21/11/2024 15:06
Cán bộ xã Phú Cần hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến lĩnh vực đất đai.
Xác định XDNTM là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, sau khi đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào năm 2023, xã được UBND tỉnh chọn thí điểm xây dựng xã NTM thông minh, giai đoạn 2021- 2025.
Đồng chí Bùi Trường An, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cần cho biết: xây dựng xã NTM thông minh là nhiệm vụ mới, chưa được hướng dẫn, đánh giá cụ thể. Do vậy, khi bắt tay thực hiện cũng có những khó khăn, lúng túng nhưng Đảng bộ xã Phú Cần quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra.
Căn cứ các quyết định của Trung ương, của tỉnh và huyện Tiểu Cần về xây dựng xã NTM nông minh, UBND xã Phú Cần xây dựng kế hoạch các tiêu chí mô hình “xã NTM thông minh” và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và Nhân dân về chuyển đổi số trong XDNTM. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước; giúp người dân có thêm kiến thức trong việc thực hiện các thủ tục hành chính cũng như ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ thông minh vào đời sống, sản xuất, phấn đấu thực hiện hoàn thành mô hình xã NTM thông minh, giai đoạn 2024 - 2025.
Để xây dựng xã NTM thông minh, xã xây dựng 03 hợp phần, gồm: chính quyền điện tử định hướng chính quyền số, kinh tế nông thôn và xã hội số trong XDNTM. Với hợp phần chính quyền điện tử định hướng chính quyền số, xã thành lập trang thông tin điện tử, có ban hành quy chế quản lý và sử dụng trang thông tin điện tử của xã, đảm bảo hoạt động thường xuyên, liên tục, hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, trang thông tin điện tử xã đã đăng tải 26 tin, ảnh về các hoạt động của xã và tiếp nhận 59 văn bản chỉ đạo điều hành của tỉnh, huyện.
Xã phân công 03 công chức trực tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại xã; có 153 thủ tục hành chính, thuộc 25 lĩnh vực thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của UBND xã được công khai, tích hợp lên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, tra cứu, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Từ đầu năm đến nay, đã giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công tỉnh được 874/874 lượt, đạt 100%.
Ông Nguyễn Văn Nhàn, công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Phú Cần cho biết: hộ tịch, chứng thực là 02 lĩnh vực quan trọng liên quan đến cuộc sống thường ngày của Nhân dân. Hàng ngày, chúng tôi đều trực tiếp nhận, giải quyết và trả hồ sơ, thủ tục đúng hạn, không để hồ sơ quá hạn. Chúng tôi mong muốn thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng công vụ, tạo sự hài lòng cho Nhân dân.
Xã có 22/22 cán bộ, công chức có tài khoản sử dụng hệ thống iOffice trong quản lý điều hành tại cơ quan và các cơ quan cấp huyện. Cán bộ, công chức được trang bị máy vi tính có kết nối internet; sử dụng các phần mềm misa, quản lý hộ tịch, dịch vụ công trực tuyến, đường truyền họp trực tuyến và có ứng dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử liên thông 04 cấp.
Đối với hợp phần “Xã hội số trong xây dựng nông thôn mới”, xã đã xây dựng các tiêu chí, như: các trường học trên địa bàn xã đều có cài đặt và sử dụng ứng dụng zalo để liên lạc, giải quyết công việc giữa phụ huynh học sinh với nhà trường.
Thầy Võ Tuấn Kiệt, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Cần cho biết: trên 07 năm nay, từ khi mạng xã hội zalo phổ biến, phụ huynh học sinh có sử dụng điện thoại thông minh, giáo viên chủ nhiệm từng lớp đều tạo zalo nhóm lớp, mời phụ huynh học sinh vào nhóm để tiện trao đổi, theo dõi, nắm tình hình học tập của học sinh. Gắn kết giữa 03 môi trường nhà trường, gia đình và xã hội để quản lý, giáo dục học sinh được chặt chẽ và tốt hơn. Hiện nay, trường có 15/15 lớp đều có zalo nhóm lớp.
Để thực hiện tiếp tiêu chí xã hội số trong XDNTM, xã phối hợp với Viettel Tiểu Cần và Mobifone Trà Vinh vận động người dân chuyển đổi được 150 máy smartphone, nâng tổng số đến nay, toàn xã có 2.821/3.120 hộ có sử dụng điện thoại thông minh có kết nối mạng internet, chiếm 90,42%. Phối hợp với Viettel Tiểu Cần hướng dẫn người dân trên địa bàn xã cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể, đã cài đặt Viettelmoney được 1.838 thuê bao, đồng thời, hướng dẫn và cài đặt mã quét QR cho những hộ kinh doanh để thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Kiên Phương, Trưởng Ban Nhân dân ấp Đại Mong cho biết: với vai trò là Ban Nhân dân ấp, chúng tôi phối hợp với mạng Viettel Tiểu Cần và Mobifone Trà Vinh đến từng hộ gia đình dọc tuyến quốc lộ từ ngã tư xã Phú Cần đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Tiểu Cần để hướng dẫn các hộ kinh doanh cài đặt quét mã QR và vận động nhiều hộ mua bán không dùng tiền mặt, sớm xây dựng tuyến đường không dùng tiền mặt.
Theo ông Kiên Phương, hiện nay, với các hộ kinh doanh lớn như bán thức ăn gia súc, phân bón, vật tư nông nghiệp thì đều có số tài khoản hoặc mã QR. Khi hộ dân mua với số lượng lớn, họ sẽ chuyển khoản cho người bán, không còn dùng tiền mặt. Hay những quán phục vụ ăn uống, đặt tiệc, khách hàng sẽ quét mã thanh toán.
Bà Thạch Thị Kim Quy, chủ quán bán hủ tiếu trên đoạn đường ấp Đại Mong chia sẻ: tôi bán hủ tiếu, nếu người dân ăn 01 - 02 tô thì thường trả tiền mặt nhưng thỉnh thoảng có đoàn khách phương xa dừng xe xuống ăn với số lượng từ 10 - 15 người, đôi khi họ sẽ hỏi và quét mã để thanh toán. Từ ngày xã triển khai quét mã QR để khách hàng có thể thanh toán không trả tiền mặt, lúc đầu tôi thấy khó khăn nhưng lâu ngày rồi quen, thấy thuận tiện và nhanh hơn nhiều, không cần phải cầm tiền, tính toán để thối lại cho khách, nhất là những đoàn khách đông người.
Ngoài ra, với tiêu chí xã hội số, xã đã lắp đặt 22 camera an ninh kết nối với điện thoại, máy tính để theo dõi, giám sát tình hình an ninh, trật tự xã hội địa phương và hỗ trợ Hợp tác xã nông nghiệp Phú Cần đăng ký thương hiệu sản phẩm về lúa chất lượng cao khu vực cánh đồng lớn 300ha. Đồng thời, trang bị wifi miễn phí tại Bộ phận tiếp nhận và hoàn trả kết quả, Văn phòng UBND xã, Văn phòng Đảng ủy xã, Trạm Y tế xã, Công an xã, các trường học... để người dân truy cập, khai thác thông tin trên internet. Xã có Công ty TNHH Trà Vinh Farm thực hiện tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội. Bước đầu xây dựng xã NTM thông minh có nhiều khởi sắc.
Theo đồng chí Bùi Trường An, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cần, thời gian tới, xã sẽ rà soát, bổ sung, nâng cấp máy vi tính cho cán bộ, công chức xã, đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo điều hành trên môi trường mạng. Nâng cấp hệ thống thiết bị hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến, như: Hệ thống phục vụ dịch vụ công có màn hình cảm ứng, tích hợp máy quét Căn cước công dân, đường truyền cho Văn phòng UBND xã và biên lai điện tử cho dịch vụ hành chính công. Tiếp tục phối hợp vận động người dân sử dụng điện thoại 2G chuyển đổi lên sử dụng điện thoại 4G hay Smartphone. Tiếp tục hướng dẫn, cài đặt mã quét QR cho những hộ kinh doanh. Vận động kinh phí lắp mới wifi miễn phí tại các điểm công cộng, nhà văn hóa các ấp.
Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt, sát sao của cấp ủy, chính quyền cùng sự đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân, xã Phú Cần sẽ sớm xây dựng thành công xã NTM thông minh, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống Nhân dân. Đây là tiền đề để xây dựng huyện Tiểu Cần đạt chuẩn đô thị loại IV và trở thành thị xã trực thuộc tỉnh năm 2025.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thời gian qua, Sở Công thương tỉnh Trà Vinh tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp, nhằm đẩy mạnh thực hiện Sàn thương mại điện tử (TMĐT), góp phần tạo môi trường số toàn diện, an toàn, tiện ích; vì mục tiêu lợi ích của doanh nghiệp (DN).