03/11/2022 07:01
Ông Trầm Minh Thuần, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Long Hiệp (huyện Trà Cú) cho biết: HTX đã thực hiện chuyển đổi số từ năm 2019 - 2020, thông qua việc xây dựng quy trình mã QR và mã vạch trên sản phẩm gạo “Hạt ngọc rồng”.
Ngoài ra, trong quản lý vận hành của HTX còn áp dụng công nghệ hiện đại như: lau bóng, lọc tấm, bắt màu được thực hiện chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO 2200; HACCP và quy trình quản lý 5S. Đây là những yếu tố quan trọng để khách hàng và người tiêu dùng dù ở bất cứ nơi đâu đều nằm bắt được sản phẩm của HTX qua việc giám sát và sử dụng các thiết bị đầu cuối như điện thoại thông minh để kiểm tra, theo dõi chất lượng, nguồn gốc khi mua sản phẩm...
Chương trình chuyển đổi số trong XDNTM, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021- 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 924/QĐ-TTg, ngày 02/8/2022 (chương trình chuyển đổi số). Có thể nói việc ứng dụng chương trình chuyển đổi số sẽ giúp cho các HTX, doanh nghiệp (DN) ứng dụng vừa tạo ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng có nhiều thách thức.
Cũng theo ông Trầm Minh Thuần, hiện nay việc người dân sử dụng các thiết bị đầu cuối trong chuyển đổi số khá lớn, đây là dịp để HTX, DN đưa sản phẩm của mình vươn xa đến với người tiêu dùng và người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm của mình hơn. Tuy nhiên, việc triển khai, ứng dụng chuyển đổi số tại HTX cũng gặp nhiều khó khăn, tự bản thân của từng HTX hay DN khó hoàn thiện.
Riêng đối với HTX, đó là khi thực chuyển đổi số sâu, tức là phải xây dựng được kho dữ liệu của chính HTX hiện còn yếu, đội ngũ nhân lực còn thiếu; việc tích hợp khách hàng và liên kết với kho dữ liệu của các công ty, DN khác chưa bài bản; đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp, các ban, ngành. Nguồn vốn nội lực để từng HTX, hay DN khi đầu tư vào chuyển đổi số là khó, phải thuê các DN, công ty chuyên môn về lĩnh vực công nghệ để xây dựng ứng dụng chuyển đổi số, nên cần có sự hỗ trợ nguồn vốn từ Nhà nước hay các dự án…
Thực hiện kiểm tra mã QR trên smartphone với sản phẩm gạo hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh.
“Đi tắt, đón đầu” đã được HTX nông nghiệp Châu Hưng (huyện Châu Thành) bắt tay vào việc ứng dụng chuyển đổi số ngay từ cuối năm 2021, thông việc xây dựng mã vùng trồng (200ha chuyên sản xuất lúa trên địa bàn xã Hưng Mỹ, Long Hòa, Hòa Lợi huyện Châu Thành) nhằm để cung cấp sản phẩm cho các DN Trung Quốc đang được các phía đối tác của HTX yêu cầu phải có mã vùng trồng, nhằm xác định nguồn gốc, cập nhật thông tin, vị trí vùng canh tác khi đối tác kiểm tra. Khi bước vào thời điểm sản xuất (lịch xuống giống, ra đồng, quản lý dịch bệnh trên đồng ruộng...) thông qua từng tổ trưởng sẽ kết nối với các tổ viên mình và đưa quy trình trên vào ứng dụng (App) chuyên quản lý trong trồng trọt.
Trao đổi với chúng tôi, ông La Quốc Yên, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Châu Hưng chia sẻ: riêng chi phí mà HTX bỏ ra cho giai đoạn ứng dụng chuyển đổi số gần 450 triệu đồng. Trong này, HTX đầu tư và trang bị 250 smartphone cho 250 thành viên tham gia sản xuất, để các thành viên khi ra đồng sẽ tiến hành khởi động điện thoại nhằm xác định vị trí, địa điểm trên từng thửa ruộng của mình nằm trong tổng thể của 200ha (đang chờ cấp mã vùng từ Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Đây cũng là yếu tố để đối tác kiểm tra ngẫu nhiên (thửa ruộng) của thành viên trên bản đồ tổng thể (mã định danh vùng trồng đã đăng ký) và xác định nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm (lúa) được HTX đăng ký sản xuất; do từng thành viên sẽ có 01 mã số xác định nằm trong vùng diện tích chung đã đăng ký. Đến nay, HTX đã triển khai được trên 75% ứng dụng smartphone cho các thành viên HTX, dự kiến cuối năm 2022 hoàn thành 100%.
Thạc sĩ Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết: trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh phối hợp VNPT, Công ty Nam Long, NestPlus, Công ty Smart Life tổ chức nhiều cuộc hội thảo giới thiệu nền tảng chuyển đổi số cho các tổ chức/cá nhân tiếp cận/chuyển đổi. Qua đó, tỉnh hỗ trợ 1,2 triệu tem truy xuất nguồn gốc cho 21 DN/CS/HTX và giới thiệu các chủ thể tham gia các sàn thương mại điện tử: Travinh.trade.com; Azuamua.com…
Xây dựng và duy trì được 55 nhãn hiệu nông sản, được cấp 64 mã số vùng trồng và có 104 sản phẩm đạt OCOP từng bước khẳng định vị thế của sản phẩm trên thị trường; các mô hình sản xuất có hiệu quả và mô hình hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được nhân rộng... Thu nhập bình quân của người dân ở nông thôn đạt khoảng 34 triệu đồng/người, tăng khoảng 02 triệu so với năm 2021) góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 03%.
Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít thách thức cho việc chuyển đổi số ở khu vực kinh tế tập thể, HTX. Đặc biệt, hiện nay có nhiều HTX vẫn chưa đủ điều kiện, cơ sở vật chất để ứng dụng quản lý trên phần mềm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Nội lực HTX còn yếu, chưa sẵn sàng cho việc thích ứng với những thay đổi mang tính khách quan, như việc cải tiến quy trình quản lý, sản xuất, áp dụng công nghệ mới hay công cuộc chuyển đổi đều rất hạn chế. Đánh giá về thực hiện ứng dụng chuyển đổi số vào kinh tế tập thể, nhất là trong HTX.
Đồng chí Thái Phước Lộc, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: trong chuyển đổi số có nhiều công việc cần triển khai. Vừa qua, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phối hợp với công ty viễn thông thực hiện chữ ký số, hóa đơn điện tử cho các HTX trên địa bàn tỉnh. Hiện có 01 số HTX đã hoàn thiện việc xây dựng mã QR, mã vạch, thương hiệu, nhãn hiệu cùng với các HTX có các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Để thực hiện lộ trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM) thông minh giai đoạn 2021 - 2025, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân mạnh dạn chuyển đổi số, thực hiện quét mã QR, truy cập internet dễ dàng, cập nhật thông tin, tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đơn giản nhất bằng điện thoại thông minh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, kéo giảm khoảng cách từ thành thị đến nông thôn, sớm xây dựng thành công xã NTM thông minh.