04/04/2025 15:27
Anh Trần Minh Huy (bên trái) đang gửi hình chụp “lá ớt có hiện tượng đốm vàng” qua ứng dụng mobiAgri để nhận thông tin khuyến cáo và dự báo bệnh trên ớt.
Đồng chí Dương Hoài Nghĩa, cán bộ phụ trách Nông nghiệp-Môi trường xã Đại An cho biết: từ đầu năm 2024 đến nay, thông qua hỗ trợ của Mobifone đã triển khai hỗ trợ cho nông dân (các hộ trồng màu) cài đặt ứng dụng mobiAgri để tham gia cùng với các kỹ sư, nhà khoa học trong thực hiện trao đổi, thông tin và gửi hình ảnh về sâu, bệnh xuất hiện trên cây màu đang trồng, để từ đó đưa ra các khuyến cáo phù hợp trong phòng, trị bệnh cho cây trồng. Các hộ trồng màu rất phấn khởi và ứng dụng cũng khá nhanh trong tiếp cận cách sử dụng.
Đến giữa tháng 3/2025, đã có trên 30 nông dân là các hộ tham gia mô hình trồng bí đỏ có liên kết với doanh nghiệp ở ấp Cây Da, xã Đại An thực hiện cài đặt app mobiAgri để gửi thông tin về các bệnh thường gặp trên cây màu như bí đỏ, ớt… hiệu quả.
Hiện Trà Vinh có trên 50.000ha màu các loại và đạt sản lượng trên 1,6 triệu tấn; trong đó, có nhiều cây màu cho giá trị kinh tế cao và đang được trồng nhiều ở các vùng đất giồng cát, triền giồng và luân canh trên đất lúa như đậu phộng trên 4.200ha, bắp gần 4.000ha, khoai lang trên 1.500ha… Với việc ứng dụng mobiAgri là một công cụ hỗ trợ chuyển đổi số ở nông dân trong thực hiện giám sát, phát hiện và quản lý dịch bệnh trên cây trồng; giúp nông dân xác định bệnh, đề xuất giải pháp phòng trừ và cập nhật thông tin canh tác kịp thời, hiệu quả.
Ứng dụng trên cây trồng phổ biến như trên cây ớt, qua hình ảnh chụp do người trồng gửi về app mobiAgri sẽ gửi trả lời ngay hướng dẫn về tình hình bệnh của cây ớt để giúp nông dân phát hiện bệnh nhanh hơn, tư vấn loại thuốc phòng trị phù hợp và hướng dẫn cách bón phân đúng kỹ thuật hay sử dụng giải pháp sinh học và hóa học…
Anh Trần Minh Huy, ở ấp Cây Da, xã Đại An cho biết: trong vụ màu năm 2025, gia đình anh được tỉnh hỗ trợ đầu tư nhà lưới khép kín kết hợp tưới tiết kiệm nước (1.000m2) để trồng ớt chỉ thiên và được ngành nông nghiệp hỗ trợ ứng dụng chuyển đổi số qua sử dụng app mobiAgri để theo dõi, giám sát và khuyến cáo về các bệnh (nếu có xảy ra); khi đó, nếu nông dân không nắm bắt được các nhận dạng bệnh sẽ thông qua việc chụp các hình ảnh trên thân, trái ớt, lá… gửi về mobiAgri và sẽ nhận được tư vấn, khuyến cáo trong xử lý sâu, bệnh của cây trồng.
Ngoài ứng dụng mobiAgri theo dõi trên cây ớt; gia đình còn sử dụng ứng dụng trên cho cây bí đỏ được gia đình tham gia liên kết trồng có bao tiêu với doanh nghiệp trên diện tích 0,6ha.
Cũng theo đồng chí Dương Hoài Nghĩa, thực hiện ứng dụng công nghệ đang được xã tập trung triển khai đến nông dân; việc ứng dụng công nghệ số trên lĩnh vực nông nghiệp luôn được nông dân quan tâm do địa phương có phong trào trồng màu đã và đang phát triển. Đặc biệt, ở một số cây trồng như ớt, bí đỏ, môn… đòi hỏi kỹ thuật khá cao và tình hình sâu rầy, bệnh luôn xuất hiện và đe dọa về năng suất, sản lượng trên cây trồng. Ứng dụng công nghệ mobiAgri vào cây trồng giúp nông dân kịp thời theo dõi, quản lý khi có dấu hiệu khác thường xuất hiện trên cây trồng, sau đó chủ động xử lý, phòng trị…
Thời gian tới, tỷ lệ hộ sản xuất ứng dụng mobiAgri sẽ tăng lên rất nhiều, tập trung ở 02 vùng trồng màu lớn như ấp Cây Da, Giồng Lớn.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, đội ngũ thanh niên với sự năng động, sáng tạo, nhạy bén với khoa học - công nghệ được kỳ vọng là lực lượng đi đầu trong chuyển đổi số, làm chủ công cuộc xây dựng và phát triển trên các lĩnh vực trong tương lai. Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh Trà Vinh đã tích cực, chủ động, tiên phong tham gia vào quá trình xây dựng chính phủ số, xã hội số, nâng cao năng lực số cho cán bộ, ĐVTN.