25/12/2024 08:03
Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Trà Vinh tham gia tập huấn về cài đặt ứng dụng VNeID. Ảnh: ANH DUY
Anh Nguyễn Phước Lộc, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Y tế Trà Vinh cho biết: Đoàn Trường có 437 đoàn viên tham gia sinh hoạt ở 20 chi đoàn. Hiện nay, phần lớn sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Trà Vinh đã tiếp xúc với công nghệ thông qua việc sử dụng các thiết bị di động và máy tính. Tuy nhiên, phần lớn thanh niên mới chỉ sử dụng công nghệ cho mục đích giải trí, thay vì khai thác nó cho học tập, làm việc hay phát triển bản thân. Bên cạnh đó, khoảng cách số giữa thanh niên thành thị và nông thôn vẫn còn khá lớn, tạo ra sự chênh lệch trong việc tiếp cận và phát triển kỹ năng số. Điều này đòi hỏi các giải pháp toàn diện nhằm đảm bảo mọi thanh niên đều có thể trang bị kỹ năng số cần thiết.
Nhằm thực hiện tốt công tác chuyển đổi số trong thanh niên, Đoàn Trường Cao đẳng Y tế Trà Vinh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục để thanh niên hiểu rõ vai trò của kỹ năng số trong cuộc sống và công việc, tổ chức các hội thảo, lớp học kỹ năng để giúp thanh niên nhận thức đúng đắn và có định hướng học tập.
Bên cạnh đó, Đoàn Trường phối hợp với các Phòng, Khoa hỗ trợ cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên tích cực ứng dụng công nghệ số vào công tác giảng dạy, học tập như ứng dụng phần mềm ChemRaw hay Chemistry Lab vào giảng dạy các môn học như: Hóa học đại cương, Hóa phân tích, Kiểm nghiệm, Hóa dược; phần mềm Anatomy trong môn Giải phẫu sinh lý… Các giải pháp như tăng cường giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện tiếp cận công nghệ và khuyến khích tinh thần tự học hỏi sẽ giúp thanh niên nắm bắt được những cơ hội mà công nghệ mang lại. Đồng thời, việc hợp tác giữa các tổ chức, doanh nghiệp và Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và định hướng cho thanh niên. Chỉ khi có sự chung tay của toàn xã hội, chúng ta mới có thể xây dựng một thế hệ thanh niên có kỹ năng số vững vàng, sẵn sàng đối mặt với những thách thức và nắm bắt những cơ hội trong tương lai.
Nhà Trường tăng cường đầu tư vào hạ tầng công nghệ của đơn vị như tăng số lượng máy vi tính tại phòng thực hành Tin học và phòng thi từ 60 máy lên 70 máy; số hóa tài liệu và xây dựng thư viện điện tử. Trong việc xây dựng chương trình đào tạo các ngành, Trường chú trọng phát triển kỹ năng số linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Phương pháp đánh giá kết quả học tập của học sinh sinh viên được mở rộng với các hình thức như thuyết minh, thuyết trình trên các nền tảng Powerpoint, Canva…
Mặt khác, Đoàn Trường thường xuyên tổ chức các chương trình, hoạt động hỗ trợ ĐVTN, sinh viên sử dụng công nghệ vào việc học tập cũng như trong đời sống. Chú trọng đảm bảo an toàn thông tin trong quá trình tổ chức. ĐVTN, sinh viên Trường được khuyến khích tự học và sáng tạo thông qua các nền tảng trực tuyến, diễn đàn công nghệ. Việc này không chỉ giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn kích thích tư duy sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề trong môi trường số. Thường xuyên tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp, tổ chức xã hội với ĐVTN, sinh viên. Qua đó, ĐVTN, sinh viên có cơ hội tham gia vào các dự án công nghệ thực tiễn, từ đó nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm làm việc, học tập.
Việc phát triển kỹ năng số cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay là một yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và thích ứng với xu hướng phát triển của thế giới. Bằng những giải pháp đồng bộ từ nâng cao nhận thức, đào tạo bài bản, đến việc tạo cơ hội tiếp cận với công nghệ, chúng ta có thể tin tưởng rằng thanh niên sẽ trở thành lực lượng tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
HỒNG NHUNG
Thông tin từ Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), ngày 16/12 sẽ công bố kết quả đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2024 dựa trên 5 trụ cột Chiến lược; Hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin; Sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn; Độc giả, khán giả, thính giả và Mức độ ứng dụng công nghệ số.