16/02/2023 10:20
Học sinh Phan Thị Kim Ngân và Nguyễn Thị Lan Anh và giáo viên hướng dẫn xem lại “Phần mềm chinh phục môn Lịch sử lớp 6”.
Chuyển đổi số là xu hướng chung của xã hội, riêng trong lĩnh vực giáo dục chuyển đổi số có vai trò vô cùng quan trọng, mở ra nhiều phương thức giáo dục hiệu quả hơn; giúp học sinh tiếp cận được nhiều công nghệ mới. Tại Cuộc thi nghiên cứu khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2022 - 2023, nhiều dự án của học sinh ứng dụng công nghệ số giải quyết hiệu quả các vấn đề trong học tập và đời sống.
Trong đó, dự án “Phần mềm chinh phục môn Lịch sử lớp 6” của nhóm học sinh Phan Thị Kim Ngân và Nguyễn Thị Lan Anh (Trường THCS An Quảng Hữu, huyện Trà Cú) được đánh giá cao và đoạt giải Nhì cuộc thi. Phần mềm được nghiên cứu nhằm tạo ra hệ thống các câu hỏi cho môn Lịch sử, giúp học sinh có cách học mới, nhất là học sinh yêu thích môn Lịch sử sẽ có điều kiện học và hệ thống các câu hỏi, các dữ liệu liên quan tốt hơn, nhớ bài lâu hơn.
Để thực hiện phần mềm, 02 em đọc cẩn thận quyển sách Lịch sử lớp 6, hệ thống lại các dữ liệu, tham khảo giáo viên bộ môn và đặc biệt nhờ sự hỗ trợ của giáo viên dạy môn Tin học hướng dẫn thực hiện phần mềm.
Em Phan Thị Kim Ngân chia sẻ: qua gần 01 năm thực hiện, phần mềm đã hoàn chỉnh, giúp học sinh chọn bài học, tổng hợp, củng cố được kiến thức môn Lịch sử lớp 6 một cách dễ dàng. Hệ thống câu hỏi bám sát nội dung từng bài học giúp người học dễ dàng hệ thống được quá trình lịch sử theo từng giai đoạn cụ thể. Bên cạnh, giao diện được thiết kế bắt mắt, tạo hứng thú cho giáo viên và học sinh trong việc dạy và học.
Được giáo viên hướng dẫn, 02 em chọn ngôn ngữ lập trình “Scratch 3.0” thiết kế phần mềm với giao diện đẹp mắt, gần gũi, phù hợp với lứa tuổi. Qua đó, giúp giáo viên và học sinh dễ dàng sử dụng vào việc dạy và học, vận dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào học tập.
Em Nguyễn Thị Lan Anh bày tỏ: từ phần mềm này, giáo viên có thể sử dụng để củng cố kiến thức cho học sinh một cách hiệu quả, giúp các bạn vừa học vừa chơi thông qua các dạng bài tập trong phần mềm. Qua đó, học sinh nắm được và dễ dàng ghi nhớ nhiều nhân vật, sự kiện lịch sử, hạn chế sự nhàm chán và giúp học sinh yêu thích môn Lịch sử hơn.
Ngoài viết phần mềm phục vụ học tập, nhiều dự án của học sinh dự thi ứng dụng công nghệ số vào giải quyết các vấn đề thực tiễn của đời sống. Trong đó, dự án “Hệ thống tưới cây tự động bằng mạch Microbit” của nhóm học sinh Võ Anh Trực và Đồng Tô Phát, Trường THCS Tân An, huyện Càng Long được đánh giá hiệu quả và đoạt giải Khuyến khích.
02 em Võ Anh Trực và Đồng Tô Phát cho biết: hiện nay, trồng và chăm sóc cây xanh tại nhà là việc yêu thích của nhiều người sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng, vừa mang lại cảnh quan đẹp, vừa giúp không khí trong lành, lại có thể mang lại nguồn thực phẩm sạch như rau củ, trái cây... cho gia đình. Với những gia đình ở thành thị, cây xanh còn được trồng ở trên sân thượng, trên các ban công cao tầng... Tuy nhiên, cây xanh cần tưới nước nhằm đảm bảo cho quá trình sinh trưởng, phát triển nhưng nhiều người đôi khi không có thời gian nên cần có hệ thống tưới cây tự động. Sau khi có ý tưởng, em trình bày và được giáo viên dạy môn Tin học hướng dẫn thiết kế và lắp đặt hệ thống tưới cây tự động từ mạch Microbit với những thiết bị dễ tìm.
Microbit là công cụ hữu hiệu phù hợp để giáo dục lập trình cho học sinh với thiết bị nhỏ gọn, kích thước chỉ bằng chiếc thẻ ATM, giúp cho học sinh có thể dễ dàng làm quen với lập trình. Từ đó khơi gợi cho các em niềm say mê tìm tòi, kết nối với thực tiễn từ những chủ đề gần gũi trong đời sống. Thông qua kiến thức bộ môn Vật lý lớp 7, lớp 9 và môn Sinh học lớp 7, Tin học lớp 8, lớp 9, giáo trình lập trình Microbit... kết hợp với kiến thức và sự hướng dẫn của giáo viên, dự án của 02 em đã hoàn thành và có hiệu quả ứng dụng cao.
Theo cô Huỳnh Thị Ngọc Quý, giáo viên dạy môn Tin học: qua nghiên cứu dự án, học sinh ứng dụng tốt những kiến thức về lập trình tin học với mạch Microbit, giúp học sinh lý giải hiện tượng vật lý về độ dẫn điện, nắm được khái niệm căn bản về điều khiển tự động… Đồng thời, giải quyết được vấn đề chăm sóc cây xanh khi không có nhiều thời gian ở nhà và tiết kiệm tối ưu lượng nước cũng như làm đẹp cho không gian sống, nhất là tạo ra thiết bị tưới cây tự động có giá thành thấp, mang lại hiệu quả kinh tế.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu hiện nay trong đó, học sinh là lực lượng cần thiết tiếp cận kiến thức mới trong chuyển đổi số nhằm phục vụ học tập và hướng đến sự phát triển trong tương lai. Vừa ứng dụng chuyển đổi số trong học tập vừa năng động ứng dụng chuyển đổi số vào những nghiên cứu khoa học, giúp chất lượng giáo dục dần được nâng cao, đào tạo ra nguồn nhân lực tiến bộ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trong tương lai.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Để thực hiện lộ trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM) thông minh giai đoạn 2021 - 2025, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân mạnh dạn chuyển đổi số, thực hiện quét mã QR, truy cập internet dễ dàng, cập nhật thông tin, tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đơn giản nhất bằng điện thoại thông minh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, kéo giảm khoảng cách từ thành thị đến nông thôn, sớm xây dựng thành công xã NTM thông minh.