28/12/2022 10:02
Buổi họp của các thành viên của HTX Phát Tài (Thanh Mỹ, Châu Thành).
Theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nông nghiệp được xác định là 01 trong 08 ngành ưu tiên chuyển đổi số. Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp nói chung và lĩnh vực hợp tác xã (HTX) nói riêng là hướng đi tất yếu; nhằm thay đổi phương thức quản lý và phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo sản phẩm chất lượng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.
Đồng chí Thái Phước Lộc, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: năm 2022, toàn tỉnh thành lập 23 HTX (vượt 130% kế hoạch), so cùng kỳ tăng 21%; đến nay toàn tỉnh có 01 Liên hiệp HTX lúa gạo và 172 HTX đang hoạt động (có 125 HTX nông nghiệp) vốn điều lệ 166,364 tỷ đồng, thu hút 28.855 thành viên. Ước doanh thu bình quân 02 tỷ đồng/năm/HTX; lợi nhuận 360 triệu đồng/năm. Trong 125 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, có 16 HTX nuôi thủy sản, 05 HTX chăn nuôi và 104 HTX chuyên ngành nông nghiệp, vốn điều lệ 89,410 tỷ đồng, thu hút 7.144 thành viên, tạo việc làm 658 lao động; thu nhập bình quân 04 triệu đồng/lao động/tháng.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi số, năm 2022, Liên minh HTX tỉnh phối hợp triển khai nhiều giải pháp: ký kết chương trình phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh giai đoạn 2021-2030; với Dự án SME về chương trình xúc tiến thương mại; với Mobifone triển khai dịch vụ hóa đơn điện tử; với công ty viễn thông thực hiện chữ ký số, hóa đơn điện tử.
Hiện có 01 số HTX đã hoàn thiện việc xây dựng mã QR, mã vạch, thương hiệu, nhãn hiệu cùng với các HTX có các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP… Hoạt động của các HTX nông nghiệp cơ bản giải quyết tốt các quan hệ hợp tác, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và giải quyết việc làm; chủ động liên kết với các doanh nghiệp, công ty trong cung ứng và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Các HTX thủy sản mạnh dạn chủ động kết nối với Công ty cung cấp giống, thức ăn nuôi thủy sản để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm chi phí sản xuất, đáp ứng nhu cầu sản xuất theo hướng nuôi trồng thủy sản an toàn cho thành viên.
Năm 2022, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức 46 cuộc tuyên truyền, có 2.284 lượt người dự, đạt 110% so với kế hoạch đã đề ra; phối hợp với Trường Trung cấp nghề và đào tạo cán bộ HTX miền Nam và các dự án tổ chức 11 lớp tập huấn đào tạo cho 346 lượt cán bộ HTX và Quỹ tín dụng về kỹ năng quản lý điều hành HTX, tài chính kế toán HTX, kiểm soát kiểm toán HTX, quản lý tài chính cơ bản trong HTX nông nghiệp, thẩm định tín dụng... Riêng Liên minh HTX tỉnh tổ chức 06 lớp tập huấn “Mô hình kinh doanh và lập kế hoạch kinh doanh của HTX” cho cán bộ quản lý HTX tại huyện Càng Long, Cầu Kè, Trà Cú, Tiểu Cần, Duyên Hải, Cầu Ngang và thị xã Duyên Hải, có 171 đại biểu dự.
Song song đó, Liên minh HTX tỉnh chỉ đạo bộ phận chuyên môn tư vấn nghiệp vụ quản lý HTX thông qua nhóm zalo và qua trang thông tin điện tử của ngành và tư vấn trực tiếp. Phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI tổ chức tham gia chương trình khảo sát thực tế chuỗi giá trị nghêu tại Hà Nội và Nam Định (đại diện các sở, ngành và 05 HTX nghêu tham dự). Rà soát và tư vấn, hỗ trợ về công tác kế toán, sử dụng phần mềm WACA, công tác tài chính cho 43 HTX; tư vấn, hướng dẫn các HTX thực hiện thành lập, tổ chức đại hội thường niên, đại hội nhiệm kỳ theo quy định cho 12 HTX. Tư vấn, hỗ trợ 05 HTX về lập dự án xin chủ trương đầu tư; báo cáo thuế điện tử... Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Quốc tế Âu Lạc triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ an toàn cho lúa, cây ăn trái, rau màu tại 18 HTX, diện tích 550ha.
Qua thực hiện chuyển đổi số, HTX lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được trang bị thiết bị công nghệ thông tin như: máy tính, laptop, điện thoại thông minh, máy tính bảng. Các HTX từng bước thực hiện truy xuất nguồn gốc, nhất là nhóm HTX trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản, sản xuất lúa hữu cơ… Ban giám đốc các HTX lĩnh vực nông nghiệp xác định tầm quan trọng của việc ghi chép nhật ký sản xuất có vai trò rất quan trọng trong việc theo dõi, giám sát chất lượng sản phẩm và xử lý khi có sự cố về sản phẩm xảy ra.
Việc ứng dụng công nghệ số của HTX nông nghiệp giúp tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguồn lực của HTX như đất, nước, phân bón, nhiên liệu; tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; giúp giảm tác động xấu cho môi trường; giảm thiểu rủi ro về kinh tế, tăng năng suất lao động; tăng thu nhập cho thành viên HTX và cộng đồng; nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị, an toàn thực phẩm cho HTX, thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh cho HTX. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, thu nhập của nông dân không ngừng được cải thiện; việc sử dụng điện thoại thông minh và internet đã được phổ biến rất rộng rãi trong HTX.
Đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết: năm 2022, Sở phối hợp VNPT, Công ty Nam Long, NestPlus, Công ty Smart Life tổ chức nhiều cuộc hội thảo giới thiệu nền tảng chuyển đổi số cho các tổ chức/cá nhân tiếp cận/chuyển đổi. Qua đó, tỉnh hỗ trợ 1,2 triệu tem truy xuất nguồn gốc cho 21 cơ sở sản xuất, HTX và giới thiệu tham gia các sàn thương mại điện tử: Travinh.trade.com; Azuamua.com…
Tuy nhiên, hiện còn nhiều HTX chưa đủ điều kiện, cơ sở vật chất để ứng dụng quản lý trên phần mềm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Nội lực HTX còn yếu, chưa sẵn sàng để thích ứng với cải tiến quy trình quản lý, sản xuất, áp dụng công nghệ mới.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Để thực hiện lộ trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM) thông minh giai đoạn 2021 - 2025, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân mạnh dạn chuyển đổi số, thực hiện quét mã QR, truy cập internet dễ dàng, cập nhật thông tin, tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đơn giản nhất bằng điện thoại thông minh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, kéo giảm khoảng cách từ thành thị đến nông thôn, sớm xây dựng thành công xã NTM thông minh.