28/08/2021 07:10
Quán triệt vị trí, vai trò của công tác vận động quần chúng, Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định: “Đổi mới công tác dân vận theo hướng thiết thực, với cách làm sáng tạo, hiệu quả, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đề ra. Tập trung làm tốt công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, phát huy vai trò và sự tham gia của Nhân dân trong xây dựng các cơ chế, chính sách của địa phương trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Nâng cao chất lượng trong hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát, tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Tập trung xử lý những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân, các vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài. Nêu cao vai trò gương mẫu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trực tiếp giao tiếp với nhân dân. Tăng cường phối hợp, thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận. Thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tích cực tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận” (Tỉnh ủy Trà Vinh: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 -2025, trang 88, 89).
Để thực hiện tốt nhiệm vụ nêu trên, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, nắm vững vị trí, tầm quan trọng và nội dung cơ bản của công tác vận động quần chúng. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp và cán bộ, đảng viên nắm vững vị trí, tầm quan trọng của công tác vận động quần chúng, cụ thể là quán triệt Kế hoạch số 115-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Thực hiện Kết luận số 43-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” để thống nhất nhận thức, tư tưởng, nâng cao trách nhiệm, năng lực hoạt động, tiến hành có hiệu quả công tác vận động quần chúng của Đảng bộ.
Việc tuyên truyền, học tập, quán triệt, nâng cao nhận thức phải được tiến hành chặt chẽ cho từng cấp, từng ngành, từng đoàn thể. Trên cơ sở đó xây dựng chương trình hành động của từng cấp, từng ngành, từng tổ chức, xây dựng thành phong trào cách mạng trong quần chúng nhân dân để đem lại hiệu quả thiết thực.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng. Lãnh đạo công tác vận động quần chúng là một nội dung quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng. Các cấp ủy phải nhận rõ trách nhiệm của mình, không thể giao khoán toàn bộ cho Mặt trận và các đoàn thể. Các cấp ủy không chỉ xác định chủ trương, nhiệm vụ, mục tiêu, yêu cầu của công tác vận động quần chúng mà còn phải lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị làm công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức phong trào hành động cách mạng; cụ thể hóa các chủ trương, nhiệm vụ đó thành nội dung, biện pháp tiến hành giáo dục, tuyên truyền vận động của các tổ chức trong hệ thống chính trị đối với Nhân dân và các phong trào hành động cách mạng, hướng dẫn, động viên Nhân dân thực hiện.
Phải gắn công tác vận động quần chúng với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII). Các tổ chức Đảng được xây dựng trong sạch, vững mạnh mới đủ khả năng tiến hành công tác vận động quần chúng có hiệu quả. Đồng thời, các tổ chức Đảng phải dựa vào quần chúng, động viên quần chúng phát huy quyền làm chủ của mình trong việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, làm cho mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân được tăng cường thì công tác vận động quần chúng ngày càng hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, phải gắn công tác vận động quần chúng với công tác đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, qua đó, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Muốn tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng, các cấp ủy phải chăm lo xây dựng MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy chức năng cầu nối và chức năng đại diện cho Nhân dân tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội; giám sát hoạt động của chính quyền, của cán bộ, công chức, viên chức; tạo điều kiện cho Mặt trận và các đoàn thể thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “về quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội”, “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” và Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương (khóa XII) về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên” góp phần thiết thực vào việc xây dựng Đảng bộ và cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh, các cấp ủy phải chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng về công tác vận động quần chúng của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, công tác dân vận chính quyền và của cán bộ, đảng viên.
Ba là, tăng cường và đổi mới công tác vận động quần chúng của các cơ quan Nhà nước theo Kết luận số 114-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương “về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan Nhà nước các cấp”; Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “về tăng cường đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”. HĐND, UBND kịp thời cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy về công tác vận động quần chúng thành các cơ chế, chính sách để các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện; triển khai thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, trí thức, người cao tuổi, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, chính sách đối với đồng bào dân tộc, tôn giáo, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh phải có trách nhiệm vận động Nhân dân. Xây dựng và thực hiện phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” và “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, thường xuyên đi công tác cơ sở. Các cơ quan Nhà nước, nhất là các cơ quan có quan hệ trực tiếp với dân cần công khai các quy định cụ thể về trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức để Nhân dân biết và giám sát, kiểm tra việc thực hiện. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc, chấn chỉnh thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Làm tốt công tác thanh tra nhân dân, hòa giải ở cơ sở; tăng cường đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với Nhân dân, qua đó nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề bức xúc của Nhân dân để xử lý, giải quyết kịp thời.
Bốn là, phát huy vai trò các tổ chức trong hệ thống chính trị đối với công tác vận động quần chúng. Tiến hành công tác vận động quần chúng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng như Ban Dân vận, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phải “tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo đồng thuận xã hội, phát huy quyền dân chủ của Nhân dân gắn với kỷ cương, pháp luật, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra” (Tỉnh ủy Trà Vinh: sách đã dẫn, trang 94).
Mỗi tổ chức, cơ quan, đoàn thể đều có chung nhiệm vụ làm công tác vận động quần chúng, nhưng lại có chức năng, nhiệm vụ công tác khác nhau. Mỗi nơi vừa phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho thành viên trong tổ chức của mình đồng thời phải có trách nhiệm phối hợp hành động giữa các cơ quan, đoàn thể với nhau để tuyên truyền, giáo dục chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như chủ trương, nhiệm vụ của địa phương tới đoàn viên, hội viên và mỗi người dân, qua đó động viên đoàn viên, hội viên và mọi người dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị. Cần thực hiện tốt Quyết định số 1893-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Trà Vinh”,
Năm là, tích cực bồi dưỡng, nâng cao năng lực công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ các cấp. Đội ngũ cán bộ có vai trò quyết định trong tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và công tác vận động quanà chúng nói riêng. Vì vậy, đi đôi với việc tu dưỡng đạo đức, phẩm chất, bản lĩnh chính trị, các cấp các ngành cần quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trên các lĩnh vực hoạt động, trong đó có năng lực thực tiễn về công tác vận động quần chúng. Cán bộ dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm…phải thật thà nhúng tay vào công việc”, và “phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nội dung bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cần tập trung vào các quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về quần chúng và công tác vận động quần chúng; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những nhiệm vụ, mục tiêu của công tác vận động quần chúng được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng thời, bồi dưỡng, hướng dẫn phương pháp tuyên truyền, giáo dục vận động và tổ chức phong trào hành động cách mạng của quần chúng cho cán bộ các cấp, các ngành để họ nắm vững nội dung và biết cách tiến hành cho phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị và từng đối tượng. Trong đào tạo, bồi dưỡng phải chú trọng đến tất cả cán bộ, nhưng cần đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ chuyên trách trong các cơ quan dân vận, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan đến Nhân dân.
Sáu là, thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở. Mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân là mục tiêu, đồng thời là động lực bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng, của công cuộc đổi mới. Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định: “Tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật. Phát huy quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, tính tích cực, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên” (Tỉnh ủy Trà Vinh: sách đã dẫn, trang 98).
Để đảm bảo phát huy dân chủ cần thực nghiêm Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI “về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về “Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập”; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, ngày 14/12/2020 của Chính phủ “về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc”. Phát huy dân chủ phải gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nâng cao nhận thức về pháp luật; xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, làm mất ổn định chính trị - xã hội và những tổ chức, cá nhân vi phạm dân chủ, làm phương hại quyền làm chủ của Nhân dân.
Làm tốt công tác vận động quần chúng sẽ tạo được sự đồng thuận và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ là cơ sở để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
TRẦN BÌNH TRỌNG
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.