30/11/2023 04:48
Tối 28/11 theo giờ địa phương (rạng sáng 29/11 giờ Việt Nam), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Esenboga của Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 28 - 30/11.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bắt đầu chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ.
Đón Thủ tướng Chính phủ và Phu nhân tại sân bay, phía Thổ Nhĩ Kỳ có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Burak Akçapar, Phó Thống đốc Ankara Sait Atalay, Phó Thị trưởng Ankara, Tư lệnh quân đội và Cục trưởng Cục Lễ tân Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Cemil Miroğlu. Phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải và Phu nhân cùng một số cán bộ, nhân viên Đại sứ quán.
Thổ Nhĩ Kỳ là nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, nền kinh tế phát triển đa dạng: công nghiệp khai khoáng, dệt may, chế tạo máy móc, điện gia dụng, chế biến thực phẩm, đóng tàu khá phát triển; ngành xây dựng và nông nghiệp phát triển mạnh. Ngành du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất phát triển thu hút hơn 30 triệu khách du lịch mỗi năm.
Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc chính vào ngành công nghiệp và có xu hướng gia tăng các ngành dịch vụ, mặc dù ngành nông nghiệp truyền thống chiếm khoảng 25% việc làm. Mũi nhọn xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm: Công nghiệp tự động, sản xuất ô tô, hóa dầu, diện tử, dệt may, may mặc… Các đối tác thương mại chính của Thổ Nhĩ Kỳ là Nga, Đức, Trung Quốc, Mỹ, Ý, Pháp, Iran…
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong ít nước trên thế giới duy trì được tăng trưởng dương trong giai đoạn dịch COVID-19 (năm 2020 đạt 1,8%; 2021 đạt 11%, nhờ các chính sách thu hút du lịch, đầu tư). Mặc dù từ đầu năm 2022 nền kinh tế đối mặt với một số khó khăn, song Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là trung tâm kinh tế quan trọng hàng đầu khu vực, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, xây dựng, đầu tư, công nghiệp tiêu dùng... Với vị trí địa lý kết nối hai lục địa Á - Âu cùng vị thế và tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng, Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ cho hàng hóa các nước thâm nhập vào thị trường Trung Đông và Nam Âu.
Thời gian vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ công bố một loạt các mục tiêu quốc gia quan trọng như “Tầm nhìn Thế kỷ của Thổ Nhĩ Kỳ”, hướng tới đưa Thổ Nhĩ Kỳ trong thế kỷ tới trở thành một trong 10 cường quốc hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, công nghệ và quân sự; Dự án Thung lũng Hydrogen mục tiêu đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm hydrogen của khu vực vào năm 2053.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước có tiềm lực quân sự mạnh trong NATO. Ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ đã có bước nhảy vọt, vươn lên đứng thứ 12 trong số các nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới (2022). Tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ đạt 4 tỷ USD trong năm 2022, tăng 42% so với năm 2021.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có chính sách đầu tư vào sản xuất vũ khí, trang thiết bị quân sự đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ phân bổ hơn 40 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng năm 2024, tăng 150% so với ngân sách 16 tỷ USD năm 2023, đặt mục tiêu gấp đôi xuất khẩu ngành công nghiệp quốc phòng từ mức 6 tỷ USD năm 2023 lên 11 tỷ USD trong thời gian tới.
Thổ Nhĩ Kỳ đặt ưu tiên gia nhập Liên minh châu Âu (EU), song đàm phán không có tiến triển từ năm 2018. Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng tại khu vực và thế giới, tích cực tham gia giải quyết các điểm nóng tại khu vực như xung đột Nga - Ukraine, tiến trình hòa bình Trung Đông, khu vực Cascasus.
Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Thổ Nhĩ Kỳ chủ trương đa dạng hóa quan hệ, đẩy mạnh chính sách hướng Đông với Sáng kiến châu Á mới (Asia Anew Initiative, 2019) , Chiến lược tăng cường thương mại với các quốc gia ở vị trí xa (Far countries strategies) trong đó có Việt Nam, nâng cấp khuôn khổ hợp tác với nhiều đối tác khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Liên hợp quốc, Nhóm G20, NATO, OECD, OIC, OSCE…
Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 07/6/1978. Tháng 2/1997, Thổ Nhĩ Kỳ lập Đại sứ quán tại Hà Nội. Tháng 7/2002, Việt Nam mở Tổng Lãnh sự quán tại Istanbul. Tháng 10/2003, Việt Nam nâng Tổng Lãnh sự quán tại Istanbul lên Đại sứ quán và chuyển về Ankara. Hai bên đang tiến hành thủ tục mở Tổng Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hai nước duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt. Hai nước đã tiến hành họp Tham vấn Chính trị cấp Thứ trưởng lần thứ 4 tại Ankara (12/2022), kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban Hỗn hợp tại Hà Nội (7/2017). Hai nước thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.
Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, ủng hộ Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Trong thảm họa động đất diễn ra tại miền Đông Nam của Thổ Nhĩ Kỳ (2/2023), Chính phủ Việt Nam đã viện trợ 100.000 USD và cử 02 đội cứu hộ, cứu nạn sang giúp Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả.
Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hai bên duy trì các kênh trao đổi trực tuyến: Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Sedat Onal (6/2020); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống Fuat Oktay (10/2021).
Về hợp tác nghị viện, hai bên có Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt - Thổ, Chủ tịch Nhóm hiện nay là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông và là cửa ngõ để Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Đông và Nam Âu (các mặt hàng: gạo, cao su, chè, may mặc, giày dép, hàng điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ...). Kim ngạch song phương năm 2022 đạt hơn 2 tỷ USD (trong đó, ta xuất khẩu 1,6 tỷ USD). Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm của ta như cao su, điện thoại di động, da giày…
Về đầu tư, tính lũy kế tháng 10/2023, Thổ Nhĩ Kỳ có 36 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký 974,3 triệu USD, đứng thứ 26/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Các dự án nổi bật đã và đang được triển khai gồm: Công ty Hayat Kimya đầu tư 250 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất chất tẩy rửa, giấy vệ sinh... tại tỉnh Bình Phước; công ty Bora Lastik mua cổ phần của công ty Cao su Đà Nẵng. Tháng 8/2023, Công ty IC Ictas (thuộc Tập đoàn IC Holdings) của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu Liên danh Vietur đã trúng gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách trị giá 35.000 tỷ đồng thuộc dự án sân bay Long Thành.
Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương: Hai bên tích cực phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Việt Nam ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ vào Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021 - 2025 (bầu cử đã diễn ra vào tháng 11/2021). Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Việt Nam vào Ủy ban Di sản Thế giới (WHC) nhiệm kỳ 2023 - 2027 và ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí thành viên Hội đồng nhân quyền (HRC) nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Tháng 6/2016, hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Airlines) mở đường bay thẳng Istanbul - Hà Nội (chuyển tiếp qua Tp. HCM) với tần suất 7 chuyến/tuần. Tháng 6/2019, Turkish Airlines chính thức mở văn phòng đại diện tại Hà Nội. Tháng 6/2023, Vietnam Airlines và Turkish Airlines đã ký thỏa thuận hợp tác liên danh (codeshare).
Tháng 01/2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã trao tặng vật tư, trang thiết bị y tế hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19.
Về hợp tác địa phương: Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và chính quyền thủ đô Ankara đã ký Thỏa thuận hợp tác (9/2011); các địa phương của Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần đề xuất ký thỏa thuận hợp tác với một số địa phương của ta, như: Istanbul - Thành phố Hồ Chí Minh, Antalya - Nha Trang, Konya - Thừa Thiên Huế.
Cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ nhỏ (khoảng 200 người), sống rải rác ở các tỉnh, thành khác nhau, hiện tại đã thành lập được Ban chấp hành lâm thời Hội người Việt.
Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ lần này đóng vai trò hết sức quan trọng. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một vị Thủ tướng Chính phủ ta tới Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh hai nước đang có những hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Chuyến thăm không chỉ khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ của Đảng, Nhà nước ta, mà còn tạo dựng những nền tảng cơ sở, có tính định hướng cho những bước phát triển tiếp theo.
Hiệp định hợp tác thương mại, kinh tế và kỹ thuật (1997); Nghị định thư về hợp tác kinh tế và thương mại; Thỏa thuận miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao (1998); Hiệp định hợp tác văn hoá, khoa học và giáo dục (1999); Nghị định thư về hợp tác nông nghiệp; Hiệp định khung về hợp tác khoa học kỹ thuật và môi trường (2000); Hiệp định hợp tác du lịch (8/2004); Thỏa thuận Hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (6/2005); Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ, đặc biệt; Hiệp định về hợp tác đấu tranh phòng chống khủng bố quốc tế, tội phạm có tổ chức, buôn bán trái phép chất ma túy, các chất hướng thần và các loại tội phạm khác (2007); Thỏa thuận hợp tác giữa hai phòng Thương mại và Công nghiệp và thành lập Hội đồng doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ - Việt Nam (2009); MOU về hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn (2011); MOU về hợp tác giữa hai học viện Ngoại giao (2013); Hiệp định bảo hộ và khuyến khích đầu tư (1/2014); Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (2014); Hiệp định hợp tác hàng không, Hiệp định vận tải biển (4/2015); Thỏa thuận về hợp tác và hỗ trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan (8/2017); Bản ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực khu tự do/khu chế xuất/khu kinh tế/khu kinh tế đặc biệt (8/2017); Thỏa thuận hợp tác nghiệp vụ giữa Thông tấn xã Việt Nam và hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ ANADOLU (10/2023) (thay thế thỏa thuận ký năm 2016).
|
Theo dangcongsan.vn
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.