12/09/2023 08:12
Nông dân Huỳnh Sa Rây (bên trái) xem các sản phẩm ứng dụng chuyển đổi số được trưng bày tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh nhằm học hỏi thêm hình thức quảng bá, tiêu thụ nông sản.
Trong đó, Hội chú trọng kết nối phần mềm để làm việc, xử lý văn bản trên máy vi tính và điện thoại thông minh, giúp hoạt động Hội ngày càng hiệu quả. ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền đến hội viên, nông dân, trang thông tin điện tử của Hội hoạt động ngày càng tốt, cập nhật các thông tin hoạt động của Hội các cấp giúp hội viên, nông dân nắm được hoạt động và các chỉ đạo của Hội cấp trên…
Đồng thời, Hội tập trung tuyên truyền, hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tạo sản phẩm đạt chất lượng; Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh ký kết thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong nông nghiệp và kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Hiện có 184 sản phẩm OCOP đạt 03 sao trở lên, những sản phẩm OCOP đã vào các siêu thị và trên các sàn thương mại điện tử, từ đó tạo được niềm tin người tiêu dùng bằng những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đến nay, đã thu thập thông tin người mua lên trang thương mại điện tử travinh.posmart.vn được 28.090 người tham gia, có 80 sản phẩm đưa lên sàn mua bán.
Bên cạnh, Hội phối hợp các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp có chất lượng tốt cho nông dân thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã, chi, tổ hội nghề nghiệp gắn với chuyển giao kỹ thuật, bảo quản chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho nông dân có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất, ngoài việc giúp mang lại hiệu quả cao còn giúp sản xuất nông sản theo hướng an toàn. Điển hình tại xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, Hội Nông dân huyện Châu Thành đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, xây dựng được mô hình “Trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ cao” với quy mô 1.000m2. Hệ thống nhà màng có ưu điểm vượt trội, giúp che mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, sử dụng phân hữu cơ tạo ra sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Nông dân Huỳnh Sa Rây ứng dụng điện thoại thông minh giám sát và theo dõi độ đường trên sản phẩm dưa lưới. Ảnh: HH
Nông dân Huỳnh Sa Rây, tổ trưởng tổ trồng màu công nghệ cao xã Lương Hòa A với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, qua nhiều vụ sản xuất, ứng dụng chuyển đổi số trong đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt, bón phân. Dù kinh phí đầu tư hệ thống tưới khá cao (50 triệu đồng/1.000m2) nhưng điều tiết được lượng nước tưới và giảm nhân công lao động. Đồng thời, đăng ký trang web bán dưa lưới trên sàn thương mại điện tử và nhận thấy khá hiệu quả. Đến nay, mô hình nhân rộng 10.000m2 với 12 hộ tham gia, thu nhập bình quân trên 150 triệu đồng/năm/công (nhà màng), 80 triệu/đồng/năm (nhà lưới).
Ông Huỳnh Sa Rây cho biết: tôi cài đặt chương trình tự động tưới, khoảng 20 phút hệ thống tưới nhỏ giọt hoạt động một lần nên dù tôi có đi hội họp hay công việc ở xa, hệ thống đều tự động tưới nước. Dù chi phí đầu tư ban đầu khá cao nhưng năng suất thu về và chất lượng dưa lưới đảm bảo an toàn, thu nhập bình quân 40 - 45 triệu đồng/1.000m2/vụ (70 ngày).
Từ mô hình “Trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ cao” của nông dân Châu Thành, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục nhân rộng được 40.000m2 nhà màng và nhà lưới ở những địa phương trong tỉnh và 740 mô hình ứng dụng công nghệ cao khác, có 10.526 hội viên tham gia, diện tích 1.026ha. Qua đó, nâng dần chất lượng nông sản, thực hiện mục tiêu đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, góp phần chuyển đổi phương thức sản xuất cũ, quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, tạo ra sản phẩm an toàn, đạt năng suất, chất lượng cao, mở ra hướng phát triển mới, tạo nền tảng bền vững trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Để thực hiện lộ trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM) thông minh giai đoạn 2021 - 2025, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân mạnh dạn chuyển đổi số, thực hiện quét mã QR, truy cập internet dễ dàng, cập nhật thông tin, tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đơn giản nhất bằng điện thoại thông minh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, kéo giảm khoảng cách từ thành thị đến nông thôn, sớm xây dựng thành công xã NTM thông minh.