng cao chất lượng nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm tính đồng bộ chung của hệ thống hạ tầng vùng, liên vùng và hạ tầng các đô thị…
Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật Tạ Quang Vinh nhấn mạnh: việc phát triển nền kinh tế khu vực ĐBSCL phù hợp với mục tiêu kinh tế, chính trị xã hội, an ninh quốc phòng đã được đề ra tại Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP, ngày 18/6/2022 của Chính phủ là những nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng rất quan trọng và cần thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt giữa các cơ quan trung ương, Bộ, ngành và địa phương.
Để thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị nói chung và hạ tầng kỹ thuật đô thị Vùng ĐBSCL nói riêng thì cần sự chung tay của toàn hệ thống, trong đó đặc biệt là cấp chính quyền địa phương,
Còn PGS.TS Trần Đình Thiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế trung ương nhìn nhận: Để phát triển bền vững, Vùng ĐBSCL cần những năng lực tư duy mới, cách tiếp cận phát triển mới cần tăng cường năng lực chống chịu nguồn lực để bảo vệ đất nước và an toàn cuộc sống.
Trong đó, ưu tiên bậc nhất: Để giữ đất, giữ nước và để “thuận thiên”. Nguồn lực tiếp tục nuôi dưỡng cấu trúc kinh tế xã hội hiện có, để tiếp tục tiến lên. Đặc biệt, xây dựng hạ tầng tính đến bảo tồn để ĐBSCL phát triển bền vững, xứng tầm. Từ đó, hình thành các hành lang kinh tế và chuỗi đô thị động lực...
Chia sẻ tại Diễn đàn về các dự án phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Phạm Hoàng Mai - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại (Bộ KK&ĐT) cho biết, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT cùng 13 địa phương xây dựng 16 đề xuất dự án, với tổng đầu tư 85.140 tỷ đồng. Trong đó, 26.134 tỷ đồng là vốn đối ứng; 59.006 tỷ đồng là vốn vay nước ngoài.
Mục tiêu của các dự án này nhằm tăng cường hệ thống giao thông kết nối các địa phương; xây dựng hoàn thiện hệ thống đường ven biển; nâng cao khả năng quản lý nguồn nước, chống chịu và ứng phó biến đổi khí hậu; thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển Vùng. Tất cả nhằm mục đích nâng cao, ứng phó biến đổi khí hậu.
Ông Phan Hoàng Phương, Đại diện Viện Chiến lược Giao thông Vận tải đánh giá, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Vùng ĐBSCL đã và đang được quan tâm tập trung đầu tư trong giai đoạn vừa qua. Hệ thống kết nối nội Vùng và liên Vùng trên cơ sở các tuyến cao tốc, Quốc lộ mới đang dần được hoàn chỉnh.
Chính vì vậy, việc huy động nguồn lực để triển khai quy hoạch cần được chú ý trong thời gian tới, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Vùng ĐBSCL theo đúng quy hoạch đã đề ra, tập trung cho các dự án ưu tiên. Việc phát triển theo đúng quy hoạch sẽ đảm bảo lợi ích đóng góp tối ưu của kết cấu hạ tầng giao thông đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Theo dangcongsan.vn
Chiều 29/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lễ ra mắt Nền tảng Sách, báo điện tử thiết yếu phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo về thông tin, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025.