07/06/2023 14:46
Chị Lê Minh Thư (bìa phải) thực hiện quét mã QR số hóa thông tin tại Di tích lịch sử cấp tỉnh chùa Lò Gạch.
Chị Lê Minh Thư, Bí thư Huyện Đoàn Châu Thành cho biết: thực hiện số hóa di tích lịch sử trên địa bàn huyện Châu Thành nhằm tăng cường chuyển đổi số đồng bộ trên tất cả các mặt công tác của Đoàn, phát huy vai trò của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số, vận dụng, ứng dụng công nghệ số trong thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong, sáng tạo của tuổi trẻ huyện Châu Thành trong tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử của địa phương, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động của Đoàn. Trước mắt sẽ đưa vào sử dụng bảng mã QR số hóa thông tin của Di tích lịch sử cấp tỉnh chùa Lò Gạch (xã Lương Hòa) và Đình An Mỹ (xã Hưng Mỹ).
Trong đó, chùa Lò Gạch, ấp Ba Se A, xã Lương Hòa được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 21/11/2022. Đây là ngôi chùa giàu truyền thống cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa là nơi tập trung lực lượng tham gia chiến đấu, đầu mối giao liên đến các cơ sở cách mạng trong tỉnh nói chung, huyện Châu Thành nói riêng và là hậu phương vững chắc cung cấp vũ khí, thuốc y tế, lương thực cho cách mạng. Sau ngày giải phóng, chùa Lò Gạch tích cực đóng góp sức người, sức của cùng địa phương trong cuộc xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Công trình thanh niên số hóa tư liệu, hiện vật, thông tin các di tích lịch sử chùa Lò Gạch giúp địa phương thuận tiện trong tuyên truyền, giữ gìn, bảo tồn truyền thống lịch sử văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Thượng tọa Thạch Trinh, Trụ trì chùa Lò Gạch nhận định: công trình thanh niên số hóa di tích lịch sử đã góp phần nâng cao nhận thức các thế hệ trẻ hôm nay về tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử ông cha để lại.
Cùng với chùa Lò Gạch, di tích lịch sử đình An Mỹ, ấp Bà Trầm, xã Hưng Mỹ cũng được Huyện Đoàn Châu Thành số hóa bảng mã QR để giúp mọi người tìm hiểu thông tin, hình ảnh di tích nhanh chóng.
Di tích đình An Mỹ còn gọi là đình Bà Trầm cách trung tâm thành phố Trà Vinh gần 08km. Đình được xây dựng vào những thập niên 20 thế kỷ XIX dưới thời Minh Mạng. Hiện tại, trong đình còn lưu giữ một sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng có niên đại Tự Đức ngũ niên 1852. Những năm cuối thế kỷ XIX, đình An Mỹ là nơi tập hợp hoạt động của nhiều tổ chức yêu nước, tiêu biểu là hưởng ứng phong trào kháng chiến chống Pháp. Sang thế kỷ XX, đình An Mỹ là nơi tập hợp những người yêu nước hoạt động chống Pháp trong tổ chức Thiên Địa Hội. Khi chi bộ Đảng xã Hưng Mỹ được thành lập năm 1939, ngôi đình cũng là một trong những địa điểm thường xuyên được Chi bộ tổ chức các cuộc họp quan trọng.
Đồng chí Nguyễn Văn Thảo, Bí thư Chi bộ ấp Bà Trầm cho biết: được sự quan tâm của các ngành, các cấp đặc biệt là Huyện Đoàn đã hỗ trợ tạo mã QR giới thiệu về di tích đình An Mỹ, giúp người dân thuận lợi khi cập nhật thông tin, di tích lịch sử của đình An Mỹ. Thông qua ứng dụng, chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR thì mọi người đã cập nhật được thông tin ngay và biết được những nội dung cần thiết, quan trọng về di tích lịch sử đình An Mỹ.
Ông Trần Văn Tổng, ngụ xã Hưng Mỹ bày tỏ: chương trình số hóa rất hay, thuận lợi giúp người dân tìm hiểu được nguồn gốc di tích lịch sử đình An Mỹ, công sức xây dựng của bậc lão thành cách mạng và những người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, việc cập nhật thông tin rất nhanh gọn. Tôi mong là sắp tới Huyện Đoàn Châu Thành cập nhật thêm nhiều di tích, giúp người dân dễ tìm hiểu những công trình lịch sử địa phương.
Chị Lê Minh Thư cho biết thêm: thời gian tới, công trình số hóa di tích lịch sử sẽ triển khai tại 100% di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng trên địa bàn huyện, đồng thời hướng đến sẽ số hóa bằng bảng mã QR tại điểm du lịch của huyện Châu Thành. Với những thông tin được số hóa trên các bảng mã QR, người dân và du khách tham quan chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để quét mã QR sẽ hiện ngay những thông tin hữu ích cần tìm hiểu chỉ trong vòng vài giây.
Có thể thấy, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên thanh niên, thiếu nhi được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh ứng dụng chuyển đổi số triển khai linh hoạt và đồng bộ. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của đoàn viên, mang lại hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống.
Bài, ảnh: NX - MT
Để thực hiện lộ trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM) thông minh giai đoạn 2021 - 2025, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân mạnh dạn chuyển đổi số, thực hiện quét mã QR, truy cập internet dễ dàng, cập nhật thông tin, tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đơn giản nhất bằng điện thoại thông minh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, kéo giảm khoảng cách từ thành thị đến nông thôn, sớm xây dựng thành công xã NTM thông minh.