16/02/2024 15:01
Học sinh tiểu học được cha mẹ cho tham gia hoạt động văn nghệ, vui chơi nhằm hạn chế tham gia các trò chơi trên điện thoại.
Sự phát triển của công nghệ số đã làm thay đổi cả về lượng và chất trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Về mặt tích cực, công nghệ giúp kết nối tốt hơn giữa người với người, không phân biệt khoảng cách về không gian và thời gian, giúp chúng ta có thể tìm hiểu những kiến thức cần thiết, học tập trực tuyến, giải trí sau những giờ làm việc mệt mỏi, căng thẳng. Chính nhờ công nghệ số mà mọi người có thể lưu giữ hình ảnh về gia đình, chia sẻ những khoảnh khắc kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc sống.
Tuy nhiên, đối với trẻ em, việc quá lạm dụng công nghệ sẽ có những hậu quả không tốt, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, nhiều trẻ gần như chỉ giao tiếp với điện thoại, dần ít nói hơn, không thích chia sẻ với mọi người, ít vận động, bị mắc các bệnh về mắt nhiều hơn, nghiêm trọng hơn có thể bị trầm cảm, tự kỷ, nhiều học sinh vì quá nghiện game hoặc chơi điện thoại nhiều dẫn đến việc học sa sút... nên việc nuôi dạy, giáo dục con trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay là một thách thức lớn với các bậc cha mẹ.
Chị Lâm Hồng Cẩm, giáo viên Trường Mẫu giáo Tuổi Hồng (xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành) có con gái 06 tuổi, để hạn chế con xem điện thoại, chị dành thời gian gần gũi, vui chơi cùng con, đưa con đến Trung tâm Sinh hoạt Thanh thiếu nhi tham gia các hoạt động văn nghệ.
Chị Cẩm cho biết: là giáo viên mầm non, tôi rất trăn trở việc trẻ hiện nay xem quá nhiều ti-vi, điện thoại, gây ảnh hưởng tâm lý các bé. Gần như lớp nào cũng có 02 - 03 học sinh có biểu hiện nghiện điện thoại khá nghiêm trọng, bé thì quá tăng động, bé lại quá nhút nhát, nhiều em chỉ biết giao tiếp với điện thoại, rất nguy hiểm cho sự phát triển tâm sinh lý sau này.
Còn chị Tống Thị Thanh Trúc, giáo viên Trường Mầm non Hướng Dương, thành phố Trà Vinh cho biết: vài năm gần đây trẻ mầm non có biểu hiện cận thị tăng nhiều, có những trường hợp cha mẹ không biết con bị cận, thấy bé nheo mắt hoài hoặc nhìn không rõ, mới đưa đi khám và khi phát hiện trẻ đã cận 05 - 06 Diop.
Theo nhận định, nguyên nhân trẻ nghiện điện thoại sớm do nhiều cha mẹ, ông bà cho trẻ xem điện thoại quá nhiều, cho trẻ xem điện thoại để trẻ không khóc, chịu ăn, ngồi yên để người lớn làm việc… dần dẫn đến việc nghiện điện thoại mất kiểm soát. Chị Hồng Cẩm bày tỏ: tôi thấy mình may mắn khi là giáo viên mầm non, có kiến thức khá tốt để nuôi dạy con, tránh tình trạng con bị nghiện điện thoại như nhiều trẻ hiện nay.
Chị Đặng Thị Hồng Anh, giáo viên Trường THPT Tiểu Cần chia sẻ: gia đình tôi, hiện tại gồm 04 thành viên, cả hai vợ chồng đều là giáo viên và có 02 con trai, con lớn học đại học, con trai nhỏ lên lớp 8. Để nuôi dạy và giáo dục con nên người và trở thành người có ích là vấn đề mà tôi và chồng luôn trăn trở. Tôi nhận thấy công nghệ số hiện nay cũng ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống và học tập của các con, có cả tích cực và tiêu cực. Với vai trò là cha mẹ, tôi và chồng luôn đồng hành cùng con trong những tình huống có thể xảy ra để nhắc nhở, quan tâm và động viên kịp thời nhất.
Theo chị Hồng Anh, vấn đề đầu tiên mà cũng rất quan trọng trong việc nuôi dạy con thời kỳ chuyển đổi số đó chính là cha mẹ phải quan tâm, là chỗ dựa cho con, hiểu tính cách, suy nghĩ của con và đặc biệt là càn có kiến thức về công nghệ và các nền tảng xã hội để đồng hành cùng con.
Chị Hồng Anh cho bày tỏ, hiện nay chúng ta không thể cấm con sử dụng điện thoại, nhưng cần khéo léo trong quan sát, nhắc nhở con khi sai lệch, cha mẹ phải quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ con đúng lúc. Chúng ta có thể kết bạn trên zalo, feabook với con hoặc những bạn bè thân của con, qua đó chúng ta có thể biết con thích gì, kết bạn với ai, đăng những gì... Ngoài ra, cần nhắc nhở con sử dụng các nền tảng số một cách thông minh không nên lạm dụng sẽ dẫn đến nghiện, không like hoặc chia sẻ những thông tin sai lệch, không đăng những gì riêng tư, những thông tin cá nhân lên mạng xã hội, hướng dẫn con cách truy cập vào các trang chính thống để giúp con bổ sung kiến thức trong học tập…
Đồng chí Tăng Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhận định: việc trẻ em, học sinh nghiện game, điện thoại, tivi ngày càng phổ biến hiện nay, dễ dẫn đến các nguy cơ bệnh tật, ảnh hưởng nhiều đến việc học và tương lai các em sau này. Theo khuyến cáo của bác sĩ, không nên để trẻ xem điện thoại liên tục quá 30 phút, vì vậy, ngoài sự nhắc nhở từ thầy cô, phụ huynh cần quan tâm đến học sinh, tùy lứa tuổi mà cha mẹ có cách giáo dục phù hợp, dành nhiều thời gian quan tâm, vui chơi, chia sẻ cùng con…
Tình trạng học sinh nghiện điện thoại hiện nay là một vấn đề đáng báo động nên các bậc cho mẹ cần dành thời gian quan tâm trẻ, nhất là thời gian nghỉ tết Nguyên đán kéo dài, gia đình cần tạo cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi. Không để trẻ xem điện thoại, ti-vi liên tục trong thời gian quá dài, nguy cơ cận thị nặng hoặc những bệnh lý khác sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, công việc, cuộc sống của trẻ sau này.
Bài, ảnh: ANH KHOA
Để thực hiện lộ trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM) thông minh giai đoạn 2021 - 2025, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân mạnh dạn chuyển đổi số, thực hiện quét mã QR, truy cập internet dễ dàng, cập nhật thông tin, tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đơn giản nhất bằng điện thoại thông minh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, kéo giảm khoảng cách từ thành thị đến nông thôn, sớm xây dựng thành công xã NTM thông minh.