29/08/2024 09:45
Nhân viên Nguyễn Hoàng Nguyên Phương (bìa trái), Văn phòng UBND Phường 1, thành phố Trà Vinh tiếp công dân.
Hiện nay việc ứng dụng công nghệ số được cơ sở đẩy mạnh, nhất là tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của CĐS, thiết lập thói quen giao dịch online và sử dụng thiết bị thông minh, máy tính như một công cụ thiết yếu, phục vụ trực tiếp đời sống, điển hình: sử dụng mã QR trong tra cứu thông tin hay thanh toán không dùng tiền mặt trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); ứng dụng chữ ký số cá nhân, giao dịch thương mại điện tử…
Theo đồng chí Phạm Minh Hải, Công chức Văn phòng - Thống kê xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, 07 tháng đầu năm 2024, Văn phòng UBND xã Đức Mỹ tiếp nhận 439 hồ sơ trực tuyến (có 391 hồ sơ thuộc lĩnh vực hành chính); thực hiện CĐS, ở cơ sở là nơi tiếp cận dân nhiều nhất, tạo những lợi ích thiết thực cho người dân, nhằm phục vụ người dân, hướng tới nâng cao hiệu quả và tiện ích của các hoạt động xã hội, kinh doanh, xây dựng xã hội số.
Tại UBND Phường 1, thành phố Trà Vinh, là phường đông dân cư, địa bàn quản lý rộng; theo Công chức Tư pháp - Hộ tịch Võ Thị Út An, thực hiện CĐS, từ đầu năm 2024 đến ngày 20/8, tiếp nhận 824 hồ sơ trực tuyến (có 447/824 hồ sơ nhận từ một cửa điện tử, 377 hồ sơ nhận trực tuyến), phường đã giải quyết đạt 99,9%
Đồng chí Nguyễn Văn Chuẩn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, nhằm đáp ứng nhiệm vụ CĐS, Sở đã phối hợp chỉ đạo thực hiện hoàn thiện hạ tầng số viễn thông, đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt và phục vụ kịp thời sự chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhu cầu của người dân. Duy trì hệ thống internet băng rộng cáp quang, phủ sóng di động 3G, 4G đến 100% xã, phường, thị trấn; đảm bảo cung cấp kết nối mạng cho các tổ chức, cá nhân; toàn tỉnh hiện có 1.236 trạm thu phát sóng thông tin di động; trên 90% người dân sử dụng internet...
Song song đó, về hạ tầng bưu chính, tỉnh đã đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của tổ chức, cá nhân. Toàn tỉnh hiện có 13 doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, với 160 điểm phục vụ (bưu cục, điểm Bưu điện - Văn hóa xã, các điểm thu gom...); 85/85 xã có điểm phục vụ bưu chính, chất lượng dịch vụ từng bước nâng cao, sẵn sàng đáp ứng cho CĐS của tỉnh. Đồng thời, mạng truyền số liệu chuyên dùng được duy trì tại 150 cơ quan, đơn vị (16 cơ quan Đảng, 134 cơ quan nhà nước; cấp tỉnh 19, cấp huyện 09, cấp xã 106).
Thời gian qua, tỉnh còn quan tâm về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực số, trong 06 tháng đầu năm 2024, Sở đã tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức về CĐS cho 4.250 cán bộ, công chức, viên chức cho các sở, ngành; đặc biệt, có 02 lớp đào tạo, hướng dẫn cho 09 công chức phòng tư pháp và 106 công chức tư pháp - hộ tịch cơ sở thực hiện tra cứu, cập nhật, sử dụng dữ liệu hộ tịch đã được số hóa; tổ chức 11 lớp tập huấn cho 283 cán bộ, công chức, viên chức làm công tác xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý; có 710 học viên tham gia bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về CĐS, kỹ năng số, công nghệ số trên nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở (MOOCS) do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức; hướng dẫn trực tiếp và trực tuyến cho 1.674 lượt cán bộ, công chức, viên chức sử dụng, khai thác các hệ thống, ứng dụng đã được triển khai: hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, quản lý văn bản điều hành; hệ thống ISO điện tử, ứng dụng chứng thư số…
Về chính quyền số, tỉnh triển khai các ứng dụng dùng chung trong hoạt động nội bộ của cơ quan nhà nước; trong đó, hệ thống quản lý văn bản và điều hành - iOffice áp dụng cho 577 cơ quan (cấp tỉnh 139, cấp huyện 332, cấp xã 106) với 9.235 người dùng. Hệ thống đã tích hợp giải pháp ký số; liên thông gửi - nhận văn bản điện tử thông suốt từ trung ương đến cấp xã và liên thông gửi nhận văn bản điện tử với hệ thống iOffice của Văn phòng Tỉnh ủy; tỷ lệ ký số văn bản điện tử đạt 86,6%. Đồng thời, cấp mới 217 tài khoản nâng tổng số hộp thư điện tử công vụ (mail.travinh.gov.vn) cấp cho cán bộ, công chức, viên chức đến nay 10.325 người, góp phần tăng cường trao đổi, sử dụng văn bản điện tử qua môi trường mạng.
Chuyển đổi số ở cơ sở đến nay đã đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ được giao, hệ thống ISO điện tử, duy trì triển khai đến 19 cơ quan thuộc UBND tỉnh, 09 UBND các huyện, thị xã, thành phố và 106 UBND xã, phường, thị trấn; có 1.133 người sử dụng, hệ thống hỗ trợ công tác quản lý, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Hệ thống kết nối với Cổng dịch vụ công của tỉnh để đồng bộ trạng thái tiếp nhận, xử lý, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội tỉnh đã áp dụng cho 194 đơn vị (cấp tỉnh 16, huyện 72, xã 106), cập nhật 649 chỉ tiêu phục vụ nhu cầu khai thác thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước, phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Hệ thống kết nối, gửi nhận báo cáo hằng tháng với hệ thống báo cáo của Văn phòng Chính phủ; kết nối với Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh. Hệ thống hội nghị truyền hình đảm bảo đáp ứng 120 điểm cầu họp đồng thời (05 điểm cầu tỉnh; 09 điểm cầu huyện, thị xã, thành phố và 106 điểm cầu xã, phường, thị trấn).
Với quyết tâm cao của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đưa công tác CĐS số cơ sở của tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Để thực hiện lộ trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM) thông minh giai đoạn 2021 - 2025, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân mạnh dạn chuyển đổi số, thực hiện quét mã QR, truy cập internet dễ dàng, cập nhật thông tin, tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đơn giản nhất bằng điện thoại thông minh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, kéo giảm khoảng cách từ thành thị đến nông thôn, sớm xây dựng thành công xã NTM thông minh.