31/10/2024 09:51
Bài viết của nhà nghiên cứu Uch Leang đăng trên trang thông tin điện tử Domrey, ngày 20/6.
Theo tác giả Uch Leang, Campuchia và Việt Nam là hai quốc gia có vị trí địa lý gần gũi trên bán đảo Đông Dương, có mối quan hệ gắn bó, luôn chia sẻ, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Từ khi thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương đến nay, hai nước luôn giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn, thử thách. Nổi bật nhất là Campuchia đã giúp Việt Nam trong đấu tranh chống đế quốc xâm lược, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975 và Việt Nam ủng hộ, giúp Campuchia đấu tranh, lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot ngày 07/01/1979, cứu nhân dân đất nước Chùa Tháp thoát khỏi họa diệt vong.
Vượt qua những thăng trầm lịch sử, quan hệ giữa Campuchia và Việt Nam phát triển vững chắc trên mọi phương diện và trở thành tài sản chung vô giá của hai dân tộc trên tinh thần “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.
Hiện nay, hai nước tiếp tục tăng cường trao đổi các chuyến thăm giữa lãnh đạo cấp cao. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước.
Thời gian qua, lãnh đạo các cấp cũng như chính quyền địa phương và doanh nghiệp hai nước đã tích cực phối hợp, triển khai các thỏa thuận hợp tác song phương. Kết quả đạt được trên mọi lĩnh vực đã góp phần quan trọng vào việc duy trì ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh ở mỗi nước.
“Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp đó đã góp phần nâng cao uy tín của Đảng, Nhà nước của cả hai đất nước Campuchia và Việt Nam, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới”, học giả Uch Leang khẳng định.
Bài viết điểm lại một số cột mốc đáng ghi nhận trong hợp tác giữa hai nước. Cụ thể, về thương mại, năm 2021, bất chấp tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kim ngạch thương mại song phương vẫn đạt gần 10 tỷ USD; năm 2022 đạt 10,47 tỷ USD và năm 2023 giảm nhẹ xuống còn 8,57 tỷ USD do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm trên toàn cầu.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại quốc tế lớn thứ ba của Campuchia (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Campuchia (sau Hoa Kỳ). Cuối năm 2023, các nhà lãnh đạo Campuchia và Việt Nam nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỷ USD trong tương lai.
Về đầu tư, Việt Nam đến nay đã đầu tư 205 dự án vào Campuchia với tổng vốn đăng ký 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và là một trong 5 nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào Campuchia. Đặc biệt, Campuchia đứng thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài.
Hoạt động đầu tư của Việt Nam hiện có mặt tại 18/25 tỉnh, thành phố của Campuchia, tập trung vào các lĩnh vực chủ chốt, như: nông nghiệp, viễn thông, ngân hàng, dịch vụ tài chính, công nghiệp chế biến và chế biến thực phẩm, khai khoáng, hàng không và du lịch.
Những điều này đã góp phần tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và tạo việc làm cho một lượng lớn lao động Campuchia. Hai nước thường xuyên tổ chức các sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư song phương, như Diễn đàn doanh nghiệp Campuchia-Việt Nam, Hội nghị xúc tiến đầu tư Campuchia - Việt Nam, Triển lãm du lịch và mở cửa các khu kinh tế biên giới để hợp tác đầu tư giữa hai nước ngày càng sâu sắc hơn và hiệu quả hơn.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam đã hỗ trợ Campuchia đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học công nghệ hiện đại về nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Hai bên phối hợp chặt chẽ trong công tác cách ly kiểm dịch động vật, thực vật; bảo vệ rừng và đấu tranh chống khai thác, vận chuyển trái phép gỗ và động vật hoang dã qua khu vực biên giới hai nước, góp phần quản lý rừng và đa dạng sinh học bền vững.
Về khía cạnh du lịch, lượng khách du lịch Campuchia đứng thứ 15 trong tổng số khách quốc tế đến thăm Việt Nam. Khách Việt Nam tới Campuchia trung bình đạt khoảng 900.000 lượt người/năm, chỉ đứng sau Trung Quốc. Năm 2023, Việt Nam là một trong hai quốc gia có lượng khách du lịch đến Campuchia lớn nhất, đạt hơn 01 triệu người, sau Thái Lan; trong khi lượng khách du lịch Campuchia đến Việt Nam tăng lên hơn 400.000 người.
Hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, được coi là điểm chiến lược quan trọng. Hằng năm, hai nước thường xuyên cấp học bổng đào tạo dài hạn và ngắn hạn cho sinh viên. Campuchia cấp học bổng cho 35 sinh viên Việt Nam mỗi năm, trong đó có 15 học bổng đại học và sau đại học, 20 học bổng đào tạo ngôn ngữ và văn hóa Khmer.
Trong khi đó, Việt Nam cấp học bổng cho hàng trăm sinh viên Campuchia mỗi năm, bao gồm 100 học bổng đại học, 20 học bổng sau đại học và nhiều học bổng thông qua các hình thức hợp tác khác nhau. Ngoài ra, hai bên tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động đào tạo nghề.
Học giả Uch Leang cho rằng, bên cạnh hợp tác song phương, hai nước Campuchia và Việt Nam cũng luôn tổ chức tham vấn chính trị, chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Diễn đàn hợp tác Á - Âu, Liên hợp quốc và Cơ chế hợp tác ba bên Campuchia - Lào - Việt Nam, hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng... nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển.
“Sau 57 năm chính thức thiết lập, quan hệ ngoại giao giữa hai nước Campuchia và Việt Nam đã đạt đến tầm cao mới, sâu sắc và nhất quán trên mọi lĩnh vực. Mối quan hệ tốt đẹp đó đã trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc. Hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đạt được Tầm nhìn Campuchia trở thành nước phát triển vào năm 2050 và Tầm nhìn Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045”, Quyền Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á - Phi và Trung Đông, Viện Quan hệ quốc tế Campuchia thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia khẳng định.
Theo nhandan.vn
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.