03/04/2024 14:57
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.
Sáng 03/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Phiên họp thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2024, tình hình giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình triển khai Nghị quyết số 01 năm 2024 của Chính phủ, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong tháng 3 và quý I/2024; báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; cùng một số nội dung quan trọng khác.
Các đại biểu tập trung đánh giá tình hình tháng 3 và quý I, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương; những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế; phân tích nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; nhận định tình hình tháng 4 và quý II; đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới…
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%, với tinh thần "Năm quyết tâm", "Năm bảo đảm" và "Năm đẩy mạnh".
Nêu cao tinh thần "Năm quyết tâm"
(1) Quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức.
(2) Quyết tâm thực hiện, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm "thắng không kiêu, bại không nản".
(3) Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đồng thời thúc đẩy phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
(4) Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
(5) Quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phòng chống thiên tai, dịch bênh, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng cũng yêu cầu cần quyết tâm hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 vào 30/6 và hai dự án cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo và Diễn Châu-Bãi Vọt vào 30/4 tới đây.
Thực hiện tốt "Năm bảo đảm"
(1) Bảo đảm thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, lãnh đạo chủ chốt, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
(2) Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững.
(3) Bảo đảm phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch các loại thị trường, gồm thị trường hàng hóa, dịch vụ; thị trường lao động; thị trường bất động sản, thị trường vốn (ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu); thị trường khoa học công nghệ...; thúc đẩy phát triển các loại thị trường mới như thị trường tín chỉ carbon, dữ liệu…
(4) Bảo đảm đầy đủ điều kiện để triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 01/7/2024.
(5) Bảo đảm ổn định chính trị, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
Cụ thể hơn về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế; giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống; tiếp tục có biện pháp mạnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay; nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, năng lực, hiệu quả hoạt động, sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng; giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, không để xảy ra những biến động bất lợi; thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước - quốc tế; phấn đấu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.
Cùng với đó, phấn đấu quyết liệt tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước: Tập trung triển khai sử dụng hóa đơn điện tử, nhất là các hoạt động kinh doanh ăn uống, dịch vụ, bán lẻ xăng dầu. Tạo chuyển biến rõ nét trong việc chống thất thu, nợ đọng thuế (phấn đấu giảm nợ đọng còn 3-4%). Khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành quy định gia hạn thuế, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ban hành theo thẩm quyền chính sách giảm phí, lệ phí năm 2024.
Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Tăng cường công tác bảo mật, an ninh, an toàn hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng, chứng khoán. Tăng cường quản lý giá cả, thị trường; dứt khoát không để thiếu điện.
Tập trung thực hiện "Năm đẩy mạnh"
(1) Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và bổ sung, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và các ngành, lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen…).
(2) Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.
Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; triển khai có hiệu quả Đề án 06 và Trung tâm Dữ liệu quốc gia. Đẩy mạnh giải quyết khó khăn, vướng mắc, tuyệt đối không tạo thêm rào cản cho người dân, doanh nghiệp; xử lý, giải quyết các vấn đề, dự án tồn đọng kéo dài.
(3) Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế; xây dựng hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; đào tạo nhân lực chất lượng cao. Trong đó, phấn đấu hoàn thành trong tháng 4 việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…; chuẩn bị tốt các dự án luật trình tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
(4) Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, củng cố và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Khẩn trương cụ thể hóa, khai thác có hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao thành chương trình, dự án cụ thể.
(5) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở tất cả các cấp, các ngành.
Giao một số nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, địa phương với mốc thời hạn hoàn thành cụ thể, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, phân loại các kiến nghị của địa phương để các bộ, ngành, cơ quan giải quyết theo thẩm quyền; với các vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành, các Phó Thủ tướng theo lĩnh vực phân công làm việc trực tiếp với các bộ ngành để xử lý, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nguồn baochinhphu.vn
Với tinh thần và ý chí quyết tâm “Các dân tộc tỉnh Trà Vinh đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Trà Vinh lần thứ IV năm 2024 tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và ghi nhận công lao to lớn của các DTTS trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kết cấu hạ tầng, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc; tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến,…