04/01/2023 08:31
Sản phẩm “Mật hoa dừa” của Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sản phẩm OCOP 4 sao) đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hà Lan (ảnh tham gia cuộc thi “Tôi yêu hàng Việt Nam” tỉnh Trà Vinh lần thứ II năm 2021).
Các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị và địa phương đều có kế hoạch tuyên truyền, quán triệt trong nội bộ và các tầng lớp nhân về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động; các cơ quan báo chí bám sát các sự kiện có nội dung, hoạt động liên quan đến thực hiện Cuộc vận động để thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, góp phần định hướng, động viên mọi người ưu tiên dùng hàng Việt trong lựa chọn mua sắm phục vụ sinh hoạt gia đình và cơ quan, đơn vị.
Lồng ghép với tập huấn công tác, UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức triển khai, hướng dẫn văn bản thực hiện Cuộc vận động cho hơn 1.000 cán bộ, công chức Mặt trận các cấp và Ban công tác Mặt trận ấp, khóm; huyện Duyên Hải tổ chức Cuộc thi “Thanh niên với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đoàn viên, hội viên, nhất là người đứng đầu trong việc ưu tiên dùng hàng Việt.
Các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn, hàng hóa của các làng nghề truyền thống đến người tiêu dùng trong tỉnh và du khách được tăng cường thông qua các cuộc hội chợ thương mại gắn với các lễ hội, các sự kiện xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh, nổi bật như Hội chợ triển lãm thương mại sản phẩm Công nghiệp nông thôn - OCOP Trà Vinh năm 2022 trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh với quy mô 270 gian hàng của 120 đơn vị, doanh nghiệp tham gia; Hội chợ Xúc tiến Thương mại và Công nghiệp nông thôn gắn với Lễ hội Ok Om Bok năm 2022 với quy mô 300 gian hàng của 116 đơn vị, doanh nghiệp tham gia; tổ chức 02 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại xã Trường Long Hòa (thị xã Duyên Hải) và xã Ngũ Lạc (huyện Duyên Hải), mỗi phiên chợ có 22 doanh nghiệp, 60 gian hàng; tổ chức 06 chuyến kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, qua đó có 32 biên bản, hợp đồng ghi nhớ được ký kết; hướng dẫn 24 đơn vị tham gia xây dựng, cập nhật gian hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Tiki.vn, Voso.vn, Sendo.vn,..; liên kết sàn TMĐT của tỉnh với 14 tỉnh, thành trên cả nước, có 49 doanh nghiệp với 663 loại sản phẩm tham gia cập nhật lên sàn.
Các ngành, các địa phương đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (sản phẩm OCOP). Trong năm, có 28 sản phẩm được công nhận mới, nâng tổng số toàn tỉnh hiện có 104 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 83 sản phẩm 3 sao, 15 sản phẩm 4 sao, 06 sản phẩm 5 sao; triển khai xây dựng và ra mắt 03 cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ tại điểm du lịch Cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành), khu Du lịch biển Ba Động (xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải), khu Di tích Ao Bà Om (Phường 8, thành phố Trà Vinh) với khoảng 200 sản phẩm được trưng bày và bán phục vụ khách du lịch. Đến nay, toàn tỉnh cũng đã xác nhận 10 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (gồm 01 chuỗi mật hoa dừa, 06 chuỗi gạo, 02 chuỗi rau và 01 chuỗi thịt), sản lượng cung cấp ra thị trường khoảng 410.252 tấn/năm, trong đó, sản phẩm mật hoa dừa đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hà Lan.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới, đồng chí Phạm Văn Tám, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp tỉnh cho biết, Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nội bộ và các tầng lớp Nhân dân, nhất là phối hợp tổ chức hội nghị chuyên đề để triển khai, quán triệt các văn bản về thực hiện Cuộc vận động cho cán bộ, công chức cấp xã trong tỉnh. Tổ chức các hoạt động hội chợ nhân dịp các lễ, hội trong tỉnh, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn; đồng thời tham gia các hoạt động ngoài tỉnh, kết nối cung cầu, kết nối tiêu thụ sản phẩm, trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ của tỉnh.
Đặc biệt là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 30/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Quyết định số 2959/QĐ-UBND, ngày 13/8/2020 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025.
Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, TMĐT vào quản lý, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm hàng hóa trên môi trường mạng; hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp tham gia xây dựng, cập nhật gian hàng trực tuyến trên các sàn TMĐT Tiki.vn, Voso.vn, Sendo.vn; tăng cường kết nối sàn TMĐT của tỉnh với các tỉnh, thành trong cả nước để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trao đổi thông tin, quảng bá sản phẩm trên các sàn TMĐT ở từng địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.
Bài, ảnh: VY NGUYỄN
Để thực hiện lộ trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM) thông minh giai đoạn 2021 - 2025, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân mạnh dạn chuyển đổi số, thực hiện quét mã QR, truy cập internet dễ dàng, cập nhật thông tin, tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đơn giản nhất bằng điện thoại thông minh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, kéo giảm khoảng cách từ thành thị đến nông thôn, sớm xây dựng thành công xã NTM thông minh.