08/05/2024 09:16
Nông dân xã Thạnh Phú ứng dụng hệ thống tưới tự động trong trồng cam sành đáp ứng yêu cầu về tự động hóa trong sản xuất theo tiêu chí xây dựng ấp NTM thông minh, xã NTM thông minh.
Mục tiêu cụ thể trong xây dựng xã NTM thông minh là Thạnh Phú giữ vững xã NTM kiểu mẫu năm 2024 - 2025; có ít nhất 85% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; phấn đấu 100% cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn xã được nâng cao năng lực chuyển đổi số; Phấn đấu 100% hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh) và người dân thực hiện thanh toán trực tuyến bằng các hình thức chuyển khoản, quét thẻ; các dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) giám sát, phản hồi qua hình thức trực tiếp; chọn 01 hợp tác xã tiêu biểu, xây dựng hợp tác xã thông minh toàn diện từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm (tự động hóa, công nghệ số từ 95% trở lên).
Các hệ thống chiếu sáng công cộng, tuyến đường chính sử dụng năng lượng tái tạo và cài đặt thời gian đóng, mở theo khung giờ quy định. Có ít nhất 60% các khu đông dân cư, chợ và tuyến đường được quản lý bằng hệ thống camera kết nối với máy chủ để chính quyền địa phương quản lý; xây dựng và phát triển mô hình tưới thông minh cây trồng…
Theo đồng chí Ngô Thị Bạch Duyên, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú: nội dung chính của mô hình xây dựng xã NTM thông minh gồm 03 hợp phần: hợp phần “Chính quyền điện tử định hướng chính quyền số”, hợp phần “Kinh tế nông thôn”, hợp phần “Xã hội số trong XDNTM”. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và huyện, trên cơ sở kết quả xây dựng xã NTM kiểu mẫu, Thạnh Phú rà soát các yêu cầu thực hiện mô hình xây dựng xã NTM thông minh và cơ bản đạt các chỉ tiêu.
Về chính quyền điện tử định hướng chính quyền số: UBND xã xây dựng trang thông tin điện tử tổng hợp, kênh tiếp nhận thông tin phản ảnh của người dân, giải quyết hồ sơ trực tuyến với 147 thủ tục hành chính, thuộc 23 lĩnh vực, thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của UBND xã, giúp người dân tiếp cận, tra cứu và thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Có 20/20 cán bộ, công chức có tài khoản sử dụng hệ thống i-Office trong quản lý điều hành tại cơ quan và các cơ quan cấp huyện. Cán bộ, công chức được trang bị 16 bộ máy vi tính bàn và 04 máy vi tính xách tay có kết nối internet; sử dụng các phần mềm quản lý hộ tịch, dịch vụ công trực tuyến, đường truyền họp trực tuyến, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành, ứng dụng các phần mềm kế toán, phần mềm quản lý hộ tịch, ứng dụng hệ thống dịch vụ công tỉnh (iGate)... 04/04 ấp có thành lập tổ công nghệ số cộng đồng, tổ công tác triển khai Đề án 06, đáp ứng được nhiệm vụ triển khai, hướng dẫn người dân tiếp cận, cải đặt, thực hiện các dịch vụ số.
Về hạ tầng số, hạ tầng internet kết nối bao phủ 04/04 ấp, có mạng wifi miễn phí tại 12 điểm công cộng, đáp ứng chất lượng dịch vụ, các điều kiện kỹ thuật khai thác và an toàn, an ninh thông tin theo các quy định hiện hành. Toàn xã có 1.850/1.948 hộ có sử dụng thuê bao di dộng điện thoại thông minh kết nối mạng internet (đạt 95%), có 42 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách xã, lực lượng công an, quân sự và lực lượng tham gia công tác tại ấp sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet đạt 100%.
Về sản xuất, trên địa bàn xã Thạnh Phú có 02 hợp tác xã (hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Phú và hợp tác xã cây ăn trái an toàn Thạnh Phú) đang hoạt động có hiệu quả, trong hoạt động có sử dụng phần mềm kế toán WACA, phần mềm quản lý sản xuất Facefarm, chữ ký số TOKEN, xuất hóa đơn điện tử, các khâu sản xuất được tự động hóa (xịt thuốc tự động, tưới nước tự động, tưới phân tự động, phun thuốc bằng máy bay không người láy...). Hợp tác xã cây ăn trái, diện tích 10ha được cấp mã vùng trồng, giấy chứng nhận VietGap và truy xuất nguồn gốc…
Đặc biệt, xã có mô hình ấp thông minh (Ấp 2) đảm ảo yêu cầu về mô hình kinh tế tự động hóa thực hiện trên 90%, tỷ lệ người dân được tiếp cận công nghệ thông tin trên điện thoại thông minh, mạng xã hội chính thống đạt 85,78%, trên 90% hộ dân thanh toán tiền điện qua các dịch vụ không dùng tiền mặt. Hơn nữa, Ấp 2 có mô hình sản xuất nông nghiệp của tổ hợp tác trồng cam (33 thành viên), người dân sử dụng máy tưới nước, tưới phân, phun thuốc tự động, góp phần giảm công lao động đem lại hiệu quả kinh tế cao, sản xuất ra nông sản an toàn.
Nông dân Nguyễn Văn Ổn, Ấp 2 chia sẻ: tôi có gần 5.000m2 trồng cam sành, cũng như các hộ khác, tôi đầu tư hệ thống tưới tự động giúp giảm sức lao động, nâng cao sản lượng, chất lượng hàng hóa sản xuất ra.
Theo anh Nguyễn Thành Tâm, công chức nông nghiệp - địa chính xã Thạnh Phú: hầu hết nông dân trồng cam trên địa bàn xã đều sử dụng hệ thống tưới tự động, là điều kiện đáp ứng yêu cầu về tự động hóa trong sản xuất theo tiêu chí xây dựng ấp nông thôn mới thông minh, xã NTM thông minh.
Ngoài ra, Thạnh Phú có Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè (VICOSAP), đây là đơn vị tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, phân phối, kinh doanh các sản phẩm.
Với những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thạnh Phú tiếp tục nỗ lực, thực hiện yêu cầu các nội dung xây dựng mô hình xã NTM thông minh, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, nâng cao đời sống người dân.
Bài, ảnh: ANH KHOA
Để thực hiện lộ trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM) thông minh giai đoạn 2021 - 2025, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân mạnh dạn chuyển đổi số, thực hiện quét mã QR, truy cập internet dễ dàng, cập nhật thông tin, tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đơn giản nhất bằng điện thoại thông minh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, kéo giảm khoảng cách từ thành thị đến nông thôn, sớm xây dựng thành công xã NTM thông minh.