06/09/2024 05:17
'
Giao diện phần mềm học bạ số bậc tiểu học. Ảnh chụp màn hình.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), thay thế học bạ giấy truyền thống bằng học bạ số để sẵn sàng kết nối với hệ thống quản lý thông tin của Bộ GD-ĐT là xu hướng tất yếu hiện nay. Đối với bậc tiểu học, năm học 2023 - 2024, qua triển khai thí điểm học bạ số từ lớp 1 đến lớp 4 tại 118/157 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, bước đầu ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Trong đó, phần lớn cán bộ quản lý, giáo viên tại các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh đã thành thạo việc nhập thông tin, thực hiện đánh giá, nhận xét học sinh vào sổ liên lạc điện tử, học bạ số trên phần mềm quản lý và sổ liên lạc điện tử. Hàng tháng, giáo viên cập nhật thông tin, gửi nhận xét tình hình học tập, rèn luyện của học sinh trên phần mềm học bạ số, phụ huynh có thể truy cập phần mềm để nắm bắt, từ đó phối hợp với nhà trường, giáo viên quản lý, giáo dục các em kịp thời.
Viettel Trà Vinh là đơn vị phối hợp với Sở GD-ĐT cung cấp phần mềm thực hiện học bạ số và đã tổ chức tập huấn sử dụng, vận hành các chức năng, nghiệp vụ cơ bản về tạo lập và sử dụng học bạ số như: tạo lập, cập nhật học bạ số, quản lý và lưu trữ học bạ số, sử dụng học bạ số, kết nối, trao đổi dữ liệu học bạ số với cơ sở dữ liệu ngành. Đồng thời, cung cấp tài khoản ký số cho cán bộ giáo viên và việc kết chuyển dữ liệu từ phần mềm quản lý trường học Vnedu của VNPT sang phần mềm sProfile của Viettel để thực hiện ký số. Qua đó, giáo viên chủ nhiệm từ lớp 1 đến lớp 4 được trang bị chữ ký số. Bên cạnh, hệ thống mạng internet tại các trường ngày càng được cải thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có thực hiện học bạ số.
Trường Tiểu học thị trấn Trà Cú A là đơn vị tiêu biểu ứng dụng chuyển đổi số trong dạy học và quản lý, ứng dụng hiệu quả các phần mềm, trong đó có học bạ số đạt nhiều kết quả. Theo thầy Kim Tấn Lộc, Hiệu trưởng Trường, hiện nhà trường đang quản lý và sử dụng gần 20 phần mềm như: phần mềm quản lý, kế toán, văn thư, chữ ký số, thư viện số, kiểm định chất lượng giáo dục, học bạ số… Trong đó, thực hiện học bạ số, trường được Phòng GD-ĐT huyện Trà Cú chọn thí điểm và được đánh giá thực hiện đạt kết quả cao. Năm học 2023 - 2024, Trường thực hiện học bạ số từ lớp 1 đến lớp 4 với khoảng 550 học sinh, hàng tháng giáo viên nhận xét, đánh giá quá trình học tập, tiến bộ học sinh trên học bạ số, đến cuối năm in ra để lưu hồ sơ.
Thực tế, việc sử dụng học bạ số đã giúp các nhà trường thuận lợi hơn trong quản lý và tiết kiệm được nhiều thời gian cho giáo viên. Vì vậy, khi giáo viên thành thạo trong thực hiện học bạ số sẽ giúp giảm áp lực, gánh nặng về ghi chép, quản lý hồ sơ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở GD-ĐT, việc triển khai thực hiện học bạ số còn một số khó khăn nhất định như: một số địa phương gặp khó khăn như cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu, hạ tầng kết nối chưa đồng bộ, một số giáo viên còn lúng túng, gặp khó trong việc thực hiện ứng dụng công nghệ tin trong quản lý học sinh trên phần mềm. Bên cạnh, triển khai thí điểm học bạ số phải kết hợp nhiều phần mềm để thực hiện, nên nhà trường, giáo viên gặp phải một số khó khăn. Các file dữ liệu về nhập kết quả học tập trên https://hocba.edu.vn không tương đồng giữa các cột trên hệ thống VnEdu và cơ sở dữ liệu ngành nên lấy số liệu phải copy hay cập nhật từng cột rất khó khăn cho giáo viên.
Để phát huy hiệu quả tích cực của học bạ số, các trường đề nghị nhà cung cấp dịch vụ nâng cấp hệ thống đường truyền, đồng bộ hóa các tính năng của hệ thống và cập nhật các biểu bảng phù hợp với các quy định của Bộ GD-ĐT và các phần mềm hệ thống đánh giá giáo dục. Đồng thời, đề xuất Bộ GD-ĐT ban hành văn bản chỉ đạo thống nhất các phần mềm, công tác sao in hoặc phương án lưu trữ học bạ số sao cho giảm bớt thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và công sức cho giáo viên, giảm gánh nặng tài chính cho trường nói riêng và ngành giáo dục nói chung. Đồng bộ liên thông tất cả các bậc học và tất cả các trường cùng hệ thống, để khi học sinh có chuyển cấp, chuyển trường thì chỉ cần thay đổi địa chỉ quản lý học sinh và học bạ giữa nơi đến và nơi đi, hạn chế các bản in và thủ tục rườm rà, gây khó khăn và mất thời gian cho cả nhà trường, giáo viên và gia đình học sinh…
Tin rằng, với những kết quả đạt được bước đầu, việc triển khai thực hiện học bạ số sẽ dần được thực hiện đồng bộ, đánh giá đúng sự tiến bộ của học sinh, giảm áp lực sổ sách cho giáo viên, góp phần thực hiện hiệu quả chuyển đổi số ngành giáo dục.
ANH KHOA
Để thực hiện lộ trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM) thông minh giai đoạn 2021 - 2025, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân mạnh dạn chuyển đổi số, thực hiện quét mã QR, truy cập internet dễ dàng, cập nhật thông tin, tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đơn giản nhất bằng điện thoại thông minh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, kéo giảm khoảng cách từ thành thị đến nông thôn, sớm xây dựng thành công xã NTM thông minh.