29/05/2023 07:17
Thầy Huỳnh Văn Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Hai trao đổi những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số của trường tại hội nghị chuyển đổi số ngành giáo dục.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết: những năm qua, ngành GD-ĐT Trà Vinh luôn quan tâm và thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác dạy và học, xác định chuyển đổi số trong giáo dục là cần thiết. Đến nay, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã được trang bị đầy đủ máy móc, phần mềm phục vụ dạy và học. Đặc biệt, năm học 2020 - 2021, 2021 - 2022 trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn ngành GD-ĐT đã chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến, đây là bước đầu giúp ngành chuyển dần sang thực hiện chuyển đổi số.
Về quản trị nhà trường, 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị dựa trên dữ liệu và công nghệ số; trong đó, 100% người học, nhà giáo được quản lý bằng hồ sơ số với định danh thống nhất toàn quốc; 80% cơ sở vật chất, thiết bị và các nguồn lực khác phục vụ GD-ĐT và nghiên cứu được quản lý bằng hồ sơ số.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển đổi số, ngành GD-ĐT tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ giáo viên về ứng dụng chuyển đổi số, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, xây dựng cơ chế chính sách làm cơ sở pháp lý và tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên về cần thiết trong chuyển đổi số. Đồng thời, ngành tập trung các nội dung: quản lý số, dạy học số và một số dịch vụ số. Trong đó, tập trung quản lý chất lượng học sinh, tổ chức nhân sự, hồ sơ điện tử, văn bằng chứng chỉ. Triển khai dạy học trực tuyến, kiểm tra, đánh giá học sinh, xây dựng kho học liệu số phục vụ công tác giáo dục…
Giáo viên có vai trò quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số, vì vậy, các trường triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền toàn thể giáo viên ứng dụng chuyển đổi số trong soạn, giảng giáo án điện tử, tìm giải pháp ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số phục vụ hoạt động giáo dục, triển khai ứng dụng trong quản trị nhà trường thông qua các phần mềm như: thời khóa biểu, quản lý thư viện, tài chính…
Thầy Phạm Phú Lộc, giáo viên Trường THCS Phú Cần, huyện Tiểu Cần chia sẻ: là giáo viên dạy môn Tin học, tôi có nhiều thuận lợi trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động giảng dạy và thực hiện các nhiệm vụ theo dõi, quản lý học sinh thông qua các phần mềm. Ngoài ra, truyền cảm hứng giúp học sinh ứng dụng các thiết bị công nghệ thông tin phục vụ học tập, nghiên cứu tham gia các cuộc thi. Bên cạnh, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện giáo án điện tử, vào sổ điểm điện tử, quản lý học sinh, tích hợp công nghệ vào hoạt động giáo dục… giúp tiết kiệm thời gian trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, nhiều học sinh tích cực trong ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc học, các em lên mạng giải bài tập, học tiếng Anh và nghiên cứu lập trình, giảm khoảng cách về công nghệ so với học sinh thành thị, giúp chất lượng giáo dục của trường được nâng lên.
Ngày 08/3/2023, Sở GD-ĐT ban hành Kế hoạch số 23/KH-SGD ĐT về thực hiện chuyển đổi số ngành giáo dục tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ngành xác định đổi mới phương thức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu đối với mỗi giáo viên, học sinh. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, có 50% học sinh phổ thông và mỗi giáo viên có đủ điều kiện (về phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến, tỷ lệ nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 05% ở bậc tiểu học và 10% ở bậc trung học. Đồng thời, khai thác tốt kho học liệu số, thư viện số, thiết bị số… nhằm thực hiện hiệu quả chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.
Vừa qua, Sở GD-ĐT tổ chức hội thảo chủ đề xây dựng kho học liệu số và ngân hàng câu hỏi trực tuyến trên hệ thống K12Online cho toàn ngành GD-ĐT trong tỉnh. Tại hội thảo, đại biểu là cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên được tiếp cận nhiều nội dung liên quan đến chuyển đổi số của ngành như: kho học liệu số chia sẻ dùng chung; nền tảng số phục vụ dạy học trực tuyến (xây dựng và truyền tải các bài giảng trực tuyến hỗ trợ nhiều định dạng: video, text, bài giảng e-learning, bài giảng tương tác…); tính năng quản lý và tổ chức kiểm tra, đánh giá trực tuyến (quản lý ngân hàng câu hỏi; quản lý kỳ thi, đề thi; quản lý bài kiểm tra; tổ chức thi trực tuyến; tổng hợp báo cáo kết quả; thông báo, kết quả trực tuyến)… Từ đó, giúp các trường điều hành, theo dõi thực hiện tốt công tác quản lý, giáo viên có thêm công cụ hỗ trợ giảng dạy, việc ôn tập, kiểm tra, đánh giá, xây dựng bài giảng đóng góp cho kho học liệu dùng chung… hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị chuyển đổi số ngành Giáo dục giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, đồng chí Lê Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: chuyển đổi số là công cụ quan trọng thúc đẩy một nền giáo dục mở, giúp con người dễ dàng tiếp cận thông tin, rút ngắn khoảng cách, tiết kiệm thời gian, tối ưu về chi phí. Ngành GD-ĐT cần xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần cải thiện chất lượng giáo dục, nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục.
Xác định cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên có vai trò quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số, đồng chí Lê Thanh Bình lưu ý: cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tạo đột phá trong đổi mới hoạt động GD-ĐT. Quan tâm bồi dưỡng đội ngũ nhân lực (cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh) có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Trước hết là kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, an toàn thông tin, khai thác, sử dụng hiệu quả các ứng dụng phục vụ công tác quản lý và công việc dạy - học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đồng bộ với kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh Trà Vinh, hướng đến mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Để thực hiện lộ trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM) thông minh giai đoạn 2021 - 2025, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân mạnh dạn chuyển đổi số, thực hiện quét mã QR, truy cập internet dễ dàng, cập nhật thông tin, tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đơn giản nhất bằng điện thoại thông minh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, kéo giảm khoảng cách từ thành thị đến nông thôn, sớm xây dựng thành công xã NTM thông minh.