13/12/2022 13:44
Nhân viên Công ty TNHH Trà Vinh Farm giới thiệu sản phẩm về hoa mật dừa với khách tham quan.
Thời gian qua, sự thành công của nhiều sản phẩm OCOP trong tỉnh đã được các chủ thể ứng dụng khá tốt chuyển đổi số vào sản phẩm như: xây dựng Code, mã vạch trên sản phẩm; đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử; thực hiện quản lý, điều hành từ khâu sản xuất, thành phẩm và đưa ra thị trường… được các chủ thể quan tâm đầu tư, tạo hiệu quả. Điển hình như Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè; Công ty TNHH Cacao MêKong (huyện Châu Thành); Công ty TNHH Trà Vinh Farm; Công ty TNHH MTV-TM-SX Phú Quới (thành phố Trà Vinh); Công ty TNHH Đồng Phát Dophaco (huyện Càng Long)…
Qua 04 năm (2019-2022) triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến cuối tháng 10/2022 toàn tỉnh có 104 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 29 sản phẩm của 25 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP năm 2022. Đã có 21 doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn, thiết kế nhãn hiệu và đăng ký nhãn hiệu cho 21 sản phẩm; hỗ trợ 08 cơ sở nâng cao chất lượng bao bì, mẫu mã sản phẩm; cung cấp 10.000 tem OCOP…
Để phát triển cho các sản phẩm OCOP trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Trà Vinh đến năm 2025”; phấn đấu có ít nhất 165 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng chuỗi giá trị theo hướng OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại…
Đến tháng 11/2022, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, Trà Vinh hiện có 06 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao đã liên kết tiêu thụ xuất khẩu qua các nước Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc… và trên sản thương mại điện tử AmaZone (Mỹ) như sản phẩm Mật hoa dừa, Đường hoa dừa (Công ty TNHH Trà Vinh Farm) và sản phẩm kẹo Dừa sáp nguyên chất, keo Dừa sáp lá dứa, kẹo Dừa sáp cacao, Dừa sáp sợi (Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè).
Khẳng định về vai trò số - giải pháp trong việc nâng cao năng lực quản trị, quản bá, xúc tiến thương mại của chủ thể OCOP, bà Lâm Ngọc Tú, Phó Giám đốc Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè chia sẻ: mặc dù công ty mới thành lập và đi vào hoạt động chưa được 03 năm, giai đoạn đầu gặp rất nhiều khó khăn do rơi vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Qua đó, Công ty nhận thấy sự tác động của công nghệ lên mọi mặt đời sống xã hội, đồng thời, nhận thức được tầm quan trọng của công cuộc chuyển đổi số trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0… Và, câu hỏi được đặt ra: chuyển đổi số là gì và tại sao phải chuyển đổi số?.
Từ đó, doanh nghiệp nhận thấy bên cạnh nâng cao và ổn định chất lượng nguyên liệu đầu vào và nâng cấp chất lượng sản phẩm, mở rộng và đa dạng các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm OCOP thì chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng dành cho chủ thể OCOP; đồng thời, nâng cao hiệu quả trong hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu và các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…
Cũng theo bà Lâm Ngọc Tú, tháng 12/2021 công ty xây dựng thành công Hệ thống quản lý ERP và công bố website Thương mại điện tử vicosap.vn và Ứng dụng nguồn hàng vicosap. Ngày 28/6/2022, Công ty ký kết và triển khai Kế hoạch phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh thực hiện mô hình “Tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử vicosap.vn”. Đây là cầu nối giữa nhà sản xuất, nhà cung cấp, đặc biệt là các đơn vị khởi nghiệp, các chủ thể OCOP với đội ngũ 3.000 cộng tác viên và đại lý mà nòng cốt là đoàn viên thanh niên và hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh.
Hay tại Tổ trồng màu công nghệ cao Lương Hòa A (xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành) hiện có 12 thành viên, diện tích 1,2ha chuyên sản xuất các giống dưa lê theo quy trình nhà màng khép kín, đạt sản lượng từ 20-25 tấn/vụ (sản xuất 3,5 vụ/năm) và sản phẩm của Tổ vừa được chứng nhận đạt OCOP 3 sao trong năm 2022.
Ông Huỳnh Sa Rây, Tổ trưởng Tổ trồng màu công nghệ cao Lương Hòa A chia sẻ: để tạo liên kết và đưa sản phẩm phát triển bền vững, ổn định đặc biệt là mở rộng kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm, việc tham gia ứng dụng chuyển đổi công nghệ số trong kết nối sản phẩm là khá quan trọng để sản phẩm vươn xa và được khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Do đó, trong tháng 8/2022, sản phẩm dưa lê của Tổ đã đưa được lên trang thương mại điện tử “cổng kết nối Cung - Cầu” trên sàn thương mại điện tử với nền công nghệ mã nguồn và được cài đặt trên hạ tầng Cloud của Tập đoàn VNPT. Khi đó, khách hàng và doanh nghiệp có thể tìm hiểu và liên kết trong cung ứng sản phẩm được nhanh chóng và mở rộng hơn.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Để thực hiện lộ trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM) thông minh giai đoạn 2021 - 2025, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân mạnh dạn chuyển đổi số, thực hiện quét mã QR, truy cập internet dễ dàng, cập nhật thông tin, tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đơn giản nhất bằng điện thoại thông minh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, kéo giảm khoảng cách từ thành thị đến nông thôn, sớm xây dựng thành công xã NTM thông minh.