24/01/2025 16:15
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện (bên trái) thăm Công ty TNHH Janakuasa Việt Nam nhân dịp mừng Xuân Ất Tỵ 2025 (xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải).
Để phát triển kinh tế số và nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện thành công kế hoạch chuyển đổi số (CĐS), thời gian qua, UBND tỉnh Trà Vinh và các sở, ban, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ, đồng hành cùng DN góp phần thúc đẩy CĐS trong DN. Rõ nhất là HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 25/2023/NQ-HĐND, ngày 08/12/2023 quy định mức thu phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh đã ban hành 17 văn bản, tạo hành lang pháp lý triển khai các nhiệm vụ, giải pháp CĐS, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3.067 DN đang hoạt động (đến cuối tháng 12/2024), vốn điều lệ 59.058 tỷ đồng, giải quyết việc làm 68.310 lao động (có 40 DN FDI). Bên cạnh những nỗ lực của chính quyền, hoạt động ứng dụng công nghệ trong DN trên địa bàn tỉnh đã có kết quả đáng ghi nhận.
Nhiều DN đã chủ động trong tiếp cận các sàn giao dịch điện tử để trao đổi, mua bán và xây dựng website để quảng bá thương hiệu, sản phẩm; vận dụng nền tảng CĐS để tăng doanh thu, đổi mới phương thức sản xuất phù hợp, thích ứng kịp thời, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo động lực cho phát triển kinh tế số.
Theo đồng chí Phạm Phước Trãi, Phó Giám đốc Sở Công thương, hiện nay, xu hướng hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube, Instagram…) ngày càng mở rộng; DN vừa và nhỏ hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử rất lớn. Nhằm giúp DN hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật, vừa qua, Sở Công thương đã tổ chức cho gần 80 đại biểu tham dự tập huấn về thương mại điện tử và chính sách thuế.
Để CĐS hiệu quả, ngoài phục vụ hệ thống chính trị; còn phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Qua đó, tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt phục vụ kịp thời sự chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhu cầu của người dân, DN. Duy trì hệ thống internet băng rộng cáp quang đến 100% xã, phường, thị trấn; 100% xã, phường thị trấn được phủ sóng di động 3G, 4G, đảm bảo cung cấp kết nối mạng cho các tổ chức, cá nhân, DN trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 1.283 trạm thu phát sóng thông tin di động (đang triển khai phát sóng thử nghiệm 04 trạm 5G trên địa bàn thành phố Trà Vinh); trên 95% người dân, DN sử dụng internet, 93,2% dân số trên địa bàn tỉnh có điện thoại thông minh; 75% hộ có đường internet cáp quang băng rộng.
Trong phát triển DN công nghệ số, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 74 DN kinh doanh lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh doanh các sản phẩm phần cứng (máy tính, máy in, các linh kiện điện tử…), một số DN sản xuất gia công, cung cấp sản phẩm, dịch vụ phần mềm và nội dung số. Tuy là những DN nhỏ, song đáp ứng được nhu cầu người sử dụng trên địa bàn tỉnh.
Về sử dụng sàn thương mại điện tử, có 191 DN tham gia, với 881 sản phẩm; 89.832 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản bán hàng trên sàn thương mại điện tử Buudien.vn và 59.830 hộ trên sàn thương mại điện tử Voso.vn với 1.264 loại sản phẩm được quảng bá, giới thiệu trên sàn. Đặc biệt, tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS; đã triển khai Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS (Chương trình SMEdx) đến các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, chủ thể OCOP trong tỉnh, có 39,13% DN tiếp cận, tham gia; 100% DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số.
Ngoài chủ động, sáng tạo, đổi mới và nỗ lực của DN trong triển khai mạnh mẽ những ứng dụng của công nghệ thông tin, những mô hình, giải pháp mới, hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh, nhằm tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.
Thời gian tới, tỉnh cũng sẽ tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên quan đến hoạt động của DN. Qua đó hỗ trợ, hướng dẫn DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại, xử lý thủ tục hành chính. Hỗ trợ DN ứng dụng thương mại điện tử, tham gia các sàn thương mại điện tử… tìm kiếm thị trường, chào bán sản phẩm trực tuyến…
Đồng chí Hồng Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2024, (tính từ ngày 22/11/2023 - 30/11/2024) toàn tỉnh đăng ký kinh doanh 522 DN (năm 2025, phấn đấu phát triển mới 520 DN). Trong đó, 390 Công ty TNHH MTV, 45 Công ty TNHH 2TV trở lên, 64 DNTN, 23 Công ty Cổ phần; thành lập 299 đơn vị trực thuộc, trong đó, 175 địa điểm, 88 chi nhánh, 36 văn phòng đại diện; với tổng vốn đăng ký 5.576 tỷ đồng, số lao động đăng ký 1.944 người; cấp đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh, bổ sung vốn và các thay đổi khác cho 868 DN và đơn vị trực thuộc, vốn bổ sung 15.274 tỷ đồng. Tỷ trọng vốn bình quân DN là 10,68 tỷ đồng/DN, tăng 1,63 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, 100% hồ sơ được DN đăng ký qua mạng.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, tỉnh sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp, định hướng nhằm tạo điều kiện cho các DN trên địa bàn tỉnh từng bước áp dụng hiệu quả công nghệ, chủ động tiếp cận, xây dựng các sản phẩm và sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, tạo các sản phẩm chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số nhanh, bền vững.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Sáng ngày 09/01, đồng chí Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh theo hình thức trực tuyến kết nối với các điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố và cấp phường, xã thị trấn.