01/11/2021 16:28
Ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền về tay Nhân dân sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 5, tr. 698).
Trong lãnh đạo đấu tranh cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền dân chủ của Nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đại hội VI của Đảng nhấn mạnh chủ trương phát huy dân chủ để tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước “trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân lao động” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 29). Các kỳ đại hội tiếp theo cũng nhấn mạnh “sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” và nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp cách mạng là “xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về Nhân dân”.
Đặc biệt, sau sự kiện Thái Bình, năm 1998, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở”. Chỉ thị nhấn mạnh: “Khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là phát huy quyền làm chủ của Nhân dân ở cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của nhan dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất”.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nêu rõ: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 84 - 85).
Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Minh và quan điểm của Đảng ta về dân chủ; trong các Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ tỉnh gần đây, vấn đề dân chủ luôn được đề cập đến vấn đề dân chủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X xác định: “Thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về QCDC ở xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện để Nhân dân thực hiện các quyền dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”; thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu và chỉ đạo giải quyết có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc của Nhân dân, tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân giám sát, phản biện xã hội và đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW và số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI). Phát huy dân chủ đi liền với đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và coi trọng đạo đức xã hội. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân” (Tỉnh ủy Trà Vinh: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020; trang 72).
Qua 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X, vấn đề thực hiện dân chủ ở cơ sở đã đạt được những kết quả quan trọng:
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả QCDC ở cơ sở, làm chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, Nhân dân và doanh nghiệp; quan tâm chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, cụ thể hóa kịp thời, triển khai thực hiện đầy đủ, sát thực tế các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và từng địa phương kết hợp với thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn. Các cấp ủy Đảng có nhiều đổi mới, công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền theo hướng công khai, minh bạch, cụ thể, gần dân, vì lợi ích của Nhân dân và người lao động; dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp được coi trọng.
Các loại hình QCDC ở cơ sở theo Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, ngày 09/01/2015 của Chính phủ về “Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập”; Nghị định số 60/2013/NĐ-CP năm 2013 và Nghị định số 149/2013, ngày 07/11/2018 của Chính phủ về “Quy định chi tiết khoản 3, Điều 63 của Bộ luật lao động về thực hienẹ QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc” tiếp tục duy trì và nhiều nơi đã đi vào nền nếp hoạt động đối với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp.
Trong triển khai thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn được thể hiện rõ nét nhất trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, đô thị văn minh, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao trong Nhân dân; huy động mọi tầng lớp Nhân dân tham gia các phong trào hành động cách mạng của địa phương. Việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập đã phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý và điều hành của chính quyền, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, trí tuệ của tập thể trong thực hiện công khai, thảo luận, bàn bạc, lấy ý kiến… tạo sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ, nâng cao hiệu quả công tác.
Đối với QCDC tại nơi làm việc, các loại hình doanh nghiệp bước đầu được quan tâm, xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Kết quả xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, phát huy sức mạnh của tập thể. Phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo trong công tác chuyên môn, thực hiện tốt các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới phương thức hoạt động, tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên tham gia thực hiện và giám sát, phản biện việc thực hiện các chủ trương, chính sách ở cơ sở. Hạn chế việc chuyên quyền độc đoán, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI đánh giá: “Quyền làm chủ của người dân, của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được phát huy; tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, bầu Trưởng ban Nhân dân ấp, khóm đạt tỷ lệ cao (từ 98% đến hơn 99%). Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực hiện có nền nếp việc tiếp xúc, đối thoại với công dân, lắng nghe, tiếp thu, giải quyết kịp thời những bức xúc và nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân” (Tỉnh ủy Trà Vinh: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; trang 27).
Tuy nhiên, việc thực hiện QCDC ở cơ sở có nơi còn hình thức, một số nội dung người dân chưa được công khai, chưa được tham gia ý kiến và quyết định; một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa thật sự lắng nghe ý kiến, kiến nghị của Nhân dân và giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định: “Tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật. Phát huy quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, tính tích cực, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, làm mất ổn định chính trị - mxã hội và những tổ chức, cá nhân vi phạm dân chủ, làm phương hại quyền làm chủ của Nhân dân” (Tỉnh ủy Trà Vinh: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; trang 98, 99).
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”, Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”; Pháp lệnh 34/2004/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ một cách đồng bộ, đi vào chiều sâu ở tất cả các loại hình cơ sở, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân.
Hai là, các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài; chỉ đạo sớm khắc phục hạn chế, khuyết điểm về xây dựng, thực hiện QCDC ở cơ sở; trực tiếp lãnh đạo việc xây dựng, thực hiện QCDC ở cơ sở, thường xuyên kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn, đánh giá, xếp loại chất lượng QCDC cơ sở theo quy định. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Kiên trì chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, đề cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền, phát huy dân chủ của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và người lao động. Gắn xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở với xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở từng địa bàn, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước.
Ba là, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong Nhân dân, nhất là các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của công dân, để người dân tự giác thực hiện. Phát huy dân chủ gắn với kỷ cương pháp luật, xử lý nghiêm minh đối với các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; kiên quyết xử lý đối với những trường hợp lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo chống phá Đảng và Nhà nước ta, gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm, phẩm chất và năng lực của cán bộ, công chức để thực hiện các quy chế, quy định, quy trình công khai, dân chủ ở cơ sở. Phát huy dân chủ, tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, phát hiện, tố giác các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; tham gia giám sát các vụ, việc vi phạm pháp luật và kết quả xử lý, giải quyết sau thanh tra, kiểm tra, giám sát. Phát huy sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng dân cư, nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia ngăn chặn các tệ nạn xã hội gây mất ổn định an ninh, trật tự ở cơ sở.
Thường xuyên rà soát các quy chế, quy định công tác phù hợp với từng loại hình QCDC ở cơ sở, gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh và chi bộ, đảng bộ các cấp trong tỉnh.
Bốn là, tăng cường sự phối hợp hoạt động giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị về chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và đánh giá kết quả việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Phát huy dân chủ ở cơ sở gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở cơ sở. Phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, xem xét, đánh giá kết quả thực hiện; khen thưởng và động viên kịp thời; tạo phong trào sâu rộng, có hiệu quả ở từng loại hình cơ sở.
Năm là, phát huy vai trò, trách nhiệm của ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở các ngành, các cấp; nâng cao chất lượng tham mưu cho cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Thường xuyên đề cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong ban chỉ đạo, tiếp tục phân công theo dõi và trực tiếp giúp đỡ cơ sở, phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến, thí điểm việc xây dựng và thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở chưa thực hiện. Phối hợp với các cơ quan chính quyền, tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng thực hiện QCDC và ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng xã hội đồng thuận, đoàn kết, giúp đỡ nhau, tạo sự đồng đều về kết quả xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở.
Với sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, công nhân và người lao động, chúng ta tin tưởng rằng những nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về thực hiện QCDC ở cơ sở sẽ được triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
TRẦN BÌNH TRỌNG
Sáng 25/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để xem xét nhiều nội dung quan trọng theo thẩm quyền.