19/05/2023 12:05
Nhân viên Tổ Thuyết minh với công việc hàng ngày tại Khu di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia - Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, Tổ Thuyết minh thuộc Ban Quản lý di tích của tỉnh (đơn vị thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh) cũng là một lực lượng giúp du khách hiểu rõ hơn quá trình hình thành và ý nghĩa lịch sử của ngôi Đền.
Tổ hiện có 03 thành viên, đều là đảng viên do đồng chí Hà Thị Vĩnh Bình làm Tổ trưởng cùng 02 thành viên Bùi Thị Mỹ Linh và Trần Thị Tố Quyên. Nhiệm vụ hàng ngày của các thành viên trong Tổ là mở cửa, làm vệ sinh, thắp hương, đèn lên bàn thờ Bác và nhất là việc giới thiệu, hướng dẫn mỗi khi có khách đến tham quan, tìm hiểu. Bên cạnh đó, cùng với những nguồn tư liệu đã có về quá trình đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Đền thờ Bác, các thành viên trong Tổ Thuyết minh còn thường xuyên sưu tầm, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử để hiểu rõ hơn. Qua đó, giúp hoàn chỉnh thêm bài giới thiệu về Khu di tích đặc biệt này với du khách.
Đồng chí Hà Thị Vĩnh Bình, đã gắn bó với công việc này từ năm 2000 đến nay cho biết: “Tôi rất tự hào được làm việc tại Khu di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi lần thuyết minh cho khách tham quan là bấy nhiêu lần tôi dâng trào cảm xúc. Bởi trong bài thuyết minh của mình tôi vừa kính yêu Bác Hồ, vừa cảm phục lòng quả cảm của cán bộ và Nhân dân Long Đức nói chung, tỉnh Trà Vinh nói chung đã quyết tâm xây dựng và bảo vệ ngôi Đền trong những giai đoạn khó khăn nhất”.
Thật vậy, có lần được nghe đồng chí Hà Thị Vĩnh Bình thuyết minh về quá trình xây dựng và bảo vệ Đền thờ Bác, chúng tôi như được sống lại những thời điểm “vót chong đi đánh giặc”. Trong đó, ấn tượng nhất với chúng tôi là đoạn: “… mỗi lần giặc đốt phá ngôi Đền, địch đều khiêng ảnh Bác ra và mang ảnh Bác về Dinh Tỉnh trưởng…”, một chi tiết mới nghe tưởng nhỏ, nhưng đó là sự ảnh hưởng của Bác Hồ không chỉ dành riêng cho Nhân dân Việt Nam, mà Bác còn là một biểu tượng để giặc Mỹ kính trọng. “...Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Long Đức chính là cái gai trong mắt địch. Một tháng sau ngày khánh thành Đền, địch mở cuộc càn với quy mô lớn, do Tỉnh trưởng Trà Vinh trực tiếp chỉ huy. Một tiểu đoàn địch cùng với máy bay đánh phá khu Đền. Du kích và bộ đội địa phương đã ngoan cường chiến đấu. Viên thiếu tá và nhiều binh lính của địch đã bị ta tiêu diệt. Quân địch đã vào đến Đền và châm lửa đốt. Riêng bức chân dung Bác Hồ, chúng không dám đốt mà cho khiêng về Dinh Tỉnh trưởng…"
Tổ trưởng Tổ Thuyết minh Hà Thị Vĩnh Bình phục vụ du khách viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có dịp đến Khu di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày gần đây, thời điểm mà chúng ta đang đẩy mạnh các hoạt động hướng đến kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023), chúng tôi càng hiểu thêm về những công việc hết sức có ý nghĩa của các thành viên trong Tổ Thuyết minh. Vừa đúng 07 giờ sáng, các thành viên trong Tổ đã có mặt tại nhà bao che Khu di tích. Không ai bảo ai, mỗi người một việc, trong khi đồng chí Bùi Thị Mỹ Linh tập trung trang trí những đóa hoa tươi, thì đồng chí Trần Thị Tố Quyên cũng tranh thủ làm vệ sinh lư hương được đặt trang trọng trên bàn thờ Bác...
Mỹ Linh xuất thân từ gia đình giàu truyền thống cách mạng, sinh ra và lớn lên ngay trên quê hương Long Đức anh hùng. Đặc biệt, bà nội của Mỹ Linh được công nhận là Mẹ Việt Nam anh hùng.
Trao đổi với chúng tôi, Mỹ Linh cho biết, khi đứng trước du khách để thuyết mình về Khu di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đều tôi tâm đắc nhất đó chính là đoạn nói về quá trình anh dũng đấu tranh để xây dựng và bảo vệ Đền thờ Bác của cán bộ và Nhân dân Long Đức. Dù rất nguy hiểm trước mắt kẻ thù, nhưng nhiều cán bộ cách mạng và người dân vẫn không quản ngại hy sinh, gian khó, quyết tâm xây dựng cho bằng được nơi thờ cúng Bác Hồ ngay sau khi hay tin Bác mất. Trong đó, có nhiều làn ngôi Đền bị địch tàn phá, nhưng “địch đốt đi, thì ta xây dựng lại”.
Riêng Thuyết minh viên Trần Thị Tố Quyên, tuy mới được điều động đến làm việc tại Tổ Thuyết minh từ đầu năm 2023 đến nay, nhưng cũng thể hiện quyết tâm cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tố Quyên chia sẻ: tôi hoàn thành lớp cử nhân Việt Nam học vào năm 2012, đến năm 2015 vào làm việc tại Khu di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhờ có chất giọng tốt và am hiểu về lịch sử hình thành và bảo vệ Đền thờ Bác, nên Tố Quyên được lãnh đạo Ban Quản lý di tích phân công đến làm việc tại Tổ Thuyết minh. Tố Quyên cho biết thêm, để hoàn thiện hơn bài giới thiệu về Khu di tích, thời gian tới đồng chí sẽ tiếp tục học hỏi thêm từ các đồng nghiệp.
Trong thực hiện nhiệm vụ, Tố Quyên luôn cố gắng chỉnh chu từ hình ảnh đến giọng nói và tác phong phục vụ khách tham quan. Bởi hơn ai hết, Tố Quyên cũng như 02 thành viên còn lại của Tổ Thuyết minh đều nhận thức rằng sự nhiệt tình và lòng nhiệt huyết kết hợp với kiến thức chuyên môn sẽ làm hài lòng du khách. Từ đó, giá trị của Khu di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi là “công trình của trái tim”, đúng như nhận xét của nhà báo Trần Bạch Đằng từng hãnh diện mô tả.
Bài, ảnh: BÁ THI
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.