13/01/2023 15:24
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Trà Vinh là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động. Ảnh: ANH KHOA
Hoạt động chuyển đổi số của nước ta được triển khai thực hiện khoảng 05 năm qua và đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Tại Trà Vinh, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, khai thác hiệu quả thành tựu công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Chuẩn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: nhằm đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ngày 26/01/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành Nghị quyết số 09/NQ-TU về chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngày 12/7/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 50/KH-UBND, triển khai thực hiện Nghị quyết số 09. Mục tiêu đến năm 2025, Trà Vinh cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh. Phấn đấu tối thiểu 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai áp dụng ít nhất một nền tảng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến năm 2030 hoàn thành chuyển đổi số tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, trở thành tỉnh khá trong cả nước về chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng.
Theo báo cáo từ Sở Thông tin và Truyền thông, nhằm phục vụ chuyển đổi số, toàn tỉnh hiện có 06 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông (VNPT Trà Vinh, Viettel Trà Vinh, MobiFone Trà Vinh, FPT chi nhánh Trà Vinh, Gtel và Vietnamobile). Có 02 doanh nghiệp truyền hình cáp (SCTV và VTVcab) cùng 03 doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ truyền hình cáp (myTV, NextTV và FPT Play). Các doanh nghiệp trên sẵn sàng cung ứng đa dạng các dịch vụ phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn. Mạng truyền dẫn cáp quang được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn.
Toàn tỉnh có 1.208 trạm BTS (86,18% trạm 4G), trên 74% người dân sử dụng internet, trên 60% dân số có điện thoại thông minh, 59,25% gia đình có đường truyền internet cáp quang băng rộng, 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng thông tin di động 4G. Về hạ tầng bưu chính, toàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, 85/85 xã có điểm phục vụ bưu chính với 247 điểm phục vụ sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho chuyển đổi số của tỉnh.
Bên cạnh, Trung tâm dữ liệu của tỉnh gồm 171 máy chủ (31 máy chủ vật lý, 140 máy chủ ảo hóa), cơ bản được đầu tư hiện đại, đồng bộ, năng lực hiện đảm bảo việc triển khai, vận hành các ứng dụng, cơ sở dữ liệu dùng chung của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. 150 cơ quan, đơn vị (16 cơ quan Đảng, 134 cơ quan Nhà nước gồm: 19 cơ quan cấp tỉnh, 09 cơ quan cấp huyện, 106 cơ quan cấp xã) đã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng, hình thành mạng dùng riêng khép kín và được triển khai các giải pháp an toàn thông tin. Có 490 chứng thư số tổ chức, 2.107 chứng thư số cá nhân đang hoạt động, phục vụ ký số văn bản, hồ sơ điện tử.
Chợ Nhị Long, xã Nhị Long - 01 trong 02 chợ hoạt động theo mô hình mua bán không dùng tiền mặt, thanh toán qua quét mã QR trên địa bàn huyện Càng Long. Ảnh: KL
Về phát triển chính quyền số, kho dữ liệu dùng chung của tỉnh có chức năng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, lĩnh vực hỗ trợ các cơ quan có liên quan khai thác, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động quản lý, điều hành, đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính. Tỉnh đã triển khai đưa vào áp dụng nhiều ứng dụng dùng chung phục vụ công tác nội bộ của cơ quan, đơn vị như: iOffice, thư điện tử công vụ, hội nghị truyền hình, ISO điện tử…
Song song với đầu tư công nghệ, nhân lực đảm nhận nhiệm vụ chuyển đổi số được tạo điều kiện tham gia khóa bồi dưỡng, tập huấn về tiếp cận nền tảng công nghệ trong chuyển đổi số... với khoảng 2.500 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham dự (năm 2022). Triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng đến 100% cấp huyện, 100% cấp xã với 732 tổ và 3.842 thành viên.
Tuy nhiên, theo nhận định của đồng chí Nguyễn Văn Chuẩn việc ứng dụng và triển khai chuyển đổi số vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, chưa phát huy tốt năng lực của công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa một số đơn vị, địa phương.
Năm 2022, năm đầu tiên của ngày Chuyển đổi số quốc gia được xác định với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Qua đó, từng bước thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước… dựa trên các công nghệ số. Khẳng định ứng dụng chuyển đổi số mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, hướng đến sự tiến bộ, văn minh của xã hội.
Thời gian tới, cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp, các ngành và người dân, thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số.
Bài, ảnh: ANH KHOA
Để thực hiện lộ trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM) thông minh giai đoạn 2021 - 2025, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân mạnh dạn chuyển đổi số, thực hiện quét mã QR, truy cập internet dễ dàng, cập nhật thông tin, tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đơn giản nhất bằng điện thoại thông minh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, kéo giảm khoảng cách từ thành thị đến nông thôn, sớm xây dựng thành công xã NTM thông minh.