30/04/2025 14:16
- Chín Hải hy sinh rồi!(1) - Nói đoạn, ông gọi người chiến sĩ truyền tin nối máy cho ông trực tiếp nói chuyện với chỉ huy các cánh quân ta, ông ra lệnh các cánh quân phải giữ vững trận địa đang làm chủ và sẵn sàng đánh phản kích, làm nồng cốt cho phong trào nổi dậy của Nhân dân, gây sức ép, buộc Tỉnh trưởng Vĩnh Bình ra lệnh cho binh sĩ hạ vũ khí, đầu hàng quân giải phóng.
Ông Nguyễn Trường Thọ cũng tức thời nối máy với ông Võ Văn Triệu (Hai Tiến), Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy khởi nghĩa, ra lệnh:
- Quân ta đã chiếm gần hết thị xã, đồng chí cho lực lượng nổi dậy lập tức xuống đường sát cánh cùng lực lượng vũ trang các hướng, vây chặt dinh Tỉnh trưởng, buộc Tỉnh trưởng đầu hàng, tránh đổ máu cho binh sĩ.
Tiếng “Tôi nghe rõ rồi anh năm” gọn gàng cất lên trong ống nghe máy PRC25 từ phía người bên kia đầu máy.
Khoảng hơn 9 giờ sáng, tại khuôn viên chùa Kompong Ksan (chùa Mới), đường Tri Tân (nay là Phường 6, thành phố Trà Vinh), nơi được chọn để đặt bộ phận Ban Chỉ huy khởi nghĩa, dưới sự tổ chức, chỉ đạo của các Ủy viên Ban Chỉ huy TCKTKN: Ông Trần Văn Tư (Tư Tranh, Tỉnh ủy viên), bà Võ Thị Đào (Ba Đào, Tỉnh ủy viên - Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng tỉnh), ông Thạch Nhân (Tư Nhân, Tỉnh ủy viên - Phó Trưởng Ban An ninh tỉnh), ông Thạch Minh Mẫn (Ba Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy), đã có hàng trăm đồng bào Khmer, Kinh và rất nhiều vị chư tăng ở các chùa, được lệnh của Ban Chỉ huy khởi nghĩa tập trung về đây, đang sẵn sàng đợi lệnh chỉ huy, xuống đường hô hào đồng bào nổi dậy.
Phong trào “ba mũi giáp công” (quân sự, chính trị, binh vận) đã được Ban chỉ đạo thiết lập chặt chẽ, khoa học trong chiến dịch TCKTKN giải phóng thị xã Trà Vinh ngày 30/4/1975.
Trong lúc mặt trận toàn thị xã đang sôi động, khoảng 9 giờ 45 phút, ngày 30/4/1975, Đài Phát thanh Sài Gòn truyền đi lời kêu gọi của Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam cộng hòa (nhậm chức chưa được hai ngày), kêu gọi binh sĩ Việt Nam cộng hòa ngừng bắn tại chỗ chờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vào bàn giao chính quyền. Cục diện chiến trường miền Nam đã được thay đổi cực nhanh. Giờ chiến thắng đã xuất hiện trước tầm mắt.
11 giờ 30, ngày 30/4/1975, đang chăm chú nghe radio, tin chiến sự trên Đài Phát thanh Sài Gòn, ông Nguyễn Trường Thọ, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy TCKTKN bỗng phấn chấn cầm lên và mở hết âm lượng chiếc radio nhỏ đang để trên bàn chỉ huy rồi ông ra lệnh các chiến sĩ truyền tin đồng loạt bấm tổ hợp các máy PRC25 theo dõi địch, và kết nối với máy PRC25 các cánh quân của ta, hào hứng truyền đi lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đang được phát đi, phát lại nhiều lần trên Đài Phát thanh Sài Gòn.
Sau khi nhận được tin Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên Đài phát thanh Sài Gòn, tại mặt trận thị xã Trà Vinh, khu vực Rạp hát Phú Vinh, ông Nguyễn Văn Kiệm, Đội trưởng Đội tuyên truyền xung phong 2, Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh, chỉ đạo đội viên Lư Quang Hiểu thu lại Lời kêu gọi binh sĩ ngưng bắn và Tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh bằng chiếc máy ghi âm của người dân được Đội Tuyên truyền xung phong trưng dụng từ lúc sáng.
Lúc này, gia đình ông Nguyễn Văn Biếu (Bảy Biếu, Phường 6) là cơ sở cách mạng, được Thị xã ủy tổ chức cho làm Trưởng ấp của ngụy quyền Sài Gòn tại nơi cư trú, đào tạo nòng cốt cho ngày khởi nghĩa, tình nguyện cho lực lượng khởi nghĩa trưng dụng chiếc xe bel chở đất của gia đình. Và, được ông Bảy vận động, gia đình chủ trại cưa Quảng Hưng Long (Phường 6), tình nguyện cho Ban Chỉ huy khởi nghĩa trưng dụng một chiếc xe jeep của gia đình. Đội trưởng tuyên truyền xung phong 2, chỉ đạo gắn loa phóng thanh, cắm cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên xe jeep, phân công đội viên Lư Quang Hiểu (biết lái xe từ trước), lái xe chạy quanh thị xã, phát thanh liên tục Lời kêu gọi binh sĩ ngưng bắn và Tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Việt Nam cộng hòa, Đại tướng Dương Văn Minh, trước hàng trăm mũi súng địch đang chĩa ra chi chít từ “lỗ châu mai” các lô cốt và 16 cao ốc phòng thủ bằng súng đại liên 12 ly 7, sẵn sàng nhả đạn.
Thấy chiếc xe jeep của Đội tuyên truyền xung phong 2, Ban Tuyên huấn tỉnh, đang phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, kêu gọi binh sĩ đầu hàng, kêu gọi Nhân dân xuống đường khởi nghĩa, ông Trần Văn Tư (Tư Tranh), Phó Ban Chỉ huy khởi nghĩa, nhanh chóng tận dụng thời cơ, giao nhiệm vụ cho ông Lư Quang Hiểu, đội viên Đội tuyên truyền xung phong 2, tiếp tục sử dụng chiếc xe jeep, vừa phóng thanh vừa chở 05 vị sư do Sư cả nhì Sơn Sa Ra, chùa Samrong Ek, ấp Đôn Hóa, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành (nay Phường 8, thành phố Trà Vinh), làm đại diện, rẽ hai hàng lính bảo an trên tay lăm lăm súng và hàng rào dây thép gai bùng nhùn cản đường, chạy thẳng vào dinh tỉnh trưởng.
Cánh cổng dinh Tỉnh trưởng vừa hé mở, chiếc xe Jeep chở 05 vị sư tiến vào đậu trước sân dinh. Gặp mặt Trung tá Tỉnh trưởng, kiêm tiểu khu trưởng Nguyễn Văn Sơn, Sư cả nhì Sơn Sa Ra truyền đạt mệnh lệnh của Ban Chỉ huy TCKTKN, yêu cầu Tỉnh trưởng, kiêm Tiểu khu trưởng Vĩnh Bình, Trung tá Nguyễn Văn Sơn ra lệnh cho binh sĩ bỏ súng, không chống lại lực lượng khởi nghĩa, tránh đổ máu cho binh sĩ, đồng thời, các vị sư cũng cam kết bảo toàn tính mạng cho viên Tỉnh trưởng này khi ông ta ra khỏi Dinh.
Tiếp xúc nhà sư Sơn Sa Ra, nhiều lần Tỉnh trưởng Vĩnh Bình, Trung tá Nguyễn Văn Sơn tìm cách hoãn binh, nhưng ông Trần Văn Tư (Tư Tranh), thay mặt Ban Chỉ huy khởi nghĩa từ bên ngoài truyền đạt mệnh lệnh vào không khoan nhượng. Cuối cùng, không còn sự lựa chọn nào khác, Trung tá Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Sơn phải đồng ý ngồi xe cùng 05 vị sư để ông Lư Quang Hiểu lái rời dinh Tỉnh trưởng.
Khi chiếc xe jeep rời dinh Tỉnh trưởng, ông Trần Văn Tư (Tư Tranh), đứng bên ngoài cổng dinh chờ sẵn, ông bước lên xe cùng 05 vị sư và viên Tỉnh trưởng, chạy đến khuôn viên chùa Khươn (chùa Phướng, Khóm 1, Phường 7), gặp đại diện Ban Chỉ huy TCKTKN và tại đây, Trung tá tỉnh trưởng, kiêm Tiểu khu trưởng Vĩnh Bình Nguyễn Văn Sơn đã chấp nhận đầu hàng. Một lần nữa, đội viên tuyên truyền xung phong Lư Quang Hiểu lại lái xe jeep chở Trung tá Tỉnh trưởng Vĩnh Bình Nguyễn Văn Sơn chạy quanh thị xã, ra lệnh binh sĩ thuộc cấp buông súng xuống đường cùng với lực lượng nhân dân vùng lên khởi nghĩa.
Chiếc xe jeep của người dân thị xã Trà Vinh được Ban chỉ huy khởi nghĩa trưng dụng, đội viên Đội Tuyên truyền xung phong Lư Quang Hiểu tự lái, hoạt động phóng thanh tuyên truyền tại mặt trận thị xã Trà Vinh buổi sáng ngày 30/4/1975 (Ảnh: Tư liệu Thành ủy thành phố Trà Vinh - Trần Điền chụp lại)
Chiếc xe bel do Ban Chỉ huy khởi nghĩa trưng dụng của gia đình ông Bảy Biếu, lúc này được anh Lư Văn Đủ (con ông Bảy Biếu), tình nguyện cầm lái, chở bà Nguyễn Ngọc Nga cùng cán bộ chính trị, binh vận, lực lượng khởi nghĩa của Nhân dân, tiến vào mở cửa rào, cùng lực lượng vũ trang chiếm dinh Tỉnh trưởng. Một số gia đình binh sĩ mang quần áo thường dân vào cho chồng, con, em đang phòng thủ dinh Tỉnh trưởng, thay bỏ quần, áo, lính, mặc quần áo thường dân, lẫn vào dòng người dân đang xuống đường.
Từ Thường trực Tỉnh ủy, tổng hành dinh chiến dịch TCKTKN tại ấp Khánh Lộc, xã Song Lộc, huyện Châu Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo TCKTKN, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Tiết (Ba Trắng) gọi điện thông tin nhanh đến Chỉ huy trưởng TCKTKN Nguyễn Trường Thọ, cho biết: Sau khi nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên Đài Phát thanh Sài Gòn, qua radio và qua loa phóng thanh của Đội tuyên truyền xung phong huyện, toàn bộ binh lính địch ở huyện Châu Thành và Càng Long đã buông súng đầu hàng. Sáu Cà (Bí thư Huyện ủy Châu Thành, Đồng Văn Cà - NV), Sáu Đại (Bí thư Huyện ủy Càng Long, Lê Văn Nha - NV), đang chỉ huy tước khí giới hàng binh, tiếp quản hệ thống chính quyền địch trong toàn huyện.
Tại Sở chỉ huy TCKTKN, để ống nghe tổ hợp máy bộ đàm xuống, ông Nguyễn Trường Thọ, chỉ huy trưởng, nói gọn một câu: “Tiếp quản thị xã”!
Hai người đội nón tai bèo đứng trước bên trái: ông Nguyễn Phước Dợt (Hai Trị - bên phải) - Tỉnh ủy viên - Tỉnh đội trưởng - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy công kích; ông Lê Tấn Đạt (Tư Thi), Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Chỉ huy TCKTKN, trước cổng dinh Tỉnh trưởng Vĩnh Bình (Trà Vinh) trưa ngày 30/4/1975. Người đứng chắp tay sau lưng là Đại úy Ri, trợ lý Tỉnh trưởng Vĩnh Bình. - Ảnh đăng trên Báo Cửu Long số số 872 phát hành ngày thứ Năm, 03/5/1990 (Trần Điền chụp lại)
Các thành viên tại sở chỉ huy có: ông Nguyễn Phước Dợt (Hai Trị, Phó Ban Chỉ huy TCKTKN), ông Lê Tấn Đạt (Tư Thi, Ủy viên Ban Chỉ huy TCKTKN), các trợ lý Ban Chỉ huy chiến dịch TCKTKN, ông Dương Nghĩa Hiệp (Hai Hiệp, Trưởng Ban quân báo Tỉnh đội), ông Phạm Thanh Tòng (Tư Hậu, Trợ lý Ban chính trị Tỉnh đội), ông Nguyễn Ngọc Thảo (Bảy Đấu, trợ lý tác chiến, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Bộ binh 501), ông Lê Chí Linh (Ba Linh, Phó Ban Binh vận tỉnh), cùng các chiến sĩ truyền tin, vệ binh Ban chỉ huy chiến dịch, cùng ông Nguyễn Trường Thọ bước xuống chiếc xuồng “vỏ lãi” đậu sẵn cặp con rạch Phú Hòa trước Ban Chỉ huy.
Chiếc vỏ lãi nổ máy, rẽ nước trên dòng rạch cạn, chạy thẳng về thị xã Trà Vinh.
Đón ông Tổng chỉ huy Nguyễn Trường Thọ tại bến xuồng trước đình Thanh Lệ là ông Nguyễn Thành Trạng (Út Trạng), Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 bộ binh, chỉ huy một cánh quân ta đã đánh chiếm thị xã Trà Vinh rạng sáng nay. Ông Nguyễn Thành Trạng đưa ông Tổng chỉ huy Nguyễn Trường Thọ cùng chúng tôi, đi theo đường Lý Tự Trọng, Phường 4, qua chùa Bửu Châu, thẳng xuống bờ sông Long Bình, rồi từ đó đi xuống hướng cầu Long Bình, vị trí đối diện với cổng chính dinh Tỉnh trưởng. Người dân cặp bờ sông Long Bình ra đường chào đón đoàn quân cách mạng trở về. Ấn tượng trong mắt tôi lúc này là ông Phạm Thanh Tòng (Tư Hậu) đã gặp thân mẫu của mình - bà Võ Thị Mạnh. Hai mẹ con ôm nhau, thật vội. Họ lặng thinh, còn tôi phải mím chặt môi kìm nén xúc động. Cũng chính trên con đường này, cách đây hơn hai năm, thân sinh ông Phạm Thanh Tòng là ông Cao Văn Năng, bị ngụy quyền tỉnh Vĩnh Bình ám sát chết, nhưng ông không về được để chịu tang.
Ông Cao Văn Năng có họ, tên thật Phạm Văn Thinh, là cơ sở của Thị ủy Trà Vinh gầy dựng để làm nòng cốt cho phong trào tổng khởi nghĩa, được ngụy trang dưới võ bọc Cao Văn Năng, 20 năm làm Chủ tịch Nghiệp đoàn lao công Vĩnh Bình trong bộ máy ngụy quyền Sài Gòn, nhưng lại hoạt động nghiệp đoàn theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Thị xã ủy trong phong trào Công vận ở Trà Vinh. Ông Cao Văn Năng có người con trai tên Phạm Thanh Tòng, sau khi học xong tú tài tại Trường Trung học Vĩnh Bình (thị xã Trà Vinh), năm 1960 anh được gia đình bí mật cho vào căn cứ rừng Long Vĩnh, huyện Duyên Hải tham gia kháng chiến tại cơ quan Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh với tên mới, Tư Hậu.
Từ cầu Long Bình (nay là cầu Long Bình 1), ông Nguyễn Thành Trạng đưa ông Tổng chỉ huy Nguyễn Trường Thọ cùng chúng tôi tiến thẳng vào cổng dinh Tỉnh trưởng Vĩnh Bình bằng xe jeep trước ánh mắt lắm lét, nghi ngờ, dò xét của những tốp lính Việt Nam cộng hòa không chống đối nhưng vẫn chưa buông súng. Lực lượng khởi nghĩa đã xuống đường, tràn vào chật sân dinh Tỉnh trưởng rộng lớn.
Một khối lượng lớn truyền đơn do Ban Tuyên huấn tỉnh in sẵn từ trước, được các đoàn cán bộ chính trị, binh vận mang theo, kịp thời tán phát tận tay cho mỗi người dân đang náo nức tham gia xuống đường.
Đúng lúc này, Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân khu 4 Quân lực Việt Nam cộng hòa ở Cần Thơ lệnh một chiếc máy bay lên thẳng bay sang đón Tỉnh trưởng Vĩnh Bình về Cần Thơ chờ “cầu viện”, nhưng đã muộn, chiếc trực thăng chỉ nhìn cờ Chánh phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt nam phất phới tung bay rồi quay về Cần Thơ, trả lại cho thị xã Trà Vinh không gian yên tiếng súng.
Bước vào phía trong dinh Tỉnh trưởng, viên cảnh sát gác cổng xun xoe đưa cho tôi chiếc ba lô Mỹ đựng đầy súng col 45, tôi gạt tay viên cảnh sát và theo thói quen nghề nghiệp, tôi đi thẳng vào phòng chỉ huy của Tỉnh trưởng. Tỉnh trưởng Vĩnh Bình, Trung tá Nguyễn Văn Sơn lúc này đã được lực lượng khởi nghĩa của quần chúng thị xã đưa ra ngoài. Dinh Tỉnh trưởng chỉ còn một viên Đại úy trợ lý Tỉnh trưởng và một viên cảnh sát gác cổng dinh. Phòng chỉ huy của Tỉnh trưởng ngổn ngang giấy tờ, nhiều máy bộ đàm đang hoạt động. Tôi bấm tổ hợp máy bộ đàm Tỉnh trưởng đang để trên bàn, người bên kia đầu máy tự xưng là Tỉnh trưởng Kiến Hòa, ông ta vội vàng hỏi tình hình tỉnh Vĩnh Bình lúc này ra sao. Tôi trả lời, quân giải phóng đã tiếp quản dinh Tỉnh trưởng Vĩnh Bình, rồi cúp máy.
Sau khi các cánh quân công kích của ta và lực lượng khởi nghĩa của Nhân dân tiến chiếm dinh Tỉnh trưởng Vĩnh Bình, ở phía Nam dinh Tỉnh trưởng, ông Châu Văn Tấn (Sáu Tấn), Đại đội trưởng Đại đội An ninh vũ trang tỉnh ra lệnh chiến sĩ Đại đội An ninh vũ trang tiến vào mở cửa Khám lớn (nhà giam của Ty Nội an Vĩnh Bình). Các viên giám thị Khám lớn hợp tác dẫn đường các chiến sĩ Đại đội An ninh vũ trang, mở cửa từng buồng giam tìm giải thoát cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước của ta còn bị địch bắt giam cầm tại đây.
Lo sợ bị trả thù, Thiếu tá Huỳnh Cao Phẩm, Phó Ty Nội an Vĩnh Bình, thay bỏ cảnh phục, mặc thường phục chạy trốn khỏi Ty Nội an, nhưng bị người dân chỉ mặt cho ông Nguyễn Thành Trạng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 bắt lại, yêu cầu hắn kêu gọi lực lượng cảnh sát thuộc cấp buông súng đầu hàng lực lượng khởi nghĩa, kịp thời ngăn chặn bàn tay gây tội ác của lực lượng này (2).
Sau khi ông Nguyễn Minh Thiện (Chín Hải) và 26 chiến sĩ mặt trận thị xã hy sinh, các cánh quân ta cùng với hàng ngàn quần chúng thuộc các tầng lớp Nhân dân Kinh - Khmer - Hoa, nội, ngoại ô và vùng ven thị xã hăm hở xuống đường, tiến chiếm và treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kiêu hãnh trước dinh Tỉnh trưởng Vĩnh Bình (Trà Vinh). Hơn 4.500 quân địch phòng thủ thị xã, rã ngũ tại chỗ. Tỉnh Trà Vinh hoàn toàn giải phóng.
Nếu như 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, xe tăng quân giải phóng hút đổ cánh cổng “Dinh độc lập”, kết thúc chế độ ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam thì ở Trà Vinh, cùng lúc đó, phong trào “ba mũi giáp công” trong thế trận “Chiến tranh nhân dân” đã đánh chiếm dinh Tỉnh trưởng ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng tỉnh Trà Vinh.
(1) Chín Hải - Nguyễn Minh Thiện, 1932 - 1975 - Tham mưu trưởng, Tỉnh đội phó Tỉnh đội Trà Vinh, Chỉ huy các cánh quân phía Nam, mặt trận sân Máy bay Trà Vinh - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
(2) Theo “Lịch sử tỉnh Trà Vinh tập ba 1954 - 1975” - Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh - Ban Tư tưởng Tỉnh ủy Trà Vinh ấn hành năm 2005, trang 319.
Trong không khí hân hoan chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản đã có những cách riêng để hòa mình vào niềm vui lớn của dân tộc.