20/09/2022 06:11
Cần quy định cụ thể để bảo đảm hiệu quả, minh bạch trong quản lý giá
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc sửa đổi Luật Giá, bổ sung Dự án Luật Giá (sửa đổi) vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022 là cần thiết nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; khắc phục những tồn tại hạn chế sau 9 năm thi hành Luật, nhất là sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành; hạn chế sự phân tán, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá; đáp ứng các yêu cầu về tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) so với Luật hiện hành đã bổ sung 3 chương về nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước; công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Dự thảo Luật cơ bản kế thừa, cụ thể hóa các quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng tại luật hiện hành; sửa đổi, chuẩn hóa các thuật ngữ cho hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm thống nhất trong thực tiễn áp dụng; bỏ quy định về thanh tra chuyên ngành về giá để đảm bảo thực hiện thống nhất theo Luật Thanh tra. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định tại Điều 3 về nguyên tắc áp dụng Luật Giá với các Luật khác có liên quan để đảm bảo nguyên tắc về việc xử lý các chồng chéo khi có các quy định khác nhau giữa các Luật khác ban hành trước và sau khi Luật Giá có hiệu lực thi hành nhằm tăng cường tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật về giá. Đối với các quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng, dự thảo Luật cơ bản được kế thừa như Luật hiện hành.
Về tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, bên cạnh 3 tiêu chí tại Luật 2012 tiếp tục được kế thừa tại Luật sửa đổi đã bổ sung thêm tiêu chí “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội, đời sống người dân, sản xuất kinh doanh;” nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn hiện nay, một số mặt hàng đã được bổ sung tại các Luật chuyên ngành và sẽ được cập nhật tại Luật Giá.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, về phạm vi sửa đổi, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, mặc dù vấn đề quản lý giá được đề cập chủ yếu tại Luật này, song trên thực tế, nhiều đạo luật khác cũng đang quy định một số nội dung về quản lý giá (như lĩnh vực đất đai, y tế, đấu thầu, xây dựng...). Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Ban soạn thảo xác định rõ giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật này; mối quan hệ với các đạo luật liên quan theo hướng không trùng lắp, mâu thuẫn dẫn đến xung đột pháp luật. Việc quản lý giá trong một số lĩnh vực đặc thù như đất đai, y tế… sẽ được điều chỉnh bởi các luật khác như Luật Đất đai, Luật Khám chữa bệnh… Vì vậy, cần dẫn chiếu cụ thể để tạo sự minh bạch, dễ tiếp cận.
Bên cạnh đó, về tính thống nhất của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị xác định rõ nguyên tắc: các luật khác có thể quy định những vấn đề đặc thù, cụ thể thuộc lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến quản lý giá, song cần tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định tại Luật này. Thưởng trực Ủy ban cũng cho rằng, dự thảo Luật chưa bảo đảm tính cụ thể, trong số 72 điều, có đến 13 điều giao Chính phủ, trong đó có nhiều nội dung thuộc phạm vi quy định của Luật.
Các đại biểu cũng nêu rõ, dự thảo Luật chưa bảo đảm tính bao quát; một số nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến hiệu quả, minh bạch trong quản lý giá chưa được quy định rõ, như: Tiêu chí cụ thể về hàng hoá, dịch vụ bình ổn giá; căn cứ xác định danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá; Các vấn đề liên quan đến thẩm quyền, bao gồm thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH… chưa được quy định; Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong các trường hợp kinh doanh trên nền tảng số chưa được đề cập; Chế độ trách nhiệm trong thẩm định giá nhà nước chưa rõ ràng; Công tác hậu kiểm, việc phòng ngừa các sai phạm trong thẩm định giá chưa đầy đủ. Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị bổ sung nhằm tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức thực hiện.
Liên quan đến thẩm quyền Quốc hội, UBTVQH, dự thảo Luật đã được Chính phủ chỉnh sửa theo hướng: thu hẹp các nội dung cần trình Quốc hội so với Luật hiện hành; bỏ quy định về thẩm quyền của UBTVQH (chuyển quyền quyết định điều chỉnh Danh mục hàng hóa bình ổn giá, Danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá cho Chính phủ; hiện hành đang giao UBTVQH điều chỉnh trong trường hợp cần thiết); bổ sung quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong định giá. Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ, tính thuyết phục của việc sửa đổi nhằm đảm bảo hợp lý, minh bạch, ổn định và thống nhất trong quản lý giá.
Đảm bảo quản lý giá chặt chẽ, hiệu quả, vận hành thông suốt nền kinh tế
Tham gia thảo luận về dự án Luật, đa số ý kiến các thành viên UBTVQH nhất trí với đề xuất sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực giá. Các đại biểu đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị công phu, hồ sơ dự án Luật tương đối đầy đủ theo quy định.
Có ý kiến cho rằng, phạm vi sửa đổi của Luật Giá có ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành, liên quan đến nhiều Luật sẽ sửa đổi trong thời gian tới, vì vậy cần nghiên cứu, rà soát kỹ để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Các thành viên UBTVQH cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định về quản lý nhà nước về giá, hạn chế việc phân công quá cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, vì những điều này thuộc thẩm quyền của Chính phủ, theo quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ.
Cho ý kiến về hồ sơ dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, báo cáo tổng kết, đánh giá thi hành Luật Giá và dự thảo Luật có nhiều điểm không khớp, chưa thuyết phục, đồng thời đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát kỹ lưỡng báo cáo tổng kết, đánh giá thi hành Luật Giá, đảm bảo những thay đổi trong dự thảo Luật cải thiện, giải quyết những tồn tại tương ứng đã nêu trong báo cáo tổng kết, tăng tính thuyết phục cho dự án Luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, sửa đổi Luật Giá là một dịp để đánh giá căn cơ về quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá. Trước đây, Bộ Tài chính phụ trách toàn bộ công tác này, bao gồm cả giá điện, giá thuốc, giá năng lượng, giá đất… Hiện nay, Bộ Tài chính chỉ giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá, còn giá cụ thể thì phân cấp cho các Bộ, ban, ngành khác.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là bước tiến quan trọng, thực tế cho thấy việc chuyển đổi này đem đến kết quả tích cực, tuy nhiên cần đánh giá thêm việc chuẩn bị tâm thế và lực lượng để thực hiện công tác điều hành giá ở các Bộ chuyên ngành, nhất là với những Bộ chưa có kinh nghiệm trong công tác này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại đội ngũ thực hiện công tác quản lý nhà nước về giá, từ công tác tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện… từ đó đưa ra các điều chỉnh phù hợp.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc đánh giá phân công, phân cấp về thẩm quyền chưa thấu đáo, từ đó dẫn đến sửa đổi Luật chưa được thuyết phục, vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ điểm này. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, chúng ta đang hướng tới xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, nên nguyên tắc là phải tôn trọng quy luật thị trường, tôn trọng quyền định đoạt về vấn đề giá cả của các tổ chức, cá nhân, chủ thể tham gia thị trường. Sự can thiệp của Nhà nước phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, để tránh xâm phạm quyền lợi của các chủ thể. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc thay đổi phân công, phân cấp, phân quyền phải thực hiện theo nguyên tắc, không tùy tiện, vì vậy cần có đánh giá thực tiễn đầy đủ, đảm bảo các quy định của Luật phù hợp với thực tiễn.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu.
Thảo luận về các hành vi bị cấm trong dự thảo Luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong thực tiễn, việc gửi xin ý kiến của các Bộ chuyên ngành theo nội dung chuyên môn để có thẩm định giá là tương đối khó khăn, thường không trả lời, hoặc trả lời không kịp thời, gây khó khăn cho công tác điều hành, quản lý. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiến nghị bổ sung hành vi “không trả lời, chậm trả lời các kiến nghị đề xuất liên quan đến chuyên ngành của các địa phương” vào các hành vi bị cấm, để tăng cường việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn.
Với quy định về công bố thông tin, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cùng một số đại biểu cho rằng quy định còn chung chung, chưa cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn cho việc áp dụng trong thực tiễn, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét sửa đổi cho cụ thể tường minh hơn, để các cơ quan địa phương dễ dàng triển khai áp dụng, đảm bảo tạo được hiệu quả trong thực tiễn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH đánh giá Chính phủ đã cố gắng chuẩn bị dự án Luật Giá (sửa đổi). Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách được đầu tư, xây dựng kỹ lưỡng, tuy nhiên, để đủ điều kiện trình Quốc hội, cần khẩn trương nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của UBTVQH, lưu ý tập trung vào một số nội dung trọng điểm.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng Luật hiện hành để kế thừa, phát huy những quy định đã áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, đồng thời chỉ rõ những bất cập, hạn chế để hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo việc quản lý giá chặt chẽ, hiệu quả, đảm bảo cơ sở pháp lý trong lĩnh vực giá, vận hành thông suốt nền kinh tế. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát đánh giá kỹ tác động của từng chính sách sửa đổi, bổ sung, đảm bảo hiệu quả, khả thi, không gây khó khăn, vướng mắc, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát các chương, điều khoản trong dự thảo Luật để đảm bảo quản lý, điều hành giá nhất quán theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền quyết định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan chi phối sự hình thành và vận động của giá cả thị trường, đảm bảo việc quản lý điều tiết của Nhà nước về giá để khắc phục hạn chế, tiêu cực của thị trường với biện pháp phù hợp, chủ yếu bằng các biện pháp gián tiếp vĩ mô, phù hợp với các cam kết quốc tế. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến của UBTVQH, khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới.
Theo CTTĐT Quốc hội
Để giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Đỗ Thị Thanh Hương.