27/10/2022 15:49
Sáng nay (27/10), trả lời phóng viên báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh đã chia sẻ về nội dung Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển năm 2023.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn trả lời phóng viên báo chí vào sáng nay (27/10).
ĐBQH Trần Quốc Tuấn cho rằng: Tham dự kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, hầu hết đại biểu với tâm trạng vui mừng, phấn khởi, cùng với cử tri cả nước rất đồng tình và đánh giá cao những kết quả quan trọng đất nước đã đạt được. Với tư duy, tầm nhìn chiến lược của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cùng với quyết tâm chính trị, sự đoàn kết thống nhất cao đã đưa Việt Nam đạt được nhiều thành công,...
Từ thành công của chiến lược ngoại giao vắc-xin để miễn dịch cộng đồng, đến hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần khôi phục tăng trưởng kinh tế sau dịch Covid-19. Đặc biệt, hiện nay nhiều quốc gia đang gặp khó khăn loay hoay với lạm phát, đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế, bất ổn chính trị, thì Việt Nam lại có mức tăng trưởng rất ấn tượng, 8,83% trong 09 tháng và dự kiến GDP năm 2022 tăng 8% (chỉ tiêu nghị quyết đề ra 6,5%), cùng với dự kiến sẽ đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu nghị quyết năm 2022. Đây là dấu ấn nổi bật và ấn tượng trước nhiều quốc gia trên thế giới.
Hiện nay, nếu nhìn từ góc độ tăng trưởng kinh tế và ổn định an ninh chính trị, thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia bất biến giữa một thế giới vạn biến và được xem là điểm sáng về thu hút đầu tư, là mô hình mẫu cho các quốc gia khác tham khảo, như nhận định của nhiều chuyên gia và các nhà lãnh đạo trên thế giới. Những thành tựu đó, được ĐBQH và cử tri cả nước trân trọng và tiếp tục tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu, tầm nhìn chiến lược, sẽ trở thành quốc gia tự cường, phát triển và thịnh vượng vào năm 2045, như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược một cách hiệu quả, yếu tố con người là quyết định, là then chốt của then chốt; đầu tư cho con người, chính là đầu tư cho phát triển, cho dù con người ấy ở đâu? ở khu vực nào, công hay tư; và cho dù con người ấy đang ở hiện tại hay ở tương lai…
Trước thực trạng vừa qua, có gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc, bỏ việc, dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư - đây là điều hết sức bình thường theo quy luật kinh tế thị trường và quy luật giá trị, nhưng đây lại là điều bất thường khi nó xảy ra trong thời gian ngắn, tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 6/2021 đến tháng 6/2022. Chính sự bất thường này, đã làm cho chúng ta vừa mừng, vừa lo. Mừng là vì khu vực tư đang tăng trưởng tốt, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển đất nước nhanh hơn. Nhưng rất lo, vì đây là hồi chuông cảnh báo về chủ trương chính sách đầu tư cho con người ở khu vực công không còn đủ sức hấp dẫn để giữ chân họ, trong số đó có cả những tinh hoa ở các lĩnh vực chuyên ngành, nhất là ngành y khoa phải rời đi. Do vậy, nếu không kịp thời… quan tâm cải thiện, thì sự chuyển dịch này sẽ ngày càng nhiều hơn, khi đó khu vực công sẽ không còn là khu vực giữ vai trò chủ đạo định hướng, dẫn dắt, quản trị và phát triển xã hội bằng những cơ chế chính sách,…và khi ấy khu vực công cũng sẽ không còn đủ sức để đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho khu vực tư… trong quá trình phát triển… Như thế, chắc chắc rằng sẽ phát sinh nhiều hệ lụy khó lường cho đất nước trong tương lai.
Theo khảo sát, nguyên nhân chính của sự dịch chuyển này chủ yếu là do mức lương không đảm bảo cuộc sống, trong khi áp lực công việc, áp lực xã hội khá lớn, nhất là đối với ngành y, nên lực lượng công chức, viên chức chủ yếu ở các địa bàn phát triển, nơi có nhiều cơ hội việc làm, họ đã lặng lẽ rời bỏ khu vực công, tìm đến khu vực tư để có thu nhập cao hơn. Mặt khác, sở dĩ những địa phương còn lại chưa xảy ra tình trạng này, là vì chính nơi ấy, họ không có cơ hội lựa chọn được việc làm tốt hơn.
Nhiều lần Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo “Lấy đầu tư công để dẫn dắt đầu tư - tư”, theo ĐBQH Trần Quốc Tuấn, quan điểm chỉ đạo này không những đúng trong đầu tư phát triển kinh tế… mà nó còn rất đúng trong đầu tư phát triển con người ở khu vực công… để làm cơ sở xây dựng đội ngũ công chức, viên chức an tâm công tác, đủ tâm, đủ tầm, đủ phẩm chất năng lực và đủ tính chuyên nghiệp, nhằm định hướng, dẫn dắt, hỗ trợ cho khu vực tư phát triển vượt lên... góp phần tăng năng suất lao động, thúc đẩy phát triển đất nước theo đúng định hướng.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, để triển khai thực hiện thành công các nhóm giải pháp, nhằm đạt được các mục tiêu nghị quyết Đại hội XIII đề ra. ĐBQH Trần Quốc Tuấn kiến nghị, đề xuất đến Quốc hội, Chính phủ 02 nội dung sau:
Một là, trước mắt - cần thực hiện tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và những người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước, bắt đầu từ ngày 01/01/2023, thay vì 01/7/2023 như Chính phủ trình quốc hội, vì 04 lý do như ĐBQH Trần Quốc Tuấn đã phát biểu trong buổi thảo luận Tổ. Trong đó có lý do quan trọng nhất là chúng ta hoàn toàn có đủ nguồn lực tài chính ngân sách để chi tăng lương từ ngày 01/01/2023 như nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Việc tăng lương kịp lúc vào ngày 01/01/2023, có thể tác động “đôi chút” đến lạm phát, nhưng nó có tác động tích cực đến bộ máy công chức, viên chức và những người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước, đồng thời nó vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa kích cầu tiêu dùng - góp phần tăng trưởng kinh tế tốt hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ cần xác định rõ lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, đặc biệt quan tâm nhiều hơn đến chế độ chính sách tiền lương và phụ cấp cho cán bộ cơ sở ấp khóm, xã, phường nhằm giúp họ vượt qua khó khăn, an tâm công tác, ổn định cuộc sống gia đình theo quan điểm của Đảng, Nhà nước hiện nay.
Hai là, về lâu dài - đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành hoặc trình Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, liêm chính đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”.
Có như vậy, chúng ta mới xây dựng được một lực lượng công chức, viên chức chuyên nghiệp, đủ mạnh, nhằm hiện thực hóa mục tiêu, tầm nhìn của Đảng về xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập, tự cường, phát triển, thịnh vượng vào năm 2045.
Phiên thảo luận tại hội trường sáng nay có rất nhiều đại biểu đồng tình đề xuất kiến nghị từ ngày 01/01/2023 thực hiện ngay việc tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng cho cán bộ, công chức, viên chức; Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách Nhà nước chi trả và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; Trợ cấp ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội, điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở. |
|
Báo Trà Vinh Online
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.