11/05/2023 07:52
Nguyễn Anh Bảo (phải) và Hồ Việt Thuận Phú giới thiệu giao diện “Phần mềm Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer” của 02 em trên ứng dụng điện thoại di động.
Hồ Việt Thuận Phú chia sẻ: nhà em ở ấp Sâm Bua, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, gần Ao Bà Om và Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh. Vào các dịp lễ hội, chứng kiến những hoạt động của đồng bào Khmer như: dâng bông, đua ghe Ngo và nhiều hoạt động dịp lễ Ok Om Bok, em thấy cần quảng bá những hoạt động này đến với nhiều người. Hơn nữa, khi vào “Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer”, em thấy nhiều hiện vật mang ý nghĩa đặc trưng mà nhiều người chưa biết đến. Từ đó, em bắt đầu có ý tưởng và thực hiện dự án “Phần mềm Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer”.
Riêng Nguyễn Anh Bảo rất hứng thú khi đến tham quan bảo tàng và nhận thấy việc chuyển đổi số liên quan đến đồng bào Khmer hiện nay còn ít nên em và Thuận Phú muốn tạo phần mềm giới thiệu các hiện vật tại bảo tàng đến với nhiều người. Thực hiện số hóa các hiện vật dựa trên nguồn tư liệu từ các phòng trưng bày, tài liệu, hiện vật có tại Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh nhằm tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh và bảo tồn những giá trị về lịch sử, văn hóa, vật chất tinh thần, con người Trà Vinh đến với nhiều người.
Từ tháng 5/2022, 02 em bắt đầu thực hiện phần mềm, ban đầu cũng có một số khó khăn như chọn trang web, phần mềm phù hợp để thực hiện, tham khảo ý kiến giáo viên hướng dẫn và nhờ các anh, chị khóa trước cùng trường đã từng thực hiện viết phần mềm hỗ trợ các em chọn phần mềm phù hợp. Nguyễn Anh Bảo chia sẻ: Bảo tàng là nơi “kết nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai”, bằng cách lưu giữ, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của một dân tộc.
“Phần mềm Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer” là ứng dụng được thiết kế để lưu trữ lâu dài các hiện vật bằng công nghệ số, ứng dụng 03 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Khmer) giúp người dùng tìm hiểu về văn hoá lịch sử, phong tục tập quán nghệ thuật của đồng bào Khmer Nam Bộ, cụ thể tại Trà Vinh. Qua đó, các em chuyển đổi số những hiện vật và lưu trữ lâu dài trên nền tảng không gian số. Từ đó, có thể giới thiệu, quảng bá hình ảnh bảo tàng đến nhiều đối tượng trong và ngoài nước, góp phần phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, bảo tồn và phát triển văn hóa Khmer Nam Bộ.
Phần mềm gồm các tính năng chính: tham quan du lịch bằng hình thức mới, cụ thể người dùng tìm hiểu về các hiện vật trưng bày tại bảo tàng thông qua ảnh tương tác, đọc và nghe thuyết minh. Tham quan phòng trưng bày bằng hình thức di chuyển trên không gian số 3D, thư viện số 3D, lưu trữ hiện vật trên không gian số. Đọc truyện cổ Khmer thông qua hệ thống video thuận tiện cho việc học, học mọi lúc mọi nơi…
Hồ Việt Thuận Phú cho biết: trước khi thu thập thông tin từ bảo tàng, các em đã khảo sát nhu cầu từ ban quản lý bảo tàng và biết được ban quản lý có nhu cầu số hóa hiện vật để đưa lên nền tảng số, thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan bảo tàng cũng như các ngôi chùa cổ tại Trà Vinh. Qua khảo sát, có 284 hiện vật gốc, 13.000 hiện vật phục chế và các hiện vật lưu trữ trong kho được các em thu thập. Sau đó, các em tìm hiểu về thuật toán và cách lập trình phần mềm, tìm hiểu cơ sở dữ liệu và xây dựng website. Bước kế tiếp là tiến hành cài đặt, lập trình xây dựng app và cuối cùng là chuyển đổi số hiện vật kết hợp với phiên dịch sang tiếng Anh và tiếng Khmer.
Để thực hiện, các em thu thập những thông tin chính thống và chụp ảnh để phục vụ làm web, trích lọc nội dung các thông tin phù hợp trước khi đưa vào app. Tại giao diện chính của phần tiếng Việt gồm 05 phần: Văn hóa Khmer Nam Bộ, học ngôn ngữ Khmer, truyện cổ Khmer Nam Bộ, lịch sử địa phương, tham quan bảo tàng. Trong từng phần có những nội dung nhỏ như: văn hóa tâm linh, văn hóa vật thể, làng nghề truyền thống. Riêng phần tham quan bảo tàng được chia các phần: danh sách hiện vật, các phòng trưng bày và cuối cùng là phần tham quan với nhiều hình ảnh hiện vật sinh động.
02 em tâm huyết, với công nghệ chuyển đổi số, công nghệ AI, các em tin “Phần mềm Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer” có thể tạo dấu ấn riêng trong lĩnh vực phần mềm giáo dục. Qua đó, đạt được những hiệu quả nhất định giúp quảng bá phát triển du lịch đến nhiều đối tượng người dùng, giữ gìn và phát huy văn hóa Khmer. Đồng thời, tích hợp nội dung di sản vào giáo dục, giúp học sinh hiểu hơn về di sản, lịch sử địa phương…
Từ hiệu quả thiết thực của dự án, “Phần mềm Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer” của 02 em đoạt giải Nhất Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, năm học 2022 - 2023 và được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn dự thi cấp quốc gia. Khẳng định sự nỗ lực của 02 em trong học tập và phát huy hiệu quả của dự án nhằm quảng bá du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục và vùng đồng bào Khmer.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Để thực hiện lộ trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM) thông minh giai đoạn 2021 - 2025, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân mạnh dạn chuyển đổi số, thực hiện quét mã QR, truy cập internet dễ dàng, cập nhật thông tin, tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đơn giản nhất bằng điện thoại thông minh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, kéo giảm khoảng cách từ thành thị đến nông thôn, sớm xây dựng thành công xã NTM thông minh.