07/02/2023 17:07
Chuyên viên BHXH hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VssID (BHXH số).
Hiện các sở, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số. Trong chỉ đạo điều hành, các cấp, các ngành luôn quan tâm đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, khai thác hiệu quả thành tựu công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, xây dựng chính quyền số là một trong những mục tiêu quan trọng được Tỉnh ủy Trà Vinh hướng tới khi ban hành Nghị quyết số 09/NQ-TU, ngày 26/01/2022 “về chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ... làm đổi mới căn bản hoạt động của bộ máy chính quyền, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 Trà Vinh trở thành tỉnh khá trong cả nước về chuyển đổi số.
Tỉnh đã và đang xây dựng, phát triển chính quyền số nhằm tận dụng những bước tiến của công nghệ, thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp. Trong đó, Cổng dịch vụ công của tỉnh (https://dichvucong.travinh.gov.vn/) có chức năng hỗ trợ cơ quan hành chính nhà nước các cấp thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến người dân, doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến.
Năm 2022, hệ thống đã tiếp nhận 263.796 hồ sơ (224.581 trực tiếp, 39.215 trực tuyến) và giải quyết 255.747 hồ sơ. Trong đó, dịch vụ công mức độ 3 tiếp nhận 96.827 hồ sơ; dịch vụ công mức độ 4 tiếp nhận 145.965 hồ sơ.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Trà Vinh là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số, từ năm 2016 đến nay, BHXH tỉnh đã thực hiện cắt giảm 07 thủ tục hành chính (từ 32 thủ tục giảm xuống còn 25 thủ tục), cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Chất lượng cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” được nâng dần qua các năm, các quy trình bảo đảm nguyên tắc đơn giản, công khai, đúng luật, nhanh chóng. 100% hồ sơ, thủ tục được giải quyết đúng hạn theo cơ chế “một cửa”, giao dịch điện tử trong việc tham gia BHXH, bảo hểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt gần 96%…
Ông Phạm Minh Hợp, Phường 1, thành phố Trà Vinh chia sẻ: do làm mất thẻ bảo hiểm y tế, tôi đến liên hệ với cơ quan BHXH cấp lại thẻ. Khi đến đây, được chuyên viên BHXH tỉnh tận tình hướng dẫn, tôi thấy thủ tục rất đơn giản, chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân của người bị mất thẻ và đối chiếu lại hồ sơ thủ tục, sau khoảng 15 phút, bộ phận phụ trách đã in lại thẻ bảo hiểm y tế cho tôi.
Đồng chí Nguyễn Thị Đan Thương, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Trà Vinh cho biết: BHXH tỉnh và BHXH cấp huyện đều có Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính với đội ngũ cán bộ nhiệt tình, năng động, tâm huyết phục vụ và hỗ trợ kịp thời cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đến giao dịch với cơ quan BHXH. Tại trụ sở làm việc đều niêm yết công khai các thủ tục hành chính. Hiện nay, các đơn vị trực thuộc BHXH tỉnh đều việc đẩy mạnh giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, từ đó, giúp tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí đi lại cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, góp phần tích cực vào việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính của cơ quan BHXH.
Nhìn chung, việc triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số đã đạt được những bước tiến mới, đây là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh Trà Vinh tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ phục vụ công cuộc cải cách hành chính, hoàn thiện các nền tảng số nhằm kết nối, chia sẻ với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh với Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và các tỉnh, thành trên cả nước. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển hạ kỹ thuật công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu và các nền tảng số phục vụ triển khai hiệu quả kinh tế số, xã hội số trên địa bàn. Bên cạnh, tích hợp công nghệ và kỹ thuật số vào quá trình hoạt động kinh doanh nhằm gia tăng hiệu quả vận hành, tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Bài, ảnh: NX - MT
Để thực hiện lộ trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM) thông minh giai đoạn 2021 - 2025, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân mạnh dạn chuyển đổi số, thực hiện quét mã QR, truy cập internet dễ dàng, cập nhật thông tin, tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đơn giản nhất bằng điện thoại thông minh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, kéo giảm khoảng cách từ thành thị đến nông thôn, sớm xây dựng thành công xã NTM thông minh.