18/09/2021 08:38
Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng KVPT tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020) xác định: “Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh; tiếp tục điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch của các cấp, các ngành, các lực lượng; xây dựng các tiềm lực trong KVPT ngày càng vững chắc theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, chú trọng địa bàn trọng điểm và vùng biển”(Tỉnh ủy Trà Vinh: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ x, nhiệm kỳ 2015 -2020, trang 71).
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quốc phòng, quân sự địa phương và xây dựng KVPT, nhất là Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Chiến lược quốc phòng Việt Nam”; Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh”. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác quân sự, quốc phòng gắn với nhiệm vụ xây dựng KVPT. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các tiềm lực trong KVPT sát với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Trên cơ sở quyết tâm tác chiến phòng thủ, tỉnh đã quy hoạch các khu vực, mục tiêu phòng thủ chủ yếu như: KVPT then chốt, khu căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, khu sơ tán, tập trung bí mật...; xây dựng quy hoạch hệ thống công trình phòng thủ tuyến ven biển giai đoạn 2017 - 2025 và những năm tiếp theo; hướng dẫn các sở, ban, ngành tỉnh, huyện khảo sát, bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh (Kế hoạch B). Kết hợp chặt chẽ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân; hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc; cảng cá, đê sông, đê biển, trồng rừng; một số khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế được đầu tư xây dựng, củng cố, nâng cấp và mở rộng đều mang tính lưỡng dụng, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời bình, vừa tạo ra khả năng phục vụ cho hoạt động của các lực lượng trong KVPT thời chiến. -Nền quốc phòng toàn dân được triển khai xây dựng rộng khắp, có bước phát triển, các tiềm lực trong KVPT như tiềm lực chính trị tinh thần, tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học - công nghệ, tiềm lực quân sự, an ninh được quan tâm xây dựng, củng cố và tăng cường.
Tỉnh tổ chức 01 cuộc diễn tập huy động nhân lực tàu thuyền theo Nghị định số 30, 130 của Chính phủ; chỉ đạo tổ chức 05 cuộc diễn tập KVPT, 02 cuộc diễn tập theo Nghị định số 30, 130 và 02 cuộc diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cấp huyện; 107 cuộc diễn tập cấp xã. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành về nội dung, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động và trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng KVPT. Đầu tư trên 387 tỷ đồng cho xây dựng và hoạt động của KVPT.
Quan tâm chăm lo xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vững mạnh; xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh đúng, đủ biên chế, chất lượng được nâng lên, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng và hoạt động KVPT. Tập trung chỉ đạo xây dựng xã, phường, thị trấn vững mạnh về quốc phòng, an ninh. Tiềm lực và thế trận của KVPT tỉnh, huyện đã được xây dựng theo hướng “Cơ bản, liên hoàn, vững chắc”, khả năng bảo vệ địa bàn, ứng phó với các tình huống quốc phòng, an ninh được nâng lên, đủ sức ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng KVPT vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, đó là: Nhận thức về nhiệm vụ xây dựng KVPT của một số địa phương chưa thật sự đầy đủ và sâu sắc; sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an - ninh tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn thiếu đồng bộ; tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân chưa cao; việc xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong Nhân dân có mặt còn hạn chế, nhất là việc nắm cơ sở, sâu sát Nhân dân để tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, do đó tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội chưa được kéo giảm, tình trạng đơn thưa, khiếu kiện chưa được giải quyết dứt điểm...; mặt khác, do ngân sách còn phụ thuộc vào Trung ương, nên việc đầu tư xây dựng các công trình trong KVPT chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Từ thực tiễn tình hình nêu trên, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định:“...tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh trong KVPT; tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống công trình có tính lưỡng dụng cao…”. (Tỉnh ủy Trà Vinh: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 -2025, trang124, 125).
Để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng KVPT tỉnh vững chắc, cần thực hiện các giải pháp:
Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng KVPT, cụ thể là Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X, Kết luận số 64-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị khóa X; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đặc biệt là cần quán triệt những nhận thức mới, tư duy mới về quốc phòng thể hiện trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với nhiệm vụ xây dựng KVPT tỉnh. Trong đó chú trọng việc đổi mới, nâng cao chất lượng các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng KVPT tỉnh theo yêu cầu “toàn diện, thiết thực và khả thi”. Tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy đối với HĐND, UBND và các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng KVPT; lãnh đạo thực hiện các chính sách liên quan đến xây dựng KVPT tỉnh nói riêng và nhiệm vụ quốc phòng - an ninh nói chung trên địa bàn tỉnh; tăng cường lãnh đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các ngành, các cấp.
Ba là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp.
HĐND căn cứ vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng KVPT tỉnh ban hành Nghị quyết xác định nhiệm vụ, chỉ tiêu, biện pháp huy động sức người, sức của cho xây dựng KVPT tỉnh và chấp hành các chính sách của Đảng và Nhà nước về quốc phòng, an ninh.
UBND tỉnh, căn cứ vào nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND triển khai thành chỉ thị, quyết định, kế hoạch hướng dẫn thực hiện; tổ chức quản lý, điều hành thực hiện các kế hoạch xây dựng KVPT; thực hiện việc kiểm tra, thanh tra quá trình thực hiện xây dựng KVPT tỉnh.
Các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống văn bản trong xây dựng và hoạt động của KVPT; nhận định, phân tích, đánh giá, dự báo chính xác tình hình, sát với khả năng và các tình huống có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh, từ đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng KVPT tỉnh trong từng năm, giai đoạn; đảm bảo giải quyết có hiệu quả các tình huống theo phương châm “xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh”, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Bốn là, tăng cường công tác giáo dục về KVPT tỉnh cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của KVPT tỉnh, thấy rõ trách nhiệm của từng cơ quan, ban, ngành, địa phương, của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân trong xây dựng KVPT tỉnh; khắc phục tình trạng mơ hồ, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm.
Năm là, xây dựng cơ quan quân sự tỉnh vững mạnh, làm tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo và quản lý Nhà nước về quốc phòng ở địa phương, trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang địa phương về các mặt xây dựng, hoạt động và tác chiến dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và chỉ huy của Bộ Tư lệnh Quân khu. Xây dựng cả về tổ chức biên chế, nhân sự, bồi dưỡng nâng cao năng lực chỉ huy và kỹ năng làm tham mưu, kỹ năng làm công tác vận động quần chúng.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang, trong đó lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở; xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện, phối hợp làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết có hiệu quả các tình huống xảy ra, nhất là ở cơ sở. Tập trung tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; có trình độ kỹ thuật, chiến thuật, nghiệp vụ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao. Nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập KVPT từng cấp, chú trọng các nội dung: tổ chức đấu tranh chính trị, chống biểu tình, bạo loạn; phòng tránh đánh trả địch tiến công hỏa lực, sơ tán, phân tán, tổ chức phòng thủ dân sự; động viên các lực lượng trong các thành phần kinh tế…chuẩn bị tốt các mặt sẵn sàng động viên khi có chiến tranh.
Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, đồng thời tích cực chủ động lãnh đạo, điều hành và phát huy hiệu quả vai trò tham mưu của các cơ quan, ban, ngành, trong đó trọng tâm là cơ quan quân sự tỉnh, chúng ta sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng KVPT tỉnh được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
PHÚC BÌNH
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.