10/10/2022 05:23
Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Châu Thành ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện hoạt động giáo dục, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay.
Ngày Chuyển đổi số hướng đến mục tiêu đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số. Thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Tại Trà Vinh, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, khai thác hiệu quả thành tựu công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, việc ứng dụng và triển khai chuyển đổi số vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, chưa phát huy tốt năng lực của công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa một số đơn vị, địa phương.
Ngày 26/01/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành Nghị quyết số 09/NQ-TU về chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 12/7/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 50/KH-UBND, triển khai thực hiện Nghị quyết số 09.
Mục tiêu đến năm 2025, Trà Vinh cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh. Phấn đấu tối thiểu 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai áp dụng ít nhất một nền tảng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến năm 2030 hoàn thành chuyển đổi số tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, trở thành tỉnh khá trong cả nước về chuyển đổi số, hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg…
Nhằm phục vụ chuyển đổi số, theo báo cáo từ Sở Thông tin và Truyền thông Trà Vinh, đến nay toàn tỉnh có 1.208 trạm BTS (trong đó 86,18% trạm 4G), 58% hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng, 100% dân số được phủ sóng di động 3G, 4G, trên 60% dân số trên địa bàn tỉnh có điện thoại thông minh.
Về hạ tầng bưu chính, toàn tỉnh hiện có 14 doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, 85/85 xã có điểm phục vụ bưu chính với 147 điểm phục vụ sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho chuyển đổi số của tỉnh. 150 cơ quan, đơn vị (16 cơ quan Đảng, 134 cơ quan Nhà nước (19 cơ quan cấp tỉnh, 09 cơ quan cấp huyện, 106 cơ quan cấp xã) đã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng, hình thành mạng dùng riêng khép kín và được triển khai các giải pháp an toàn thông tin.
Bên cạnh, Trung tâm dữ liệu của tỉnh gồm 171 máy chủ (31 máy chủ vật lý, 140 máy chủ ảo hóa), cơ bản được đầu tư hiện đại, đồng bộ, đảm bảo việc triển khai, vận hành các ứng dụng, cơ sở dữ liệu dùng chung của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Có 491 chứng thư số tổ chức, 2.081 chứng thư số cá nhân đang hoạt động, phục vụ ký số văn bản, hồ sơ điện tử.
Về phát triển chính quyền số, kho dữ liệu dùng chung của tỉnh có chức năng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, lĩnh vực hỗ trợ các cơ quan có liên quan khai thác, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động quản lý, điều hành, đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính.
Tỉnh đã triển khai đưa vào áp dụng nhiều ứng dụng dùng chung phục vụ công tác nội bộ của cơ quan, đơn vị như: iOffice, thư điện tử công vụ, hội nghị truyền hình, ISO điện tử… Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành - iOffice đã triển khai áp dụng cho 577 cơ quan (139 cơ quan cấp tỉnh, 332 cơ quan cấp huyện, 106 cơ quan cấp xã) với 7.320 người dùng. Từ đó, liên thông gửi nhận văn bản điện tử thông suốt từ Trung ương đến cấp xã và liên thông gửi nhận văn bản điện tử với hệ thống iOffice của Văn phòng Tỉnh ủy.
Đặc biệt, cổng dịch vụ công của tỉnh (iGate) đáp ứng thực thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đã tích hợp hỗ trợ tổ chức, cá nhân thanh toán phí, lệ phí, thuế thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định. Qua đó, cung cấp trên 1.858 dịch vụ công trực tuyến (571 dịch vụ công mức 3, đạt 30,73%; 1.057 dịch vụ công mức 4, đạt 56,89%). Tuy nhiên, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ tỷ lệ hồ sơ được nộp bằng hình thức trực tuyến còn thấp.
Năm 2022, năm đầu tiên của ngày Chuyển đổi số quốc gia được xác định với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Theo đó, các hoạt động tập trung vào phát động các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, cần triển khai thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng, đồng thời, chuyển đổi nhận thức của người dân về thực hiện chuyển đổi số, thực hiện tốt chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp ưu tiên sử dụng các dịch vụ, tiện ích chính quyền số.
Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng. Tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Chương trình vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực vươn ra toàn cầu.
|
Bài, ảnh: ANH KHOA
Để thực hiện lộ trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM) thông minh giai đoạn 2021 - 2025, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân mạnh dạn chuyển đổi số, thực hiện quét mã QR, truy cập internet dễ dàng, cập nhật thông tin, tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đơn giản nhất bằng điện thoại thông minh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, kéo giảm khoảng cách từ thành thị đến nông thôn, sớm xây dựng thành công xã NTM thông minh.