05/02/2025 11:13
Trước yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 26/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiên phong, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi số với mục tiêu và giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực tuyên giáo. Trong đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đi đầu trong công tác tuyên truyền, tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), xem đây là “khâu đột phá” trong nhiệm vụ chính trị của ngành, thực hiện chuyển đổi số, “Tuyên giáo số” đó là đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo video ngắn từ 01 - 10 phút để kịp thời, nhanh chóng đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân; đồng thời là kênh nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của dân đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thực sự trở thành “cầu nối” Đảng với dân.
Để đổi mới phương pháp tuyên truyền trong bối cảnh chuyển đổi số, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tận dụng mạnh mẽ các nền tảng công nghệ số, được coi là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số hiện nay. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã duy trì hoạt động hiệu quả các trang mạng xã hội quản trị như: 02 trang facebook “Nghị quyết và Cuộc sống”, “Trà Vinh 24/7”; 02 kênh tiktok “Nghiquyetvacuocsong”, Anhdeptravinh; trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (https://travinh.dcs.vn/bantuyengia); 01 trang sách điện tử (chuyendoiso.tuyengiaotravinh.vn) và 01 trang zalo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy... Trong năm 2024, đăng trên 2.000 bài viết tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các ngày kỷ niệm, sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh, với số lượng trên 10.000 lượt người theo dõi…
Sách điện tử Bà Mẹ Việt Nam anh hùng trên quê hương Trà Vinh anh dũng (chuyendoiso.tuyengiaotravinh.vn).
Điểm nổi bật là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 03/ĐA-TU, ngày 28/3/2022 Đề án Sổ tay đảng viên điện tử. Qua 02 năm triển khai thực hiện Đề án số 03 các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và Đảng ủy Khối cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh đã chỉ đạo thực hiện cơ bản các yêu cầu về tạo lập, cập nhật, tổ chức vận hành, sử dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử trong việc cung cấp thông tin định hướng, tổ chức sinh hoạt của các tổ chức đảng; ý thức trách nhiệm của từng đảng viên trong việc tham gia sử dụng phần mềm Sổ tay đảng điện tử từng bước được nâng lên.
Việc triển khai phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử để cung cấp thông tin, tài liệu cho cán bộ, đảng viên trong tổ chức sinh hoạt ở các tổ chức đảng cơ bản đạt yêu cầu, nhiều chi bộ đã hình thành mới thói quen sử dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử để cung cấp thông tin, tài liệu cho đảng viên khi tham gia sinh hoạt đảng. Tính đến nay đã đăng trên 300 văn bản (trong đó, mục tin túc đăng trên 100 tin, bài); tiết kiệm các nguồn lực thời gian, công sức trong nghiên cứu học tập Nghị quyết và sinh hoạt Đảng,…
Cùng với đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã số hóa nội dung tuyên truyền, nội dung được chuyển đổi từ các hình thức truyền thống như: Sách lịch sử Đảng bộ tỉnh, đề cương tuyên truyền, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh được chuyển các sản phẩm số như video clip, infographic, bài viết ngắn gọn, hình ảnh trực quan. Điều này không chỉ giúp thông tin dễ tiếp cận mà còn tăng tính thẩm mỹ, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng, đặc biệt là cán bộ hưu trí, giới trẻ...
Nhờ sự đổi mới trong phương pháp tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được truyền tải đến người dân một cách hiệu quả, nhanh chóng. Đặc biệt, sự tương tác giữa Đảng và người dân được tăng cường thông qua các nền tảng số.
Thời gian tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục đầu tư vào chuyển đổi số, đẩy mạnh sáng tạo nội dung và tăng cường sự tham gia của người dân trong công tác tuyên truyền. Cùng với đó, nội dung công tác tuyên giáo phải được số hóa, phải hình thành được cơ sở dữ liệu tuyên giáo số hay thư viện dữ liệu số về tuyên giáo, hoạt động liên tục không có giờ nghỉ và có thể đáp ứng và phục vụ người đọc bất kỳ ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào... Đây cũng chính là cơ hội để cán bộ, công chức ngành Tuyên giáo tỉnh khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của mình; đây chính là chìa khóa để Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vươn mình, phát triển bứt phá, đuổi kịp, đồng hành cùng dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bài, ảnh: MINH ANH
Đến ngày 10/01/2025, toàn tỉnh có 393 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên của 250 chủ thể (32 công ty, 07 doanh nghiệp, 35 hợp tác xã; 04 tổ hợp tác và 172 hộ kinh doanh). Trong đó, có 03 sản phẩm đạt 5 sao, 07 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 46 sản phẩm đạt 4 sao và 337 sản phẩm 3 sao. Qua đó, có trên 80% sản phẩm OCOP được ứng dụng công nghệ số để quảng bá và xúc tiến thương mại như sử dụng QR code, mã vạch…