21/03/2024 08:12
Cửa hàng bách hóa Ba Hòa trang bị mã QR để khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Vừa qua, UBND huyện Châu Thành và Viettel Trà Vinh thực hiện ký kết “Thỏa thuận hợp tác triển khai khảo sát, thí điểm dùng thử chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2023 - 2025, hướng đến năm 2030” nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, từng bước hình thành những công dân số, sẵn sàng và tích cực tương tác, làm việc trên môi trường số, phát huy hiệu quả nền tảng số, dữ liệu số, góp phần vào thành công công cuộc chuyển đổi số và đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thỏa thuận hợp tác có hiệu lực đến cuối năm 2025, hai đơn vị sẽ phối hợp triển khai các nội dung: hợp tác triển khai các giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số trong xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh, đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, viễn thông cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện. Phát triển hạ tầng, nền tảng số như: xây dựng nền tảng thương mại điện tử thúc đẩy nông sản thông qua hệ thống giá trị, kết nối các nhà sản xuất và người tiêu dùng trong chuỗi cung ứng và xây dựng hệ thống loa thông minh, thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển kho dữ liệu số dùng chung toàn huyện. Tư vấn, hợp tác phát triển chính quyền số thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, hiện đại từ huyện đến xã, hoàn thiện các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu, số hóa văn bản, hồ sơ lưu trữ điện tử, hệ thống phòng họp không giấy tờ…
Song song đó, nghiên cứu triển khai thí điểm nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt thông qua phát triển hệ thống chấp nhận thanh toán chợ 4.0, trường học 4.0 và tiến tới hệ sinh thái xã, thị trấn, huyện 4.0.
Cụ thể, nghiên cứu việc phát triển các điểm chấp nhận thanh toán tại các chợ trên địa bàn nhằm tạo hệ sinh thái cho người dân ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Chọn chợ thị trấn Châu Thành và chợ Mỹ Chánh thí điểm thực hiện. Triển khai hợp tác ký kết với các trường học (từ mẫu giáo đến THPT trên địa bàn huyện) cung cấp hình thức thanh toán học phí không dùng tiền mặt qua Viettel Money. Bên cạnh, ký kết với các công ty, doanh nghiệp lĩnh vực điện, nước… trên địa bàn, thực hiện thu hộ phí dịch vụ công cộng, cung cấp hình thức thanh toán tiện ích thông qua ứng dụng Viettel Money.
Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, thị trấn Châu Thành đang nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu chuyển đổi số phù hợp với yêu cầu phát triển. Theo đồng chí Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn: tuy còn không ít khó khăn nhưng cán bộ, công chức, viên chức thị trấn Châu Thành sẽ tăng cường thực hiện các yêu cầu cơ bản trong chuyển đổi số và tuyên truyền để người dân cùng thực hiện, hướng đến hình thành thế hệ công dân số.
Hiện UBND thị trấn đang dự thảo kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn. Mục tiêu của kế hoạch là thúc đẩy người dân áp dụng công nghệ số, đẩy mạnh không dùng tiền mặt trong thanh toán. Cụ thể, đến hết năm 2024 có trên 50% các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các hộ dân, tiểu thương trên địa bàn thị trấn sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các khoản giao dịch.
Được biết, trên địa bàn thị trấn Châu Thành hiện có một số cửa hàng tiện lợi đã ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, giúp người dân có nhiều lựa chọn thanh toán phù hợp khi mua hàng hóa, tạo thuận lợi cho người mua lẫn người bán. Trong đó, Cửa hàng bách hóa Ba Hòa (Khóm 5) đã ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt giúp việc kinh doanh thuận lợi hơn.
Bà Trần Thị Hiền, chủ cửa hàng cho biết: trước đây cửa hàng chỉ giao dịch tiền mặt nhưng đôi khi khách mua hàng hóa số lượng nhiều, chi phí khoản vài triệu đồng nhưng không đem đủ tiền, có trường hợp rút tiền không kịp nên đề xuất cửa hàng nhận chuyển khoản. Tôi thấy việc thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với yêu cầu người tiêu dùng hiện nay nên đăng ký tài khoản, làm bảng mã QR để người mua thuận lợi quét mã chuyển tiền. Hơn 06 tháng thực hiện, thấy việc buôn bán khá thuận lợi, khách hàng thanh toán qua tài khoản ngày càng nhiều.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong thực hiện các dịch vụ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các giao dịch trong thời đại số, đem lại những lợi ích thiết thực cho chính quyền địa phương, người dân. Hy vọng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, sự đồng hành của Viettel Trà Vinh, quá trình chuyển đổi số trên địa bàn huyện Châu Thành sẽ đạt nhiều kết quả nổi bật, từng bước xây dựng, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, hướng đến sự phát triển nhanh và bền vững.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Để thực hiện lộ trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM) thông minh giai đoạn 2021 - 2025, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân mạnh dạn chuyển đổi số, thực hiện quét mã QR, truy cập internet dễ dàng, cập nhật thông tin, tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đơn giản nhất bằng điện thoại thông minh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, kéo giảm khoảng cách từ thành thị đến nông thôn, sớm xây dựng thành công xã NTM thông minh.