24/06/2023 19:43
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo kết thúc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, sau 23 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 22/5-10/6, đợt 2 từ ngày 19-24/6), với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Quốc hội đã thông qua 8 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác; giám sát tối cao chuyên đề "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng"; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước; xem xét các báo cáo về kiến nghị của cử tri và giải quyết các kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác.
Các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sửa đổi nhằm hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, tạo động lực cho cạnh tranh và phát triển sáng tạo của doanh nghiệp, hỗ trợ, khuyến khích hoạt động của các tổ chức xã hội, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Luật Đấu thầu được sửa đổi để kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước; hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu.
Luật Giá được sửa đổi nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới; khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn với các luật chuyên ngành; hạn chế sự phân tán, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá, góp phần tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
Luật Giao dịch điện tử được sửa đổi nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, bảo đảm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Luật Hợp tác xã được sửa đổi nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên.
Luật Phòng thủ dân sự được ban hành nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân được ban hành nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Công an nhân dân hiện hành; bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động.
Bên cạnh đó, Quốc hội còn xem xét và ban hành 03 nghị quyết: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Tại kỳ họp này, các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến là: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở
Quyết định các vấn đề quan trọng
Quốc hội đã xem xét, quyết định việc miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Phú Cường; phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Trần Hồng Hà; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khóa XV đối với ông Lê Quang Mạnh; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Đặng Quốc Khánh; phê chuẩn đề nghị việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao. Công tác nhân sự được thực hiện thận trọng, kịp thời, bảo đảm thủ tục đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về phân bổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021; xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận.
Sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau khi xem xét các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023, Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, các cân đối lớn được bảo đảm, thương mại, dịch vụ có xu hướng tăng; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và đời sống người dân được quan tâm; lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh cơ bản được bảo đảm; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng và tăng cường; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng...
Quốc hội cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ dẫn đến sự trì trệ trong giải quyết công việc, gây bức xúc trong xã hội.
Quốc hội đã quyết nghị nhiều định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để Chính phủ, các cấp, các ngành tiếp tục quyết liệt triển khai nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ, các cơ quan triển khai thực hiện và có các giải pháp cụ thể, phù hợp, khả khi để giải quyết các tồn tại, hạn chế nhằm hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu theo các nghị quyết của Quốc hội.
Trong thời gian 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn 3 bộ trưởng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về các lĩnh vực: Lao động, thương binh và xã hội, khoa học và công nghệ, giao thông vận tải, dân tộc. Các vấn đề được Quốc hội lựa chọn là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, mong muốn của nhân dân và cử tri.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, có tính xây dựng cao. Các vị đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và phản ảnh sát với diễn biến thực tế, đời sống và nguyện vọng của cử tri và nhân dân với nội dung ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, ít trùng lặp, có đối thoại, tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, sử dụng tối đa hiệu quả thời gian để chất vấn và làm rõ vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm.
Các Bộ trưởng: Lao động-Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đều thể hiện bản lĩnh, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh nhiều vấn đề khó, phức tạp.
Với ý thức trách nhiệm cao, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành khác đã tham gia giải trình nghiêm túc, giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, trong đó, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được chất vấn, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chương trình, chiến lược trong các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và cử tri cả nước. Đây cũng là cơ sở để Quốc hội tiến hành giám sát lại và xem xét lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6.
"Sau khi xem xét báo cáo về kết quả thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về tổ chức thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức", Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan trả lời, giải quyết các kiến nghị tại Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tập trung khắc phục các hạn chế, thực hiện các kiến nghị đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu tại Báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4; khẩn trương rà soát, giải quyết dứt điểm một số kiến nghị cử tri đã kiến nghị nhiều lần, các vấn đề nổi cộm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Theo baochinhphu.vn
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.