04/05/2023 08:02
Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Trà Vinh, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của tỉnh đang hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn. Toàn tỉnh hiện có 06 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông (VNPT Trà Vinh, Viettel Trà Vinh, MobiFone Trà Vinh, FPT chi nhánh Trà Vinh, Gtel và Vietnamobile) và 01 doanh nghiệp truyền hình cáp sẵn sàng cung ứng đa dạng các dịch vụ phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn. Hạ tầng mạng hoạt động ổn định, thông suốt phục vụ kịp thời sự chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhu cầu của người dân. Hệ thống internet băng rộng cáp quang đã phát triển đến 100% xã, phường, thị trấn; 100% xã, phường thị trấn được phủ sóng di động 3G, 4G, đảm bảo cung cấp kết nối mạng cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, với tổng số 1.222 trạm thu phát sóng thông tin di động. Trên 74% người dân sử dụng internet; trên 68% dân số trên địa bàn tỉnh có điện thoại thông minh; 65,41% gia đình có đường internet cáp quang băng rộng; 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng thông tin di động 4G…
Đồng thời, mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ quản lý nhà nước kết nối 150 cơ quan, đơn vị (16 cơ quan Đảng, 134 cơ quan nhà nước: 19 cơ quan cấp tỉnh, 09 cơ quan cấp huyện, 106 cơ quan cấp xã) đã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng, hình thành mạng dùng riêng khép kín và được triển khai các giải pháp an toàn thông tin. Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh được xây dựng hoàn thành, hệ thống có chức năng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, lĩnh vực hỗ trợ các cơ quan có liên quan khai thác, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động quản lý, điều hành, đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính. Hiện tại đang tích hợp các loại dữ liệu: người dân, doanh nghiệp, thủ tục hành chính, danh mục dùng chung, hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, thông tin và truyền thông.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ngày 18/4/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND về chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh năm 2023, trong đó, xác định mục tiêu: các cấp, các ngành tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Phát huy hiệu quả chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Theo Kế hoạch số 37, năm 2023, 100% cán bộ, công chức, viên chức được tuyên truyền, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, an toàn thông tin; 100% thành viên tổ công nghệ số cộng đồng được bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số, kỹ năng số. Nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã thành lập tổ công nghệ số hoặc ban chỉ đạo thực hiện đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành, nhất là những đơn vị thuộc lĩnh vực ưu tiên như: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp...
Được biết, đến nay, lĩnh vực y tế đã triển khai ứng dụng quản lý khám chữa bệnh cho các cơ sở khám chữa bệnh; ứng dụng Quản lý y tế cơ sở cho các phòng khám đa khoa khu vực, các trạm y tế xã, phường và hệ thống đã được kết nối liên thông với Cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế và Cổng giám định bảo hiểm y tế quốc gia; triển khai thí điểm hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử để mọi người dân đều được quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở y tế. Lĩnh vực giáo dục khai thác các nền tảng số hỗ trợ dạy và học từ xa; ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Triển khai thu học phí không dùng tiền mặt đến 100% các trường học trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo...
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 26/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, thời gian tới, Ban chỉ đạo cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số các lĩnh vực, phấn đấu chuyển toàn bộ các hoạt động liên quan của cơ quan, đơn vị lên môi trường số.
Tập trung phát triển và cung cấp nhiều dịch vụ tương tác bằng hình thức trực tuyến phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, nhất là cung cấp dịch vụ công bằng hình thức trực tuyến; tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị trực tuyến (qua hệ thống phản ánh kiến nghị, Cổng dịch vụ công của tỉnh, Hệ thống phản ánh kiến nghị Cổng dịch vụ công quốc gia); thanh toán phí, lệ phí, thuế không dùng tiền mặt; các dịch vụ lĩnh vực tác động thường xuyên đến đời sống xã hội, doanh nghiệp và người dân; đồng thời triển khai quyết liệt các giải pháp để nâng tỷ lệ tương tác của người dân, doanh nghiệp bằng hình thức trực tuyến trên các nền tảng số đã triển khai.
ANH KHOA
Để thực hiện lộ trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM) thông minh giai đoạn 2021 - 2025, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân mạnh dạn chuyển đổi số, thực hiện quét mã QR, truy cập internet dễ dàng, cập nhật thông tin, tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đơn giản nhất bằng điện thoại thông minh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, kéo giảm khoảng cách từ thành thị đến nông thôn, sớm xây dựng thành công xã NTM thông minh.